W Battles Thang 09 Fight 04 Yumiiloveccs

SỨ MỆNH CUỐI CÙNG
By yumiiloveccs

"Một kiếp đời ghềnh thác thăng trầm, cũng chỉ để đợi chiếc kéo của Người cắt đứt đi tấm vải sứ mệnh và mang sắc về đổ tràn trong kí ức của tôi ."
*
1.


"Đời đã nhấn chìm tớ trong một khoảnh khắc nào vô hình, để con quạ đen bất lực rống lên mấy tiếng thảm thương, mà nó ngỡ rằng bản thân đang chìm trong sự hoan lạc diễm tuyệt của những hợp âm, đến đậu cành hồng giòn cũ xưa nơi quê nhà dầm chân trong mưa sa đất mỏi, cằn cỗi, héo hon chờ đợi người trở về.
Vốn dĩ, nó chẳng biết hót.
Cậu nói xem, thân tớ có phải là hóa kiếp của con quạ ấy không, khi đôi tay sắp gãy lìa khỏi sợi tơ sống mỏng manh đã oằn gánh quá nhiều âu lo của cuộc đua vật chất này vẫn còn cố rướn cao lên, tìm trong hư không một nỗi niềm gì dường như vời vợi lắm?
Có lẽ, cậu nhỉ, tớ chỉ mãi là một con quạ đen ngu xuẩn mù mờ, ảo tưởng về những thanh âm lộng lẫy, vô chừng, để rồi thoáng chốc quên mất đi cành hồng giòn tan như vị đắng đời tỏa lan trong khoang miệng không phải là nơi quạ nên tạm dừng chân khi mỏi mệt, cũng như quên mất cả những đặc ân gần gụi mà quá khứ vô ưu ban tặng đã sớm ngả nghiêng trong bụi bặm phủ lấp của hiện tại nghiệt ngã xoay vần.
Nhật Ký ơi, làm sao để tớ tìm lại những thứ đã đánh mất, khi thời gian là dòng chảy vô tâm, hờ hững, khéo chẳng chờ đợi và chẳng trôi ngược bao giờ?
[...]

12.03.2016."

*

Tôi lạc vào khoảng không rỗng tuếch của tiềm thức. Không nhớ một ai. Lại càng không nhớ chính bản thân mình.
Tôi chỉ biết, thứ đang nâng đỡ những gót chân nhờ nhờ tái nhợt, nhỏ xíu, chệnh choạng tựa vô hình của mình có nguồn gốc từ gỗ thân cây cao to sừng sững, nâu sậm xù xì nép bóng trong những cánh rừng thẳm xanh bạt ngàn, mướt trĩu hơi sương đẫm mặn, mà gió biển chu du đã tinh nghịch rải rắc suốt quãng lộ trình phiêu bạt. Thứ này được gọi là "giấy", cũng trắng nhờ nhờ một sắc lưng chừng buồn bã như bao dấu chân tôi vô ý hằn sâu lên những ô-li bé tẹo.
Giấy một quyển sổ. Đó là do Sài Gòn mách với tôi.
Tôi quen Sài Gòn bằng xúc cảm rung động thiêng liêng của một người thân, người bạn đầu đời. Vì từ khi mở mắt và lục tìm trong vô vọng mảng kí ức trống huơ trống hoác, Sài Gòn đã đến bên tôi, chủ động và thinh lặng.
Tôi chẳng biết Sài Gòn sinh ra từ đâu, cũng chẳng thiết tìm kiếm nguyên nhân bởi lẽ gì Sài Gòn chọn tôi là tri kỷ. Tôi tin, những con người va vào nhau tựa hai thiên thạch cô độc chơi vơi, chân thành và kì lạ đến mức ngay cả ánh mắt cũng truyền tải một điệu hát tâm hồn, thì không cần dùng lí lẽ và dẫn chứng để giải thích cho việc vì sao ngôn từ thường rơi tõm vào sự bất lực và nghi hoặc chẳng bao giờ tồn tại giữa những cá thể thực lòng thương nhau. Tôi chỉ biết, Sài Gòn cũng như tôi, đều là một con chữ.
Đương nhiên, lại là Sài Gòn định nghĩa thế nào là con chữ cho tôi.
- Bạn đang đi tha thẩn trong một quyển nhật ký.
Sài Gòn nói với tôi vào một ngày bình thường đến tầm thường, chẳng rõ là thời khắc sáng hay đêm, bình minh hay chiều muộn, bởi ở nơi mà tôi tồn tại, mọi thứ quanh năm cũng chỉ nhàn nhạt một màu xanh buồn tẻ và sắc trắng chênh vênh của lòng tôi trống rỗng, u uất, vô hồn.
- Nhật ký là gì?
Tôi nhìn Sài Gòn, cố tìm xem nơi nào trên người bạn là não bộ vĩ đại đang hoạt động chất chứa hàng mớ thông tin đáng ca tụng.
- Là một địa đàng nhỏ bé mà kì vĩ của nhân loại, một nhà kho lạ lùng neo gặm những bí ẩn chôn chặt nhất. Là nơi mà Dương đã trút hơi thở quyện theo dòng cảm xúc cuộn trào trong trái tim nóng bỏng, dồn dập của em, để tan thành những mẩu chì hằn đậm trên trang giấy trắng tinh, mỏng dánh. Cho đến tận bây giờ.
Câu trả lời của Sài Gòn chẳng đánh sáng được thứ que diêm mờ mịt nào trong đầu tôi, cũng chẳng xua được cái lạnh lẽo vô hình dần lấp kín cơ thể. Tôi nghiêng đầu và đáp lại bạn bằng một nghi vấn khác.
- Dương là ai?
Trong một thoáng, tôi chợt thấy đôi mắt biếc xanh, sâu thẳm và sáng tựa sao của Sài Gòn khẽ ứa lệ. Nhưng 'những con chữ không thể cười hay khóc, vì vô tri đã trở thành dòng huyết mạch kì lạ nhất chảy trong cơ thể ở vùng đất ngữ ngôn này' - bạn từng bảo như vậy, nên chắc có lẽ tôi đã nhìn nhầm.
Dù châu ngọc lấp lánh trên đôi gò má hây đỏ kia dường chân thật đến mức tôi ngỡ nó tỏa ra hơi ấm của một nỗi thương cảm vô danh.
- Dương là em. Là đóa hoa tươi sáng mà ảo não, yếu đuối mà kiên cường, tự nội dưỡng mầm hy vọng trong rễ đất cỗi cằn của cô đơn tuyệt vọng. Giống như cái cách loài Hướng Dương yêu thương của tạo hóa đã cố ngẩng cao đầu khỏi màu bóng tối quánh kịt mà số phận dùng lồng chụp lên, và vươn những cánh mềm mại run rẩy về phía Mặt Trời. Mười sáu tuổi, Dương là người đã khai sinh ra chúng ta.
Dương là người đã khai sinh ra chúng ta?
Tôi sẽ gắng nhớ rõ cái tên này.

*
2.

"Hôm nay, Sài Gòn lên nắng đẹp lắm, Nhật Ký ạ. Ánh sáng nhiệm màu tạc vào từng góc phố, nhảy nhót trên những ô cửa sổ trong suốt lấp lánh đôi sắc cầu vồng ẩn hiện, trượt dài trên những mảng tường vững chắc đã loang lổ vết sơn nhợt cũ, nhuộm cả cánh chim triền miên mỏi mệt trong màu vàng óng của Thần Mặt Trời. Tóc tớ thậm chí còn kết thành dăm sợi tơ nắng, óng mượt và lộng lẫy đến kì dị, nhưng nắng lại không thể vẽ trên môi tớ một nụ cười chân thành.
Bởi vì, tớ đang buồn lắm!
Cậu ơi, cậu có bao giờ chợt nghĩ, sẽ có một ngày tớ mãi mãi rời xa mảnh đất mà tớ thương đến đứt ruột bấy lâu?
[...]

15.08.2013."

*

- Bạn đang đi qua Bánh tráng trộn.
Dẫu chậm rãi, khoan dung bước tới trên rìa mép thoai thoải của trang giấy, Sài Gòn vẫn dành ra đôi khoảnh khắc ngoái đầu nhìn lại và giới thiệu với tôi một cô bé mũm mĩm với hai bím tóc lúc la lúc lắc, ngộ nghĩnh trên đầu.
- Bánh tráng trộn cũng là một con chữ hả?
Tôi hỏi với, sải chân rộng hơn để cố bắt kịp tốc độ của bạn.
- Đúng, nhưng cũng không đúng. Thật ra, chúng mình đâu đơn thuần là những ngôn từ vô tri, dù ừ thì, rõ ràng thân thể mình được tạo nên từ thứ chì chẳng biết nói và sống trong thế giới tách biệt của một sắc trắng đã và đang phai dần đi theo guồng máy khắc nghiệt, nơi mà thời gian đem nghiến kí ức thành từng mẩu nát vụn vô hình. Chúng mình là những kết tinh xúc cảm của Dương, có tên gọi riêng, có hình thái riêng. Bánh tráng trộn ra đời ngày mà Dương thả bộ dọc con đường về nhà và bắt gặp cụ bà đang đứng nướng thứ món ăn vỉa hè bình dị.
"Cụ không chỉ nướng bánh. Cụ nướng luôn cả mái tóc đã cháy khét vì lửa đổ những trưa oi nồng nghẹt thở, nướng luôn cả tuổi già đơn độc, chòng chành trên mũi thuyền cô đơn xa xứ, mà đáng lẽ giờ phút này phải được cập vào bến đỗ tổ ấm, để con cái chăm sóc và tạc nên một chương cuối của mảnh đời bình yên.
Nhật Ký à, tự nhiên khi không, tớ thấy nghẹn!".
Trái tim tôi hình như cũng chững lại và rơi thỏm vào đâu đấy giữa lưng chừng hư không tịch mịch, khi Bánh tráng trộn rót vào tai tôi những dòng chữ Dương chắp bút, du dương, đẫm ngọt, mà nghe sao mặn chát nhói lòng.
- Còn đây là Nguyễn Văn Cừ. Con đường đến trường hằng ngày mà Dương mãi còn lưu luyến.
Tôi cúi đầu chào bạn mới sau câu dẫn dắt của Sài Gòn, nhưng có vẻ cậu chàng này hơi trầm tính, bởi đôi mắt hẹp dài lúc nào cũng nhíu lại và ánh nhìn kia phóng tầm ra khoáng đãng, đăm chiêu về một nỗi quan hoài xa xăm khiến tôi bỗng e ngại.
- Đừng sợ! Nguyễn Văn Cừ chững chạc hơn bọn mình một tẹo thôi, nhưng là người chín chắn và biết quan tâm đến kẻ khác, đặc biệt rất bao dung.
"Tớ yêu lộ trình đi học của tớ khủng khiếp! Con đường ấy mà, chẳng bao giờ bị kẹt xe trước cổng cả. Hoặc là, ừ thì, cũng có thể kẹt lúc tớ chẳng có mặt. Nhưng trên hết, tớ chỉ biết cung đường đó luôn ôm vào lòng tất cả những ô nề bụi bặm, xe cộ thoi đưa, những tiếng còi "tin-tin", tiếng la hét, lớn giọng đến phát mệt. Vậy mà chẳng ngày nào khác ngày nào, vòng tay ấy chưa bao giờ khép lại, dù chỉ là một khắc để lọt suy nghĩ ích kỷ của bản thân vào chiếm lấy khoảnh đất tâm hồn mỡ màu, trù phú kia.".
Tôi đứng lặng nghe anh chàng tâm sự hết cả đoạn văn lời Dương ấp ủ, tự nhiên sóng lòng bỗng gợn lên bọt trắng vồ vập, thôi thúc đến lạ kì. Tôi phải hỏi vội, hỏi gấp, mắt nhìn sâu vào Nguyễn Văn Cừ.
- Vậy, bạn có biết mình là ai và được khai sinh trong hoàn cảnh nào không? Mình chẳng thể nhớ.
Nhưng cũng tựa Sài Gòn lần tôi thắc mắc với bạn, cậu chỉ thinh lặng lắc đầu, đong trong lòng tôi một bể sầu thất vọng. Vậy là, tiềm thức tôi vẫn rỗng tuếch như ngày tôi mở mắt ra lần đầu, xuyên suốt những trang giấy chi chít lời thổ lộ tự đáy lòng của em – một loài hoa can trường và dũng cảm.

*
3.


"Hôm nay, tớ về thăm Hà Nội đô thành. Là quê, nhưng cũng chẳng là quê. Bởi tớ chỉ mới tới đây duy nhất một lần, và một lần cho mãi mãi.
Cậu nói xem, có phải con người ta chỉ thường có xu hướng quyến luyến, yêu thương những đối tượng mà mình gần gũi, gắn bó và cắt xẻo một mảng trái tim dù lớn dù bé mà ban tặng hay không? Vì cái cảm giác tim đập hồi hộp, rộn ràng và hàng nghìn lớp sóng quặn lên xô ngã tường thành trong tâm để trào dâng nơi đáy mắt, chỉ có thể xuất hiện mỗi khi tớ từ phương xa lắm trên đường trở lại Sài Gòn "quê hương".
Tớ yêu thành phố mất rồi. Cậu ơi, làm sao để đôi mắt này ráo hoảnh và những giọt lệ xót mặn không lặng lẽ rơi, nếu một mai tớ phải thực sự dứt bước rời khỏi?
Vì có lẽ tớ đoán, ngày ấy cũng không còn xa.
[...]

19.08.2013."

*

Sài Gòn bùi ngùi nắm chặt tay tôi, đoạn khẽ đan nó sâu vào từng ngón dài thanh thoát, duyên dáng của Hà Nội.
- Đây sẽ là người dẫn bạn đi những chặng đường tiếp theo.
Tôi ngỡ ngàng mở to mắt, dám chắc bản thân có thể cảm nhận hơi nước âm ấm đọng lưng lưng trong khóe cay nồng làm mờ đi tầm nhìn mới đây còn sáng sạch. Nhưng có lẽ đấy chỉ là những giọt sương từ cành khô ngỗ ngược ngã nhào xuống và chơi trốn tìm trên hàng mi chợt rũ, dẫu nơi không gian tịch mịch chẳng nghe được tiếng lá cây xào xạc nào.
Bởi vì tôi là con chữ, nên chắc tôi không thể khóc đâu, Sài Gòn nhỉ?
- Còn bạn, bạn đi đâu?
Tôi hỏi, nhưng Sài Gòn đã đưa bóng lưng về phía tôi. Liệu lòng bạn có giống như tôi lúc này, tựa mặt biển nhấp nhô điên cuồng trong cơn mưa xối xả đang ồ ạt dâng những gợn sóng?
- Mình không đi đâu hết, mình vẫn ở lại đây thôi. Nhưng mình sẽ không thể gặp bạn!
- Tại sao?
Tôi hoang mang hỏi. Hình như từ lúc gặp Sài Gòn, tôi luôn hỏi và chỉ hỏi. Có phải vì vậy mà bạn ghét tôi? Ừ, giá như, tôi còn gom nhặt được chút kí ức thay cho não bộ trống rỗng vô dụng này...
- Thôi, bạn đi đi, đi thật vui vẻ nhé. Và nhớ, tìm cho bằng được Người-ấy.
Tôi toan định gào lên: "Người ấy là ai?" nhưng Hà Nội đã kéo tôi chạy mất, lướt trên những trang giấy ngày càng gồ ghề và âm ẩm, để rồi một thoáng quay đầu lại, Sài Gòn chỉ còn là một cái chấm bé tẹo xa thật xa, dẫu có cố nghểnh cổ lên nhìn cũng không thể thu lại gương mặt dấu yêu kia vào trong tầm mắt.
Và tôi đã để lạc mất bạn.
- Đừng buồn, Sài Gòn vẫn luôn dõi theo chúng ta mà.
Hà Nội an ủi tôi bằng chất giọng trong lanh lảnh, nhưng tôi chẳng thể nghe lọt tai, vì đó không phải là thứ tiếng khàn khàn mà ấm áp của Sài Gòn. Tôi gỡ những ngón tay dài, trắng muốt, mềm mịn của Hà Nội ra và tự mình bước đi về phía trước. Mặt giấy dưới chân tôi ngày càng sũng nước và nhòe nhoẹt, chẳng thể hiểu vì sao. Hoặc giả, có phải rằng mưa phùn về đậu nhỏ giọt ngắn dài trong đáy mắt mà tôi ngỡ là ráo hoảnh?
- Giấy ướt vì thấm lệ của Dương.
Hà Nội lên tiếng giải đáp, và tôi đoán bạn đã đọc được nơi tôi một nỗi niềm quay quắt. Tôi xoay người lại với một tiếng thở dài không đành đoạn.
- Bạn biết tại sao Dương khóc?
- Vì mình. Vì mình mà Dương mới khóc.
Hà Nội cúi gằm mặt bình thản, nhưng tôi không dám chắc bạn cũng có đủ dũng khí đeo chiếc mặt nạ an yên như thế trong lòng.

*
4.

"Đúng vậy cậu ạ! Bố chuyển công tác, và mình phải về sống ở Hà Nội – nơi mà giấy khai sinh đã ưu ái đặt chễm chệ cái tên vào phần Quê quán.
Mẹ bảo chẳng sao, nhưng người lớn không hiểu mình. Lắm lúc ở đời, cõi lòng một người nào đâu thể là Thiên Đường phúc hạnh mà tâm tư kẻ khác có thể lạc vào dạo chơi và bước ra với chiếc áo choàng chẳng mảy may vướng chút bụi trầm ngâm, suy nghĩ. Sợi lông vũ nước mắt chỉ cọ quẹt vào trái tim rỉ máu của tớ ngày rời xa ấy và khiến nó hắt-xì đến rỏ lệ đau thương, nhưng tuyệt nhiên chẳng đến ghé thăm miền đất lòng của bố mẹ dù chỉ trong khoảnh khắc nào. Có lẽ, đó là nguồn gốc của "khoảng cách thế hệ" chăng?
Vì dẫu có tưởng đọc được bí mật một người, ta cũng không thể từng trải dòng nước mắt xót xa người từng trầm mình trong đau đớn. Vì dẫu có yêu Sài Gòn đến độ nào đi nữa, họ vẫn không thể ngừng gán lên thành phố này một cái nhãn chán ghét: Thành phố chẳng-phải-quê.
[...]

21.11.2013."

*

- Vậy ra, Dương không yêu bạn lắm.
Hà Nội khẽ thở dài. Hình như có đám mây đen u hoài về ngự trị trong đôi mắt nâu nhạt sâu thẳm của bạn, và cánh chim cuối cùng nào lại nỡ ham chơi lạc bầy để sải cánh cô độc trên bầu trời u uẩn, xám xanh?
- Không phải Dương không yêu tớ. Chỉ là, Dương yêu Sài Gòn hơn.
Thở dài, tôi đành trả lời Hà Nội bằng thanh âm của sự thinh lặng. Tôi chẳng rõ thế giới ngoài kia có bình yên hơn những trang giấy tẻ nhạt mà tôi chôn vùi cả cuộc đời quẩn quanh của mình vào trong đó hay không, nhưng vùng đất chỉ mãi nuôi dưỡng cái sắc trắng và xanh nhờ nhờ đến ảm đạm này cũng không thể mọc cánh vươn lên và thoát khỏi những chân lý chán ghét. Buồn thay, tôi đang phải đối mặt với một trong số đó: Nỗi bất lực của ngôn từ.
Ngôn từ! Dẫu có mãnh liệt và nắm trong tay quyền lực vạn năng như thế nào, đứng trước những sự thật làm đau lòng đối phương hay xé nát tâm hồn kẻ khốn khổ đối diện, cũng chỉ biết câm lặng cúi đầu!
- Xin lỗi vì đã đụng đến vết thương bạn cố giấu.
Sau một hồi đắn đo day dứt, tôi vẫn quyết định mở lời.
Mà thật ra, không cần Hà Nội giãi bày. Không cần tôi tìm hiểu. Chẳng thiết phải để không gian đong trong lơ lửng hơi ngai ngái bởi những giọt nước mắt của Dương từ thuở xa xưa nào lũ lượt tìm về, nhưng chỉ cần chăm chú nhìn vào nét bút nguệch ngoạc và nội dung chúng dưới chân kia, tôi cũng có thể lờ mờ đoán ra. Tất cả.
Em viết về Hà Nội với một màu nắng buồn tẻ.
Sao nắng trên cao không xanh trong và ấm áp như ở Sài Gòn?
.
Em viết về Hà Nội với một Hồ Gươm chiều buồn ảm đạm cùng bố dạo quanh.
Sao Hồ không ngăn ngắt nỗi hoài niệm vẩn vơ em thường trút bầu tâm sự giữa sông Sài Gòn lộng gió?
.
Em viết về Hà Nội với tô phở to, cũng đấy bánh, đấy thịt, chút nước lèo và giá non.
Nhưng bánh không thơm trắng, thịt không đậm vị, nước lèo không nóng hổi đến mời gọi và giá non chẳng hanh hanh mùi gió chín ngan ngát của một tiệm Phở nhỏ ở góc phố Sài Gòn.
.
Em viết rất nhiều về Hà Nội. Rất nhiều. Như một sự hành xác con chữ và trách nhiệm đạo lý khô khan.
Sao tôi tự hỏi, còn cái tình nồng ấm – linh hồn của hoa Hướng Dương và vạn vật chảy tràn dưới ngòi bút sắc sảo, ánh lên bình dị trong trái tim ấm nóng đập dồn dập luôn thường trực ấy, em ơi, đã lạc về nơi đâu?
Có lẽ Hà Nội đã nghe lời xin lỗi của tôi, nhưng bạn vẫn cúi đầu.

*
5.

"Nhật Ký à, gia đình mình lại dọn đi và định cư tại Canada. Bà nội mình sống ở đấy.
Vậy là xa thêm Sài Gòn gần nửa vòng Trái Đất rồi, giờ còn xa cả thị thành mình đã cố thích nghi và hòa nhập một năm nay.
Cậu trả lời tớ đi, khi quyết định chuyển nhà, cha mẹ liệu có hay không một lần nhìn về phía người con, để gắng hiểu những tổn thương mà nó gánh chịu có thể phình ra to tướng như một cái mụn bọc ủ lên mưng mủ, nhọn hoắt và đớn đau đến mức nào?
Người ta bảo, nước mắt chảy xuôi chứ không bao giờ chảy ngược...
[...]

28.10.2014."

*

Hà Nội đã buông tay tôi vào một ngày không tên. Giữa không gian vô thanh tịch mịch, chẳng để dành sót lại chút tiếng lòng nào cho tôi nghe lần cuối.
Tôi đi lang thang vô định qua từng trang giấy và gặp rất nhiều người. Banff. Tombstone. Moraine. Toàn những cô gái, anh chàng với nhan sắc diễm tuyệt khó thể chê vào đâu được và nghe đồn là rất nổi tiếng ở Canada, nhưng tôi vẫn không thể mở hẳn chiếc dây kéo khóa lòng mà cơi nới ra để đón nhận.
Phần vì tôi lạ. Phần vì tôi đau.

Canada, phải hay chăng đã chiếm trọn chỗ Sài Gòn?

Hướng Dương, em không còn là loài hoa luôn nghiêng về phía Mặt Trời như em từng nữa. Cánh hoa mềm mại, tươi sắc của em vì cớ gì mà chẳng tìm thấy niềm vui trong việc tận hiến yêu thương cho Sài Gòn? Em quên mất nơi xưa. Là vì thời gian trôi quá nhanh, hay vì tình người thay đổi quá vội bởi lớp vỏ bọc xa hoa, hào nhoáng nhưng hoàn toàn mục ruỗng và rỗng ruột kia? Để rồi trang nhật ký mãi mãi dừng lại ở ngày 12.03.2016, ngày mà em tự hỏi liệu em có phải là hóa kiếp của con quạ đen ấy...
Thật ra không đâu, em ạ! Bởi trong tôi, em vẫn luôn là đóa hoa hướng dương xinh tươi, quật cường và mạnh mẽ như ngày đầu Sài Gòn kể. Bởi tình yêu thì có thể thay đổi, nhưng thương một người thì ấm áp, yên lặng và dai dẳng tựa đêm – bền vững lắm, và chữ thương có dễ cho đi bao giờ...
Trong suốt quãng đời còn lại của tôi, đã có lần tôi ngỡ tìm lại được chính mình. Đó là khi tôi vô tình lướt qua một cô gái với mái tóc ngắn mềm xõa ngang vai và đeo cặp kiếng cận đỏ hồng khiến tôi sững sờ, không phải vì nhan sắc kia quá lộng lẫy mà bởi vì bạn rất giống một người.
- Sài Gòn?
Tôi hoảng hốt kêu lên và sè sẹ lại gần như sợ bóng dáng thân yêu sẽ tan biến. Cô gái chỉ cười – và khoan, làm sao một con chữ có thể cười?
- Xin lỗi vì đã lừa dối bạn. Sài Gòn chỉ là cái tên mà mình dùng để làm nhiệm vụ, còn Quê mới chính là tên thật của mình. Bạn ngạc nhiên lắm phải không? Thật ra, tất cả chúng mình đều có thể bộc lộ cảm xúc. Nhưng thật buồn, Cảm Xúc thì đã chết hoặc mãi mãi ngủ yên, từ rất lâu.
Trong khi tôi còn đang trố mắt ra nhìn thì Sài Gòn, mà giờ là Quê, tiến lại gần và thì thầm khe khẽ:
- Giúp bạn tìm lại bản thân là sứ mệnh duy nhất và cuối cùng của mình. Hãy nhớ rằng, mình luôn yêu bạn!
Mọi chuyện ngay sau đó tan ra tựa một giấc mơ hư hư thực thực, thậm chí còn không rõ có phải ngày hôm ấy, tôi đã gặp lại cố nhân thương yêu hay không. Nhưng chính cái khoảnh khắc mà câu nói lần đầu tiên chúng tôi gặp nhau vang vọng về vẫn còn hằn sâu trong tiềm thức cũ xưa, khiến tôi chợt rùng người.

'Mình là Sài Gòn, còn bạn?
Mình là Sài Gòn, còn bạn?
Mình là Sài Gòn, còn bạn?'.

- Mình là Tình. Chào bạn, Quê.

loading...