Than Thoai Hy Lap Nhung Con Chau Cua Heraclex Heraclides

Sau khi Hêraclex chết, mẹ chàng cùng với các con của chàng từ thành Tebơ rời về Tiranhtơ sống với người con trai lớn tên là Hinlôx. Nhưng họ sống ở nơi đây không được bao lâu. Ơrixtê, vị vua hèn nhát và thù vặt vốn chẳng ưa gì Hêraclex đã từng hành hạ Hêraclex bằng đủ mọi cách mà chẳng thể bôi nhọ được chàng thì nay trút tất cả nỗi căm tức của mình vào những đứa con của Hêraclex. Một nghiêm lệnh được ban bố: những con cháu của Hêraclex không được cư ngụ trên đất Tiranhtơ. Một nghiêm lệnh khác tiếp theo: cấm mọi đô thành, xứ sở, miền núi cũng như miền xuôi không được chứa chấp lũ người này. Thế là những người con của Hêraclex phải đi lang thang phiêu bạt hết chỗ này đến chỗ khác. Thương xót tình cảnh những người cùng máu mủ, Iôlaôx người bạn đường của Hêraclex đã từng tham gia chiến đấu với Hêraclex trong sự nghiệp vĩ đại đã bất chấp lệnh của tên vua hèn nhát và thù vặt, cứ đón nhận những người con của Hêraclex. Kể ra theo huyết thống thì Iôlaôx là anh em con chú con bác ruột với những người con của Hêraclex (ông là con của Iphiclex mà Iphiclex và Hêraclex là hai anh em sinh đôi). Những việc làm nhân nghĩa của Iôlaôx đã không che giấu được Ơrixtê. Biết chuyện, tên vua hèn nhát và thù vặt này lập tức đem quân vây bắt. Bây giờ thì chẳng có ai địch được hắn cả. Quyền thế trong tay hắn, một kẻ bất tài vô đạo, làm cho hắn trở thành một kẻ hãnh tiến dương dương tự đắc, sử dụng quyền lực để hãm hại những người lương thiện, những người con của Hêraclex. Hắn tìm thấy niềm vui sảng khoái trong sự thù hằn nhỏ nhen đê tiện. Iôlaôx và những Hêracliđ phải chạy sang lánh nạn ở đô thành Aten lúc này do Đêmôphông (Démophon) người con trai danh tiếng của người anh hùng Têdê và nàng Pheđrơ xinh đẹp cai quản. Ơrixtê sai sứ thần sang Aten đòi Đêmôphông phải nộp những Hêracliđ, nếu không, hắn sẽ kéo quân sang trị tội. Mặc cho những lời đe dọa láo xược và hung hăng, Đêmôphông vẫn không hề run sợ. Nhà vua kiên quyết bảo vệ truyền thống quý người trọng khách thiêng liêng do thần Dớt đã ban truyền dạy dỗ, nhất là đối với những người đang gặp nạn cầu xin sự che chở, bảo hộ. Chẳng bao lâu, Ơrixtê kéo đại quân tràn vào vùng đồng bằng Attich. Tình cảnh quả là rất đáng lo ngại vì quân thù đông gấp bội.

Nhân dân Aten bèn sắm sanh lễ vật đến đền thờ các vị thần Ôlanhpơ để cầu xin một lời chỉ dẫn. Lời thần phán bảo: Aten sẽ chiến thắng vinh quang nếu hiến dâng cho các vị thần một người con gái. Macaria (Macaria) người con gái lớn của Hêraclex và Đêdania tình nguyện hy sinh lám lễ vật hiến tế để Aten giành được chiến thắng. Trong cuộc chiến đấu nổ ra ác liệt, những người Aten tuy ít nhưng chiến đấu với tinh thần quyết bảo vệ bằng được xứ sở thân yêu của mình cho nên quân địch, mặc dù đông mà vẫn không đè bẹp được đối phương. Đang lúc cuộc đọ sức diễn ra gay go, bất phân thắng bại thì Hinlôx đem một đạo quân đến tiếp viện cho quân Aten. Tình thế liền xoay chuyển. Quân của Ơrixtê bị tiêu hao nặng và cuối cùng phải tháo chạy. Ngay tên vua cầm đầu cuộc hành quân này cũng không có gan trụ lại để củng cố đội ngũ của mình. Vừa thấy núng thế là hắn nhảy phắt lên xe chạy trốn. Hinlôx kịp thời phát hiện. Chàng nhảy lên ngay cỗ xe của cha mình truyền lại, tế ngựa rượt theo. Thấy vậy, Iôlaôx cũng vội nhảy lên xe. Ông khẩn khoản xin người con trai của Hêraclex nhường cho mình cái vinh dự đuổi bắt Ơrixtê. Người chiến hữu của Hêraclex muốn được tự tay trực tiếp trả thù cho Hêraclex. Iôlaôx quất ngựa cho chúng phi nước đại. Ông quyết đuổi bằng được tên vua khốn kiếp hèn nhát và thù vặt. Khoảng cách giữa hai cỗ xe rút ngắn dần. Giờ quyết định sắp đến, Iôlaôx cầu khấn các vị thần Ôlanhpơ ban cho mình sức mạnh, sự cường tráng, nhanh nhện, óc thông minh và đôi mắt tinh tường. Ông chỉ xin các vị thần ban cho mình những báu vật đó một ngày thôi, chỉ một ngày thôi đủ sức cho ông chiến thắng trong cuộc giao tranh. Báu vật đó xưa kia các vị thần đã ban cho ông nhưng những nữ thần Hơr - Thời gian đã tước đoạt mất. Giờ đây ông chỉ còn lại sự chậm chạp và yếu đuối. Chấp nhận lời thỉnh cầu của Iôlaôx, các vị thần liền giáng xuống hai ngôi sao. Hai ngôi sao bay vút từ bầu trời cao xuống rồi nở ra một đám mây đen trùm kín lên cỗ xe. Tan mây, Iôlaôx hiện ra như một dũng tướng thời trai trẻ, mắt sáng quắc, tay gân guốc, oai phong lẫm liệt, đường bệ, tinh nhanh. Ông quất ngựa đuổi theo Ơrixtê và đã đuổi kịp. Chĩa ngọn lao vào sau lưng tên vua khốn nạn đó, Iôlaôx bắt hắn phải hàng phục. Và hắn đã cam chịu hàng phục. Iôlaôx giải hắn về Aten. Trông thấy tên vua Ơrixtê, kẻ đã từng hành hạ con mình, cháu mình, Ankmen sôi máu lên, Bà chạy ngay đến chỗ hắn bị trói, móc con mắt của hắn ra vứt đi cho hả lòng căm giận mặc dù đã có nhiều người can ngăn. Có chuyện kể, Ơrixtê không bị bắt sống mà bị chặt đầu đem về. Và Ankmen cũng đã đối xử như đã kể với cái đầu của tên vua hèn nhát và thù vặt ấy. Kể ra thì hành động này chẳng lấy gì làm cao thượng. Tuy nhiên, những Hêracliđ vẫn làm lễ mai táng cho Ơrixtê với đầy đủ nghi lễ. Y được chôn trên mảnh đất gần đền thờ nữ thần Atêna.

Thế là Ơrixtê và con gái của hắn đã bị trừng phạt. Giờ đây những Hêracliđ phải tìm cách trở về vùng đồng bằng Pêlôpônedơ để sinh cơ lập nghiệp, chấm dứt cái cảnh ăn nhờ ở độ. Hinlôx sau một thời gian chuẩn bị bèn thống lĩnh anh em họ hàng xuất tiến về phía Nam. Cuộc chiến đấu diễn ra dằng dai. Cuối cùng Hinlôx phải ra lệnh thu quân về vì một bệnh dịch lan tràn làm chết khá nhiều binh sĩ. Đoán rằng có một điều gì đó không ơn, những Hêracliđ bèn đem lễ vật hiến tế tới dâng các vị thần để xin lời chỉ dẫn. Lời thần phán truyền như sau: "Nếu biết đợi cho qua ba mùa gặt, những Hêracliđ sẽ thành công...". Hinlôx làm theo lời thần dạy. Chờ cho vụ gặt thứ ba xong nghĩa là ba năm sau chàng lại chiêu tập binh mã mở cuộc hành quân. Những Hêracliđ tràn vào vương quốc Arcađi. Cuộc chiến đấu kết thúc bằng cái chết của Hinlôx và sự rút quân của những Hêracliđ. Theo truyền thuyết, cuộc tiến quân lần thứ hai này xảy ra trước cuộc chiến tranh Tơroa hơn mười năm.

Sau cái chết của Hinlôx, những Hêracliđ tạm ngùng các cuộc hành binh lại. Người thì nói, thời kỳ này kéo dài tới 100 năm, người thì bảo, chỉ quãng năm mươi năm thôi. Cháu của Hinlôx là Arixtômakhôx (Aristomakhos) tiếp tục sự nghiệp của ông cha. Lần này những Hêracliđ mưu vượt qua eo đất Côranhtơ để tiến xuống Pêlôpônedơ, nhưng lại thất bại. Arixtômakhôx bị giết chết. Người xưa kể, nguyên nhân thất bại là do những Hêracliđ hiểu sao lời phán truyền của thần. Thần dạy phải tiến xuống phương Nam qua eo biển thì họ lại tiến qua eo đất. Tiếp sau Arixtômakhôx là ba người con trai: Têmênôx (Téménos), Crexphôngtex (Cresphontès), Arixtôđem (Aristodème). Họ đoán định lại lời thần truyền dạy: "Eo biển" - nghĩa là phải hiểu quãng biển giữa miền đất Hy Lạp và bán đảo Pêlôpônedơ. Những Hêracliđ thuộc thế hệ này lại cũng cho rằng, đây là thời cơ để họ giành được thắng lợi. Mùa gặt thứ ba là gì? - Là thế hệ thứ ba. Và chính họ là thế hệ thứ ba, đích thực là như thế. Cuộc xâm nhập cứ thế tiến hành. Lại những trận giao tranh đẫm máu. Arixtôđem bị tử trận. Có người nói, chàng bị sét đánh chết. Hai con trai của chàng là Prôclex (Proclès) và Ơrixtênex (Eurythénès) tiếp tục thay cha đảm đương sự nghiệp chinh phạt đến cùng. Têmênôx và Crexphôngtex lại đến đền thờ xin thần thánh chỉ bảo. Thật lạ lùng! Thần dạy, muốn giành được thắng lợi phải có một vị tướng có ba mắt. Nghĩ mãi không hiểu lời thần truyền phán thế nào, những Hêracliđ phải triệu tập hội nghị các tướng lĩnh để đoán định, giải đáp lời thần. Cuối cùng họ đã nghĩ ra. Những Hêracliđ ra lệnh xuất quân. Lần này vị tổng chỉ huy là một dũng sĩ chột mắt. Chàng tên gọi là Ôcxin, vua xứ Êtôli. Một mắt của chàng với hai con mắt của con ngựa chàng cưỡi thì đúng hẳn là ba rồi! Dưới sự chỉ huy của chàng, những Hêracliđ tràn được vào vùng đồng bằng Pêlôpônedơ. Con trai của Ôrextơ là Tiđamênôx bị giết chết. Những Hêracliđ chia nhau cai quản các khu vực Têmênôx được chia đất Argôx, Prôclex và Ơrixtênex được vùng Lacôni còn Crexphôngtex, vùng Mexxêni.

Các nhà nghiên cứu cho biết, truyền thuyết về cuộc Nam tiến của những Hêracliđ phản ánh những đợt di cư của những tộc người Đôriêng trong lịch sử hình thành dân tộc Hy Lạp và đất nước Hy Lạp thời kỳ mà những tộc người này tiến xuống chiếm lĩnh bán đảo Pêtôpônedơ. Thắng lợi của những tộc người này trong lịch sử được phản ánh trong hình thái truyền thuyết với những biến thái, khúc xạ mà chúng ta chỉ có thể lĩnh hội nó trong ý nghĩa tượng trưng đại thể của câu chuyện. Bởi vì truyền thuyết không phải là lịch sử như là một khoa học. Nếu chúng ta đặt câu hỏi, giữa nhận xét Hêraclex khôi phục các trò thi đấu xưa kia của người Cret để phục vụ cho những người chủ mới của bán đảo Hy Lạp là những người Đôriêng mới di cư đến với nhận xét cuộc Nam tiến của những Hêracliđ phản ánh những đợt di cư của những tộc người Đôriêng có mối quan hệ như thế nào? Trật tự thời gian ra sao? Vì sao đời cha, Hêraclex, đã nói có những người Đôriêng di cư đến mà đến đời con, đời cháu sau này lại cũng nói những người Đôriêng di cư đến? Và... thì truyền thuyết không thể giải đáp được.

Sự thắng lợi của những tộc người Đôriêng trong quá trình chinh phục bán đảo Hy Lạp đã để lại một dấu ấn trong đời sống xã hội. Hầu hết những gia đình vương giả thuộc hệ quý tộc cũ trong xã hội Hy Lạp đều quy chiếu nguồn gốc của gia đình về những Hêracliđ. Họ dựng lên những bản gia hệ, gia phả mà truy nguyên ngược mãi lên thì ta thấy cội nguồn là thuộc dòng dõi Hêracliđ. Tất cả đều là con, cháu, chắt, chút chít... của Hêraclex. "Bệnh" này lấy cả sang đến giới quý tộc La Mã. Hẳn rằng cái "mất" lý lịch, dòng dõi Hêracliđ này không phải chỉ thuần túy là con đẻ của cái thói xấu "thấy người sang bắt quàng làm họ". Nó còn có một mục đích thực dụng xã hội - chính trị rõ rệt trong cuộc sống của một xã hội đã hình thành những giá trị mới và những cách đánh giá mới.

loading...