I. Thằng Huyện

Con ơi nhớ lấy cho rằng
Cướp đêm là giặc, cướp ngày là quan.

Cái cụ đã dạy thì cấm có sai. Nhìn xem, bọn chánh lý lại đang họp hành về cái nghiệp ăn cướp của chúng nó trên đình ấy. Lại có thêm ông huyện họ Đinh Văn góp vui, dễ chừng năm nay cả cái làng Ẻn này đói to.

Ở nhà anh đồ Khê, lúc này cũng đang diễn ra một cuộc chè chén, nhưng là của người có học chữ, cho nên cứ gọi là cuộc luận đàm nho gia cho nó đúng lễ. Anh đồ Khê năm nay cũng gần tam tuần rồi, vẫn chưa qua cuộc thi hương thi hội nào, lẽ thường cũng không có tư cách đi gõ đầu trẻ. Nhưng giữa cái lúc nước mất nhà tan, thế thời thối nát thế này, còn lều chõng đi thi thì thành ra quân hèn hạ bán nước à? Cứ khư khư ngậm lấy con chữ sống cảnh thanh nhàn như anh thế mà cao quý bội phần, còn được làng phá lệ cho lên hàng đồ, hàng ông nữa đây. Huống hồ, cụ thầy nhà anh lại là bậc khí tiết được muôn người nể trọng, hơn mười năm trước khi rợ Minh cho quân chiêu tài vào làng bắt văn sĩ, cụ đã là người đầu tiên vái thiên vái địa rồi đâm đầu vào cột tự vẫn, tránh đi cái nhục bị bắt sang xứ người hầu quân xâm lược. Thuở ấy, người hay chữ trong làng toàn làm thế, bởi họ trọng cái tiếng trung trinh hơn bất cứ thứ gì, còn hơn cả vợ con và tính mạng.

Mà cũng nhờ cái mạng cao cả của cụ, phúc đức để lại anh Khê giờ cũng được hưởng tám, chín phần. Phóng mắt trông cả huyện Thanh Ba này xem, có họ nào được vọng trọng bằng cái họ Nguyễn Vi nhà anh không?

Phải là lúc trước, họa may còn có bọn Đinh Văn, nhưng kể từ khi họ đó có thêm một ông huyện nhà Minh, ai nấy dẫu không nói ra, song đều xem cả họ Đinh Văn như phường lụn bại. 

Thời thế lắm nỗi trái ngang, các anh học trò dùi mài đến mòn vẹt đá vàng thì cũng không có đất dụng võ, bèn học theo khí tiết thanh cao của ông Bảo Nghĩa Vương đời Trần, thà làm trò xứ Nam chứ không thèm làm quan phương Bắc, suốt ngày nếu không vịnh thơ viết chữ buồn cho vận nước gian truân, thì cũng trải chiếu hoa ngồi kéo nhị giữa sân, vừa khóc vừa tỏ bày niềm tiếc thương mất nước.

Còn có các buổi hội họp luận bàn thế sự như này nữa, nơi mà bọn họ dùng cái khí tiết cuồn cuộn của con nhà gia giáo, cái ngạo nghễ thanh cao của bậc hiền sĩ ái quốc trộn lẫn vào miếng xôi, hớp rượu để mắng cha, mắng bà cái lũ ra làm quan cho giặc. Tổ cha chúng nó! Ăn cơm đất Nam mà lại đi hốt phân cho rợ Bắc, hỏi có đớn, có nhục, có hèn không cơ chứ? Được cái mũ cánh chuồn, cái đai giát ngọc, đôi giày ống cao thì oai lắm sao? Bọn ông cứ khăn đầu rìu, đai vải thô, chân đi đất mà vẫn được khối kẻ khoanh tay khom người gọi bằng "ông", bằng "ngài." Còn cái ngữ bán nước chúng bây ấy à, dù có lên được bao phẩm mấy vị, cũng chỉ đáng kêu tiếng "thằng" mà thôi!

Mỗi lần các ông học trò mắng đến đây, cái tên Đinh Văn Trung đều được lôi ra để các ông xâu xé. Ai lại phải gió lại đặt cho nó tên Trung ấy nhỉ? Nghe nó mới nhạo, mới giễu làm sao...! Trung gì cái ngữ như nó, tài năng kiêm bị thế nào, văn hay chữ tốt ra sao, lại ra đầu quan cho giặc! Ấy mà cũng giữ đến chức tri huyện rồi đấy, nghe bảo còn được một thằng tên Trung nữa làm quan to ở ty Bố chính hết lòng nâng đỡ, suýt đã gả con gái cho. Thế mới hay giời không có mắt, những thằng bất trung khốn nạn thì lại vinh hiển đầy nhà! Còn một bụng dạ trung nghĩa thiết tha như họ, lại phải chết mòn trong quần thô áo vải...

"Tính ra thì vị đấy lúc còn đi học cũng là một bậc anh tài các bác ạ," trong cơn ngà say, anh đồ Khê khẽ cười. "Tôi còn nhớ mãi bài văn cuối cùng hắn nộp cho thầy tôi vào năm rợ Minh vào đến làng, ôi là nó chắc phải sắc sảo cao sang lắm hay sao mà thầy tôi trước ngưỡng tử vong vẫn cố đọc cho bằng hết, hết rồi còn vo lại nuốt luôn xuống bụng. Cụ khóc, các bác ạ, đời tôi chưa bao giờ thấy thầy mình khóc thảm đến thế, vừa khóc vừa siết tay hắn mà lẩm bẩm tự trách rằng, thân làm thầy mà chẳng được dũng cảm như trò, thôi thì chết cũng là đáng tội. Nói xong, cụ buông tay hắn ra, chẳng thèm ngó ngàng gì đến tôi và u, đâm sầm vào cột lăn ra tắt thở. Bảo sao không tài các bác nhỉ?"

Thấy anh đồ đắng cay nói giễu, một ông trò ngồi cạnh vỗ vỗ vai anh. "Thôi nào bác Khê, bác vẫn còn căm cụ đồ cái chuyện ấy sao? Người già mà, trước khi chết thường hay quẫn trí, nói không chừng cụ nhầm bác với thằng Trung cũng nên...! Có lẽ đâu sắp chết rồi mà vợ con đứng đấy không trối, lại đi trối với thằng học trò không ruột rà máu mủ?"

"Đúng đấy bác Khê ạ, đành là thằng ấy cũng một tên hay chữ, đến thầy tôi bên Ma Khê còn nghe ra tài học của nó; song lúc ấy nó cũng chỉ mới đôi mươi, đường đời bao dày mấy sâu đâu mà có thể viết ra được thứ gì hay ho khiến cụ đồ xúc động như vậy? Chắc chắn là cụ ấy nhầm nó với bác thôi..."

Anh Khê lắc đầu như có vẻ không mấy thuyết phục, đoạn khịt cười vung lên bát rượu.

"Mà này, các bác là dân có chữ, phải gọi người ta bằng 'ông' nhé. Quan huyện mà lị... ! Ai lại cứ 'thằng' với 'tên' mãi thế, làng xóm họ cười cho!"

Một ông ngồi đối diện nện bát xuống mâm thành tiếng rõ to, dẫu môi gắt gỏng.

"Ông gì cái phường bội phản như nó! Ông đây khinh! Giá mà nó phản cũng phản cho ra dáng học trò nước Nam, còn biết giơ cao đánh khẽ đối với dân nhà, ông đây cũng không cạn nghĩa đến độ rủa mắng như con chó. Đằng này nó nhuốc bác ạ! Nhuốc ghê cơ chứ! Còn hùa với cả cái đám cướp ngày trên cao mà vơ vét của dân. Bọn chức sắc tham gì, ba năm nay nó lại chả tham đấy? Rồi giờ lại còn giở cái thói ngông nghênh của lũ rợ Minh, cứ trông thấy trò Nam chúng mình là hất đầu bày dáng cha thiên hạ. Cái giống chó săn cho giặc như nó, chỉ đáng gọi là 'thằng' thôi!"

Ấy thế là câu chuyện cứ xoay quanh "thằng huyện" mãi hoài không dứt. Người mắng thằng huyện là chó, kẻ rủa thằng huyện là trâu, đứa thì lầu bầu chửi luôn ông tằng ông cố nhà thằng huyện. Tính ra, học trò mà khi say rồi, miệng mồm cũng nghiệt ghê lắm, giả dụ mà thằng huyện kia có chết bất đắc kỳ tử, chắc cũng bị các ông đồ ông trò đây chửi cho sống lại.

Giữa lúc hăng say hứng chí, hào khí ngút trời, thằng nhóc con lại chạy ào vào thưa với chủ có bác cai tuần Đại đến thăm. Vừa nghe đến từ "cai" từ miệng đứa trẻ, cái khí thế uy phong của các bậc sĩ tử bỗng đâu như bếp hồng gặp mưa rào, lèo xèo lụi tắt.

Cai, thì là người của làng, mà làng, thì là của quan.

Thế rồi từ bếp than tàn, khói nó tù mù bốc lên, khói hoảng, khói hãi, khói choáng, khói của hàng trăm chữ "thằng huyện" bị kẹt ngay giữa cuống họng, quạt cách nào cũng không sao ra khỏi miệng. Có ông đánh rơi đôi đũa, có ông mắc nghẹn cổ gà, có ông còn hoảng đến độ ngã từ trên phản xuống, cả một đám sĩ tử nho gia phong lưu nho nhã, trong thoáng chốc đã loạn như đàn gà trong cảnh đám ma.

Anh đồ Khê nhìn cảnh này mà dở khóc dở cười, khắc trước còn mắng mỏ đầy khí thế là thế, vừa nghe nhắc đến quan, à không, lính của lính của quan, đã giật mình thon thót. Cái lũ này cũng thật là mạnh mồm yếu vía.

Mà anh cũng chẳng hơi đâu nhạo cười chúng nó, nhỡ đâu chúng giận, sau này lại chả sang đây nữa thì đời anh lại hóa buồn, thế nên anh chỉ cười trừ, dang tay trấn an. "Gượm nào các bác, anh cai này là người trong họ tôi, chẳng phải đến thăm dò, bắt bớ gì đâu. Chắc là trên đình có sự chi can hệ, anh ấy mới vội về đây báo. Các bác ngồi cho ngay thẳng lại nào, để tôi cho anh ấy vào bẩm chuyện."

Cả bọn hú vía, thở phào vài cái rồi ngồi lại vào mâm ra dáng đạo mạo. Đồ Khê cho thằng hầu đem thằng cai vào, bản thân thì khoanh chân, ưỡn ngực đúng dáng cậu cả.

Vừa vào đến nhà, thằng cai đã vội bổ xuống chân anh đồ.

"Ối cậu cả Khê ơi, phen này nguy rồi...! Cậu có thương thì ra đình giúp cho cô con với...!"

Anh đồ nhíu mày. "Cô con"? Thằng này là thằng cai tuần, đi theo hầu bọn lý giáp, lấy đâu ra nhà chủ mà đòi "cô con"?

"Mày chầm chậm thôi nào, cô nào cơ?"

"Cô... cô Trinh nhà thầy đồ Quế, trước đây đã dạy con vài ba con chữ đấy ạ...!"

Một hình ảnh mỹ miều quen thuộc hiện lên trong óc, anh đột nhiên cảm thấy choáng váng mặt mày.

"Cô Trinh làm sao?!"

"Dạ bẩm... trưa nay người làng Quả đưa xác của bà đồ Quế về đây, bảo là bắt được cô Trinh lén lút mướn người chôn cất bà ở bãi tha ma làng họ, họ không muốn mang vạ nên phải đem trả."

"Làng Quả... đến tận bên huyện Lũng Bản cơ à...? Xa thế mà họ vẫn gắng đưa về đây?" một ông trò chen lời.

Thằng cai ngậm ngùi gật nhẹ. "Họ sợ họa quan, vạ quyền ông ạ. Chuyện cụ đồ thầy con hai năm trước cãi lại triều đình nhảy sông tự vẫn, xác bị lão châu vớt lên đem treo ở cây đa cổng làng cho đến hồi khô đét vẫn còn mới lắm. Họ sợ sau này nhỡ đâu truy ra bà đồ được chôn cất đàng hoàng ở làng họ, cả làng sẽ bị triều đình trừng trị vì tội chứa chấp gia quyến tội đồ. "

Cả bọn lặng yên ngậm ngùi cho cái phận vợ tội đồ, thằng cai sụt sùi kể tiếp.

"Sự bị lão giáp lôi lên đình, trước các quan ông lão làm tình làm tội bà đồ, người lúc bấy giờ chỉ còn là một cái xác, nào đòi lóc thịt lóc da để trơ xương cho thiên hạ ném đá, nào đòi lột truồng treo lên đài dùng roi quất cho thỏa, bệnh hoạn vô cùng các ông ạ! Chắc là lão còn căm lắm việc bà đồ thà chết chứ không chịu gả cô Trinh cho lão mấy tháng trước, chứ ai lại nhè vào một cái xác mà mắng, mà la, mà nhục mạ như thế bao giờ...?"

Lại một tràng tiếng thở dài vang lên xung quanh.

"Cô Trinh con chịu không được cảnh ấy, lại mắc phải chứng câm không gào khóc cho thỏa được, cuối cùng điên quá bèn nhân lúc bọn lính sơ suất lao lên đẩy vại dầu cúng lên xác bà đồ, đoạn thảy luôn cái đuốc kế bên vào luôn đấy."

Các ông hít sâu vào sửng sốt. Không ngờ nàng Trinh trông thường ngày hiền lành đoan thuận là thế, tức nước vỡ bờ cũng quyết liệt thật. Thà thiêu luôn xác u chứ không để người ta dày xéo. Cái việc nó bất hiếu làm sao, mà cũng thật hiếu thảo làm sao...  

Một ông trò bò ra đập tay bộp bộp lên phản. "Ôi đến là khổ cái thân bà đồ! Chồng là bậc trung lương, vì không muốn theo hầu giặc đã phải phơi xương giữa đường, không nơi chôn cất thì thôi đi... Bây giờ cả cái thân tàn cũng phải đeo mang tội nợ! Đã trốn sang đến tận huyện khác để tìm chỗ nương nhờ cho tấm thân thối rữa mà giời cũng chẳng tha cho...! Ôi là cái quân chó săn khốn nạn! Đến cả đồng bào mà cũng ăn thịt uống máu...!  Tội cho cô Trinh quá, phận gái cút côi, bệnh tật, mà còn phải gắng kiên cường trước bọn mặt ngựa đầu trâu... Giời cao mù rồi! Giời cao mù rồi...!"

Ấy rồi cuộc rượu lại chuyển sang cuộc than, cuộc oán, các ông sĩ tử đua nhau than giời oán đất giúp gia đình đồ Quế. Mắng các đấng linh thiêng chán chê, họ lại quay sang rủa thằng châu, thằng huyện, thằng giáp, thằng lý... đến cái con chó nhà chúng nuôi, sợ là các ông đều lôi ra mắng tất. Ôi là cái sự mắng chung, mắng nhóm, mắng đoàn, nó khí khái làm sao, anh hùng làm sao... khiến cho các ông trong thoáng chốc còn tưởng mình hóa ra ông tướng đang chém giết trên trận mạc, nào có nhớ cho rằng... các ông thường ngày đến con gà, con ngỗng, còn phải nhờ vợ đem ra sau sân cắt tiết.

"Mà giời đôi khi cũng mở được một con mắt các bác ạ, nghe bảo đợt thăm làng nhà hôm qua, thằng huyện Thanh Ba bị chính đám trẻ nít trong họ của mình ném phân trâu vào mặt. Xong chuyện chúng nó mạnh ai nấy chạy, thằng kia vì bị bà thái Đinh Văn dọa gạch tên khỏi tộc phả nên phải nén hờn tha cho lũ nít. Làm quan như thế, hỏi có nhục không?!"

"Cái đám Đinh Văn ấy tôi còn lạ gì, vừa ngông vừa bạo, được cái ai nấy khí tiết đầy mình. Nghe bảo năm kia trai đinh họ đấy còn hợp nhau giữa đêm leo vào phủ huyện giết ngang con chó, xong rồi treo lên cây ghim cùng hai chữ 'Văn, Trung.' Đến là ngông các bác ạ. Nhưng là ngông hùng, ngông dũng, các bác có thấy thế không?"

"Họ chẳng thế thì thiên hạ chửi cho đến chết! Cả một vọng tộc được gần xa kính ngưỡng, ăn ở thế nào tự dưng lại đẻ ra một thằng phản quốc, nhục lắm đấy! Miếng khăn lành tự nhiên có vết nhơ, nghĩ cũng thương cho họ..."

"Tất cả cũng vì cái thằng chó huyện tham lam...!"

Mặc cho ai nấy đều dời chú ý sang việc mắng chửi thằng huyện. anh đồ Khê thì cứ nghĩ mãi đến nàng Trinh rồi nhức nhối trong lòng. Nếu không phải năm đó u anh vì sợ bị quan bắt bớ lây, lại ngại bệnh câm bất ngờ của nàng nên từ hôn với bà đồ Quế, nàng và anh giờ đã ấm duyên vợ chồng, u con nhà họ cũng không lâm vào cảnh gia đạo tan tác, thân cô thế cô như hiện giờ... Nhưng u anh có cái lẽ riêng, là phận con, anh cũng không làm trái đi được, đành mang tiếng phụ rẫy người ta. Rồi cô Trinh nhà đó kể cũng đáng mặt con nhà thư hương lắm, đứng trước hàng tá bị kịch trải ra như chiếu hoa bị mục, nàng vẫn bình tĩnh chăm lo cho người mẹ đổ bệnh, vẫn thẳng lưng ngước nhìn lũ chức sắc khi chúng ra lệnh cho người làng phải xa lánh u con nàng. Thậm chí lúc bị u anh khéo léo từ chối cho vay vài đồng tiền thuốc thang, nàng cũng chỉ thản nhiên gật một cái rồi lặng lẽ đi về. 

Trưa đó, nghe thằng cai kể lại, nàng dỡ luôn cái bếp và gian ngủ của mình lấy gỗ ra chợ bán, tối về lót chiếu trên đất nằm cạnh giường trông u.  

Hai chữ "kiên, cường" thật chẳng ngoa, mà sao cũng đau đớn quá... 

Trước tâm trạng ủ ê tập thể của các ông trên chiếu, thằng cai biết mình không nên nói tiếp những chuyện xảy ra, sự đến đây mà các ông đã khóc than như thế, còn kể tiếp thì ra sao nữa? Nhưng rồi cậu cả Vi Khê vì sốt ruột cho người xưa nên đã hối, nó cũng không dám nhẹm.

"Cứ tưởng bà đồ thế là thoát tội nợ, nhưng lão giáp lão dai lắm mấy ông ạ, lão sai người dập lửa rồi lôi phần thịt loang lổ cháy khét vẫn còn tươm máu ra đòi treo lên. Cô con thét không thành tiếng, lại bị lính kềm, bèn không cách nào ngoài sụp xuống quỳ lạy các quan ông. Kể ra cũng may ông châu không có dự cỗ này, nếu không với cái sự căm của ông dành cho nhà cụ đồ Quế, ông chắc sẽ xử chết cô con."

"Rồi cô Trinh bị xử thế nào? Mày cứ lan man mãi thế?"

"Dạ bẩm, giữa ngay lúc ấy thì ông huyện đang gối trên đùi ả đào cho vã cơn say đột nhiên tỉnh ngủ, có lẽ do dân làng vây quanh khóc than ồn quá. Ông ta cả giận quát to khiến đám lý giáp sợ xanh cả mặt, vội vã quỳ xuống bẩm hết đầu đuôi. Ông nghe xong không bảo gì, chỉ khoác tay con hát ngã nghiêng một hồi, đoạn sai người lấy khăn ướt lau đi máu trên trán cô Trinh cho ông xem mặt."

Đến đây thì trong ruột anh Khê quặn lại. Lẽ nào...?

"Ông huyện cười to rồi kêu lên sao đẹp thế, xong ngả ngớn với ông lý rằng, nếu đứa con gái đó chịu về hầu ông, ông sẽ bỏ vài quan ra đi chuộc vạ thay nó với ông châu, để nó ít nhất quấn được cái chiếu rách chôn u."

Thằng cai nói đến đây, cả đám đều hai năm rõ mười. Làm quan sướng là thế đấy, có chút quan hệ với quan to trên phủ là tha hồ mà ngông, đến nỗi hận của tri châu mà cũng chỉ dùng vài quan quèn là có thể vuốt xuống. Nhưng nàng Trinh xuất thân con nhà gia giáo, khí tiết nào cho phép nàng hạ mình làm đĩ điếm cho người? Nhất là người đây còn là chó săn cho giặc? Một khi nàng đồng ý, chỉ còn nước đeo gánh nhục nhã ngàn thu. Làng Ẻn này trọng nhất trinh tiết đàn bà, dù có thông cảm cho hoàn cảnh nghiệt ngã của nàng thế nào, một khi thân bị nhấn xuống bùn lầy nhơ nhuốc, nàng sẽ trở thành tội nhân thiên cổ.

Nhưng rồi, chữ hiếu vẫn còn phơi ra đó, xác thây của bà đồ vẫn réo rắt gọi đòi...

"Cô mày đồng ý rồi phải không?" anh đồ Khê thở dài hỏi.

"Vâng ạ," thằng cai gục đầu.

Thế là toi nào hoa nào ngọc, nào tiếng nào danh, nào trinh nào tiết.

Không hiểu sao, trong lòng anh lúc này, thương thì có thương, hiểu thì có hiểu, nhưng cũng không tránh khỏi chữ "khinh" nghẹn ngào dợm lên. Đảo mắt nhìn quanh, anh biết chúng bạn đều cùng chung ý nghĩ. Chữ "trinh" của đàn bà, chữ "tiết" của đàn ông ở cái làng thượng văn này, nặng như thế đấy.

"Thế thì cô mày đã chọn vùi dập má đào, tao còn cứu làm chi nữa...?"

Hỡi ôi...

Trinh cao Trinh đứng một mình,
Về hầu anh Bất, hóa nghìn chữ "khinh."

____________________________________________________

loading...

Danh sách chương: