Than Thoai Hy Lap Dot Lat Do Cronox Cuoc Giao Tranh Voi Cac Titang 1 Titanomakhi

Thời gian trôi đi vùn vụt. Chẳng mấy chốc Dớt đã là một chàng trai khỏe mạnh, cường tráng. Nữ thần Đất Gaia, bà nội của Dớt và Rêa, mẹ Dớt, trao cho Dớt sứ mạng phải giải thoát số anh chị em bị nuốt. Trước khi bước vào cuộc giao tranh, Dớt tìm đến nữ thần Mêtix (Mêtis, Pradence) con của thần Ôkêanôx, để xin một lời chỉ dẫn vì Mêtix là vị nữ thần Thận Trọng Khôn Ngoan. Mêtix nói cho Dớt biết một thứ cây bí hiểm xưa nay chưa ai biết. Dớt phải lấy lá cây này về sắc thành nước cho Crônôx uống thì mới có thể thành công.

[(1) Titanomachie, tiếng Hy Lạp: makhê: chiến đấu giao tranh]

Liều thuốc mới công hiệu làm sao! Crônôx uống xong là lập tức trong bụng có gì nôn mửa ra hết. Thế là là ba chị gái và hai anh trai của Dớt sống lại. Cả hòn đá trá hình Dớt xưa kia cũng không mất. Tuy nhiên để lật đổ được Crônôx thì lực lượng của Dớt quá yếu. Sáu anh chị em của Dớt làm sao đánh bại được các Tităng cùng với con cháu của họ vốn là những vị thần có muôn vàn sức mạnh. Dớt phải giải thoát các Hêcatôngkhia và các Xiclôp bị nhốt trong lòng đất. Những vị thần khổng lồ này xưa kia bị Uranôx đày xuống địa ngục Tartar khi Crônôx lật đổ Uranôx họ đã được giải thoát. Nhưng rồi Crônôx thấy để họ sống trên dương gian sẽ có ngày gây ra hiểm họa cho địa vị của mình, vì thế tốt hơn hết là cứ trả họ về sống dưới vương quốc Tartar.

Dớt đã giải thoát cho các Xiclôp và các Hêcatôngkhia. Lực lượng của phe Dớt mạnh hẳn lên. Với nghề rèn khéo léo, Xiclôp Arghex đã sáng tạo ra chớp và trao cho Dớt, vì tên của thần, Arghex, nghĩa là "chớp", còn Brôngtes thì trao cho Dớt sấm và Xtêrôpex, sét. Thật ra thì ba thứ vũ khí lợi hại này đều là công trình chung của cả ba anh em. Các Xiclôp còn rèn cho thần Hađex một chiếc mũ tàng hình. Ai đội mũ này thì địch thủ dù có trăm mắt cũng không sao thấy được. Thần Pôdêiđông thì được cây đinh ba dài và nhọn hoắt. Với cây đinh ba này Pôdêiđông có thể gọi gió bảo mưa, khêu sóng biển gây ra những cơn bão khủng khiếp và cũng có thể làm cho trời yên sóng lặng tùy theo ý muốn.

Riêng Tităng Ôkêanôx và con gái là Xtích, Nữ thần cai quản con sông âm phủ-đứng về phía Dớt. Các con của Xtích là các nữ thần Nhiệt Tình- Dêlôx, Thắng Lợi - Nikê, các nam thần Uy Quyền - Cratôx, Bạo Lực - Bia đều theo mẹ chống lại Crônôx và các Tităng khác. Người ta còn kể Tităng Dapê và con cháu, Titaniđ Mnêmôdin cũng đứng về phe Dớt. Riêng Atlax con của Tităng Dapê là không theo cha, Atlax chống lại Dớt.

Cuộc giao tranh diễn ra suốt mười năm trời vô cùng khủng khiếp: đất lở, trời rung, biển sôi, núi sập tưởng chừng như vũ trụ thế gian trở lại cảnh hỗn mang nguyên thủy buổi nào. Các Tităng bê từng quả núi ném tới tấp vào phe Dớt. Phe Dớt cũng giáng trả lại không kém. Dớt cho nổi sấm rung chuyển bầu trời, phát ra những tia chớp chói lòa mặt đất và giáng sét thiêu đốt, phá sập mọi thứ chung quanh. Thần Pôdêiđông dùng cây đinh ba khơi sóng của đại dương lên tạo ra những cơn giông tố hung dữ. Biển khơi sôi réo, gào thét, vật mình quằn quại làm rung chuyển cả mặt đất và run rẩy cả bầu trời. Còn các Hêcatôngkhia với trăm tay và năm chục đầu thì không sức nào cản được. Và cuối cùng các Tităng bị vây chặt phải chịu đầu hàng. Thần Dớt xiềng họ lại rồi tống giam xuống địa ngục do thần Tartar cai quản. Các Tităng bị tống giam vào một khu vực hết sức nghiêm ngặt, nội bất xuất, ngoại bất nhập, chung quanh là những bức tường đồng dày. Nhưng cẩn thận hơn, Dớt còn giao cho các quỷ thần Hêcatôngkhia trấn giữ ngay ở cửa. Riêng thần Atlax là con của Tităng Dapê chịu một hình phạt khác. Thần Dớt bắt Atlax phải giơ vai ra, gánh đội, chống đỡ cả bầu trời suốt quanh năm, ngày tháng. Sau này Atlax lại phạm tội bạc đãi người anh hùng Perxê, con của Dớt, vi phạm truyền thống quý người trọng khách, nên đã bị Perxê biến thành ngọn núi đá cao ngất. Và chính ngọn núi đá Atlax cho đến nay vẫn chống đỡ bầu trời ở trên đầu chúng ta. Nếu không có nó, có thể bầu trời đã đổ sập xuống, đổ ụp xuống đất từ lâu rồi.
Thế là sau mười năm giao tranh ác liệt, Dớt đã chấm dứt được quyền lực cai quản thế gian của các vị thần già. Các vị thần trẻ do Dớt cầm đầu từ nay sắp đặt lại trật tự trong thế gian theo ý định của mình. Họ chọn ngọn núi Ôlanhpơ cao ngất làm nơi trú ngụ, xây dựng trên đó một cung điện cực kỳ nguy nga, lộng lẫy, tráng lệ. Nơi đây không khí trong veo, quanh năm ngày tháng lúc nào cũng chan hòa ánh sáng. Chẳng có khi nào tuyết rơi, băng giá, cũng chẳng có những đám mây u ám đưa mưa dầm gió bấc về. Thật là một nơi ở thanh cao, tuyệt diệu của các vị thần. Từ đây người ta gọi thế hệ các vị thần trẻ do Dớt cầm đầu là các vị thần ở ngọn núi Ôlanhpơ, gọi tắt là các vị thần Ôlanhpơ(2).

[(2) Olympus,ngọn núi cao nhất nước Hy Lạp, chừng 3000 mét ở phía Bắc. Đó là nơi ở của các vị thần nên Ôlanhpơ là ngọn núi thiêng, trang trọng]

Nói về thần Atlax, thời cổ đại người ta tạc tượng vị thần này là một con người to khỏe, lực lưỡng đang cúi khom lưng giơ vai ra chống đỡ cả một quả cầu to đè nặng xuống trên vai. Vì lẽ đó cho nên ngày nay ở nhiều nước trên thế giới, cuốn sách in bản đồ, địa lý nước này nước khác mang tên là Atlax. Từ đó mở rộng ra cả đến những cuốn sách khoa học có tuyển in tranh ảnh để minh họa và giới thiệu toàn cảnh một vấn đề cũng gọi là Atlax. Rồi đến đốt xương cổ đầu tiên của cột sống đỡ cái đầu chúng ta cho ngay thẳng khỏi suy sụp cũng mang tên Atlax. Quê hương Atlax theo người xưa kể ở miền cực Tây, tên gọi là Alăngtơ (Atlante). Vì thế miền biển cực Tây đối với người Hy Lạp, Đại Tây Dương, mới có tên gọi là Đại Dương Atlăngtích(3).

[(3) Océan Atlantique]

Trong nghệ thuật kiến trúc, những cột chống tạc hình người, hoặc những môtip người đội, chống đỡ cho một thành phần nào trong công trình kiến trúc, mang tên là Atlăngtơ (Atlante). Vì quê hương Atlax ở Atlăngtơ cho nên người ta cũng gọi Atlax là Atlăngtơ.

loading...