Nhung Nguoi Khon Kho Phan 2 Quyen Iii

QUYỂN III: GIỮ LỜI HỨA VỚI NGƯỜI ĐÃ KHUẤT

I

VẤN ĐỀ NƯỚC ĂN TẠI MÔNGPHÉCMÂY

Môngphécmây ở vào giữa Livơri và Senlơ, bên rìa phía nam cao nguyên ngăn đôi triền sông Uốc và sông Mácnơ. Ngày nay Môngphécmây là một thị trấn khá lớn; những biệt thự bằng đá trắng tô điểm cho thị trấn quanh năm và cứ ngày chủ nhật thì nó lại được điểm tô bằng những ông thị dân mặt mày nở nang rạng rỡ. Nhưng năm 1823 thì Môngphécmây làm gì có nhiều nhà trắng xóa như thế, nhiều kẻ sung sướng như thế! Nơi ấy hồi đó chỉ là một cái làng miền rừng. Rải rác cũng có dăm ba biệt thự xây từ thế kỷ trước, nhờ vẻ đường bệ mà dễ nhận ra, có bao lơn bằng sắt uốn, có cửa sổ cao lấp lánh những miếng kính đủ các màu xanh trên nền trắng của những cửa gỗ đóng im ỉm. Tuy vậy Môngphécmây cũng không hơn gì một thôn xóm. Những tay buôn len dạ về vườn và những thầy cò thầy kiện đi nghỉ mát chưa tìm ra nơi này. Đây là một khu tĩnh mịch và xinh xắn, không nằm trên con đường nào hết. Đời sống quê mùa, dễ dàng, có đủ thứ và rất rẻ. Chỉ có khoản nước là khan hiếm, vì là đồi cao.

Phải đi khá xa mới kiếm được nước. Đầu làng về phía Ganhi thì lấy nước ở các hồ ao rất đẹp trong rừng. Cuối làng, mấy xóm quanh nhà thờ, về phía Senlơ, phải xuống tận lưng chừng đồi, gần đường cái, đi mất khoảng mười lăm phút, mới có một con suối nhỏ có nước ăn.

Vì vậy, nhà nào cũng thấy việc đi lấy nước là một công việc khó nhọc. Những nhà giàu có, những nhà quý phái, quán hàng Tênácđiê cũng trong số ấy, phải thuê gánh nước, cứ mỗi thùng một đồng lia; lão gánh nước thuê cho các nhà ở Môngphécmây mỗi ngày kiếm được tám xu; nhưng về mùa hạ, lão chỉ làm đến bảy giờ, về mùa đông thì đến năm giờ, cho nên lúc trời đã tối, cửa ngõ mọi nhà đã đóng, nhà nào hết nước phải tự đi lấy hoặc nhịn uống đến hôm sau.

Con bé Côdét rất sợ cái nạn ấy, chắc độc giả chưa quên con bé đáng thương. Vợ chồng Tênácđiê nuôi con Côdét được hai cái lợi, mẹ thì trả tiền, con thì hầu hạ chúng nó. Đến khi mẹ nó không có tiền trả nữa, vì cớ đã nói ở các chương trên, vợ chồng Tênácđiê vẫn giữ đứa bé; nó làm thay đứa ở. Vì là đứa ở nên khi cần thì nó phải đi lấy nước. Hễ nghĩ đến việc đi lấy nước ban đêm là nó khiếp sợ, nên không bao giờ nó dám để trong nhà phải thiếu nước.

Ngày lễ Giáng sinh năm 1823 ở Môngphécmây đặc biệt vui vẻ. Đầu mùa đông, tiết trời dễ chịu, chưa có hôm nào đóng băng hay mưa tuyết. Đám phường trò ở Pari đã được phép ông thị trưởng cho cất rạp ở ngay phố chính trong làng. Bọn bán hàng rong cũng tha hồ được dựng quán ở sân nhà thờ và đến tận cả ngõ Hàng Bánh; chắc độc giả còn nhớ ngôi hàng của vợ chồng Tênácđiê cũng ở ngõ này. Quán ăn, quán rượu chật ních những khách hàng; cái làng thường ngày tĩnh mịch này bỗng trở thành ồn ào, vui vẻ. Để làm một sử gia trung thành, chúng tôi cần phải nói là trong mọi cái lạ tai lạ mắt phô bày giữa thiên hạ, còn có một gánh xiếc thú rong mà những diễn viên là những người bẩn thỉu, rách rưới, không biết từ đâu lại. Từ năm 1823, họ đã trưng bày cho nông dân Môngphécmây xem một con kên kên Braxin khủng khiếp mà viện sinh vật hoàng gia của chúng ta mãi đến 1815 mới có. Loại kên kên này có con mắt màu cờ tam tài. Hình như các nhà sinh vật học gọi con chim đó là Caracara Pôlybôruýtx, loại ăn thịt, giống kên kên. Một vài cựu binh chất phác thuộc phái thân Bônapác đến chiêm ngưỡng con vật ấy một cách tín mộ. Bọn làm xiếc thì khoa trương cái màu cờ trong con mắt chim đó là một hiện tượng hãn hữu mà Chúa nhân từ bày ra để giúp đỡ gánh xiếc của họ.

Đêm lễ Giáng sinh, vô số người, nào phu đánh xe, nào phu tải vào hàng Tênácđiê ăn ăn uống uống, xúm quanh bốn hay năm ngọn nến ở gian phòng tầng dưới. Gian phòng này cũng giống như ở mọi quán rượu khác, lủng củng những bàn, những hũ rượu bằng thiếc, những chai lọ, những người uống rượu, người hút thuốc lá. Anh sáng thì ít mà tiếng ồn ào thì nhiều. Hai vật thời thượng của tầng lớp thị dân nằm trên một chiếc bàn, chứng tỏ rõ ràng chúng ta đang ở năm 1823: đó là một ống kính vạn hoa và một cây đèn sắt tây màu gợn sóng. Mụ Tênácđiê đang chăm nom các món ăn xèo xèo trên lò lửa cháy đượm; lão chồng uống rượu và nói chuyện thời thế với khách hàng.

Ngoài các câu chuyện thời sự mà những chủ đề chính là chiến tranh Tây Ban Nha và công tước Ănggulem, trong tiếng ồn ào chung, người ta nghe đây đó những mẩu chuyện địa phương đại loại: "Vùng Năngte và Xuyarên nho được rượu quá, cứ dự tính mười thùng thì được những mười hai. Cho vào bàn ép mới thấy nho lắm nước - Như thế là nho chưa chín chăng? - Ở vùng ấy không ai chờ nho chín mới hái, nếu cất rượu bằng nho chín thì rượu bị lềnh ngay vào xuân - Thế là rượu tiểu thủ công, rượu địa phương? - Còn địa phương hơn ở đây nữa. Phải hái nho xanh"...

Có lúc một anh thợ xay hét:

- Làm sao đổ tội cho chúng tôi về những gì nằm trong các bao lúa? Chúng tôi tìm thấy cả một xứ những hạt kia hạt nọ, hơi sức đâu mà nhặt, cho nên cứ phải để vậy mà đổ vào cối. Nào là cỏ kiệu, cỏ gấu, cỏ may, cỏ chỉ, cỏ mật, lùng, nàn nàn và khối những vị khác, không kể những hòn cuội nhan nhản trong lúa một đôi vùng, đặc biệt là vùng Brơtanhơ, cũng như bọn thợ cưa không thích xẻ những khúc gỗ có đanh. Cứ thử nghiệm xem cái bụi đá ấy mà trộn lẫn trong bột thì còn ra gì. Rồi thì người ta kêu bột thế nọ, bột thế kia. Nói bậy tuốt. Chúng tôi chẳng có lỗi gì nếu bột xấu.

Ở khoảng cách giữa hai cửa sổ, một anh cắt cỏ ngồi uống rượu với một điền chủ. Người điền chủ đang mặc cả giá cắt một đám cỏ cần tiến hành vào mùa xuân. Anh cắt cỏ bảo: "Cỏ ướt cũng không sao. Càng dễ cắt. Sương là tốt, ông chủ ạ. Bù vào cái cỏ ấy, cỏ của ông non khó xơi lắm: nó mềm quá, cứ oằn xuống tránh lưỡi hái"...

Con Côdét vẫn ở chỗ thường ngày, nó ngồi trên cái thang ngang dưới gầm bàn bếp, kê cạnh lò sưởi. Quần áo nó rách tả tơi; chân không bít tất xỏ một đôi guốc gỗ; bên ánh lửa lờ mờ, nó đang đan bít tất len dành cho mấy đứa con nhà Tênácđiê. Một chú mèo con đùa giỡn dưới gầm ghế, có tiếng mấy đứa trẻ, con Êpônin và con Adenma cười nói bi bô ở gian bên.

Ở góc bệ sưởi, có cái roi da treo vào một chiếc đinh. Thỉnh thoảng lại có tiếng một đứa rất bé đặt nằm chỗ nào không biết khóc thét lên giữa cảnh ồn ào trong quán. Mụ Tênácđiê đẻ thằng bé này vào một mùa đông trước: mụ thường bảo "không biết tại sao lại đẻ ra nó, chắc là tại trời rét" - thằng bé đã được hơn ba tuổi. Mẹ nó vẫn nuôi nó, nhưng không ưa. Khi thằng bé kêu khóc dữ quá, làm mọi người khó chịu, thằng chồng mới bảo mụ vợ: "Thằng nhãi lại oe óe kìa, xem nó đòi gì". Con mụ đáp: "Chà! Bực cả mình với thằng ranh". Đứa bé bị bỏ mặc vẫn la khóc trong bóng tối.

II

HOÀN THÀNH HAI BỨC CHÂN DUNG

Trên đây ta mới được biết chân dung vợ chồng Tênácđiê nhìn nghiêng; đã đến lúc cần đi quanh đôi vợ chồng này để thấy đủ mọi mặt.

Thằng chồng vừa mới chẵn năm mươi tuổi; con vợ thì gần bốn mươi, nhưng là đàn bà, kể cũng như năm mươi; như thế là hai vợ chồng vừa tuổi nhau.

Chắc độc giả còn nhớ cái bóng dáng đầu tiên của mụ Tênácđiê; mụ cao lớn, tóc vàng, da đỏ, béo nung núc những thịt, vuông người, phục phịch mà nhanh nhẹn; như chúng tôi đã nói, mụ thuộc cái hạng nữ khổng lồ man rợ ở các phiên chợ, tóc đeo nhiều tảng đá đứng tấn cho người ta xem. Mụ làm mọi việc trong nhà, dọn giường, lau buồng, giặt giũ, bếp núc, làm mưa làm gió, tác yêu tác quái. Trong nhà chỉ có mỗi một con ở là con Côdét. Rõ ràng một con chuột nhắt hầu một con voi. Tiếng mụ nói làm rung cả cửa kính, đồ đạc và làm mọi người run lên. Cái mặt phèn phẹt đầy những chấm đỏ, trông như cái môi hớt canh. Mụ có râu. Rõ là một anh phu khuân vác đầu chợ, mặc quần áo đàn bà. Mụ chửi rủa ra tuồng; mụ khoe chỉ đấm một cái là vỡ tan quả hạnh đào. Giả sử không có những cuốn tiểu thuyết mụ đã được đọc, thỉnh thoảng lại làm hiện ra một cách kỳ quái bóng dáng cô ả mỹ miều trong cái lốt con quỷ cái, thì không bao giờ ai có ý nghĩ gọi mụ là một người đàn bà. Mụ giống như một tiểu thư ghép vào một mụ hàng tôm hàng cá. Nghe tiếng mụ nói, người ta bảo: một tên sen đầm; nhìn mụ uống, người ta bảo: một tay đao phủ. Lúc mụ nghỉ ngơi, vẫn thấy sát khí đằng đằng!

Thằng cha Tênácđiê người bé nhỏ, gầy gò, xanh xao, góc cạnh, xương xương, khẳng kheo, trông như ốm thế mà mạnh khỏe ra dáng; nó xảo trá ngay từ hình dáng. Nó quen mỉm cười để đề phòng; nó hầu như lễ phép với hết thảy mọi người, với cả đứa ăn mày mà nó không thí cho được một đồng lia. Mắt nó như mắt giống cầy nhưng vẻ mặt nó là vẻ mặt một nhà văn. Trông nó, giống như các bức chân dung của ông thầy tu Đơlin. Chỗ hãnh diện của nó là ngồi uống rượu với bọn phu tải. Chưa ai làm cho nó uống đến say bao giờ; nó hút một cái tẩu to tướng. Nó mặc áo choàng ngoài một bộ quần áo đen đã cũ. Nó sính nói văn chương và duy vật luận. Lúc nó nói cái gì ra vẻ quan trọng, nó thường kể nào là Vônte, là Raynan, là Pácni và có cái lạ là cả Thánh Ôguytxtanh nữa. Nó tự xưng có "một học thuyết". Học thuyết của quân kẻ cắp. Đúng là một nhà "đạo tặc đạo",[96] một danh từ có ý nghĩa riêng.

[96] Nguyên văn: Un Filousophe", filou: tên trộm cắp, sophe: người có lý thuyết, có khoa học - một danh từ tác giả mới tạo, phỏng âm danh từ philosophe, nhà triết học - để nói đây là một tay trộm cắp có lý luận.

Ta còn nhớ nó khoe nó đã từng đi lính; nó kể lể không dè sẻn là ở trận Oatéclô, nó đóng lon đội trong đạo khinh kỵ thứ 6 hay thứ 9 gì đó, một mình nó đương đầu với một tiểu đoàn kỵ binh quyết tử và đã lấy thân che kín và cứu sống "một vị tướng bị trọng thương" giữa mưa đạn. Do câu chuyện ấy mới có cái biển lòe loẹt treo trên tường và trong làng ai cũng gọi quán ăn của nó là "quán đội trưởng Oatéclô". Nó tự nhận thuộc phái tự do, cổ điển và đế chính. Dân làng đồn rằng nó đã từng đi học để làm cố đạo.

Chúng tôi thì nghĩ rằng nó chỉ học cái nghề bán hàng cơm ở Hà Lan. Có lẽ đúng là loại tứ chiếng ấy: ở xứ Pơlăngđrơ thì nó là người Pơlăngđrơ của thành phố Lilơ, ở Pari thì là người Pháp, ở Bơruxen thì là người Bỉ, hai chân ở hai biên giới, khai vào chỗ nào cũng tiện. Nó dũng cảm ở Oatéclô như thế nào thì ta đã biết rồi. Đấy, nó phóng đại ra một chút như thế. Đời nó khúc khuỷu, phiêu lưu, lúc lên voi lúc xuống chó; lương tâm đã rách nát thì cuộc đời cũng chắp vá thôi; hình như trong cái thời gian bão táp ngày 18 tháng 6 năm 1815, Tênácđiê thuộc các loại những kẻ vừa làm nghề bán căngtin vừa ăn cắp trong quân đội, như đã nói ở trên; chúng đi đến đâu là sục sạo đến đấy, bán hàng cho người này, đánh cắp của kẻ kia, cả bầu đoàn thê tử trên một chiếc xe lăn khấp khểnh theo các cuộc hành quân, dựa vào bản năng để bao giờ cũng theo bên thắng. Sau chuyến đó, sẵn có ít vốn[97] nó bèn về mở quán hàng ăn ở Môngphécmây.

[97] Nguyên văn: du quibus.

Cái vốn ấy là những túi tiền, đồng hồ, nhẫn vàng, huy chương bạc gặt được trong vụ mùa trên những luống cày gieo bằng xác chết; cái vốn ấy chẳng to gì nên tên bán hàng trong quân đội ấy lúc trở về mở cái quán tồi tàn này, chứ cũng chẳng làm nên trò trống gì hơn. Cử chỉ Tênácđiê mang một nếp cứng rắn riêng. Nếp cứng rắn ấy cộng với thói quen nguyền rủa là nếp của trại lính, cộng với dấu chữ thập, là nếp của nhà tu. Nó ăn nói hoạt bát. Nó để cho người ta đồn rằng nó học thông. Tuy vậy thầy giáo làng vẫn thấy nó "hớ" luôn. Nó kê hóa đơn cho khách hàng một cách rất thạo. Nhưng người tinh ý nom vào thì thấy có lỗi chính tả. Tênácđiê là đứa thâm hiểm, háu ăn, la cà, lanh lợi. Nó chẳng từ con sen con ở, nên mụ vợ không mượn người giúp việc nữa. Con voi nan ấy mà ghen tuông. Mụ tưởng như tất cả đàn bà con gái ai cũng muốn chim cái lão bé choắt, còm nhom, vàng ễnh đó.

Nổi bật hơn hết, Tênácđiê là một thằng lưu manh thuộc loại ôn hòa, nó là một đứa giảo hoạt và tỉnh táo. Loại này mới thật là nguy hiểm nhất: đã lưu manh, lại đạo đức giả.

Không phải là có lúc Tênácđiê không biết nổi nóng; ít ra nó cũng nóng bằng con vợ nó; nhưng họa hoằn thôi; lúc ấy thì nó thù ghét tất cả nhân loại, lòng nó chứa chất cả một lò lửa căm thù; nó giống như những người suốt đời chỉ lo trả thù trả oán, những người động một tí là buộc tội tất cả mọi vật xung quanh, rồi lúc nào cũng lăm le chỉ muốn nhảy xổ vào kẻ nào chẳng may chợt qua đấy; kẻ đó tức là thủ phạm chính thức gây ra tất cả những thất vọng, những tai họa, những bất hạnh trong đời nó; bấy giờ nó giống như có men rượu bốc trong người, sôi sục trong mồm, trong mắt, thế là nó trở thành ghê gớm. Vô phúc cho kẻ nào chợt đến lúc nó hung hãn như thế.

Ngoài những năng khiếu khác, Tênácđiê lại còn được cái nết ý tứ và sâu sắc, biết lựa lúc mà im lặng hay ba hoa, nhưng dù lúc nào, nó cũng tỏ ra thông minh rất mực. Nó có cái nhìn của người thủy thủ quen nheo con mắt trước ông kính viễn vọng. Tênácđiê làm một chính khách vậy.

Kẻ nào mới đến quán ăn này lần đầu, thấy mụ Tênácđiê cũng phải bảo: "Hẳn đây là chủ nhà". Lầm to. Mụ cũng chẳng là bà chủ nữa. Chính thằng chồng mới vừa là ông chủ vừa là bà chủ. Thằng chồng sắp đặt công việc, con vợ cứ thế làm. Nó điều khiển tất cả bằng một thứ điện lực vô hình và thường xuyên. Chỉ một tiếng, hay có khi chỉ cần một dấu hiệu, thế là con voi cái tuân lệnh. Thằng Tênácđiê, đối với con vợ, vô tình đã là một đấng đặc biệt quyền uy vô thượng. Thái độ ấy âu cũng là một đức tính riêng của mụ. Nói thí dụ, - ấy là thí dụ thôi, chứ chẳng bao giờ lại có thế, - nếu có điều gì không đồng ý với "ông Tênácđiê" thì dù là việc gì đi nữa, mụ cũng không đổ cho chồng là sai trước mặt mọi người. Có "người lạ", không bao giờ mụ phạm lỗi ấy, cái lỗi này nhiều bà mắc phải và thường được gọi là: vạch áo cho người xem lưng. Tuy cái cảnh thuận vợ thuận chồng chỉ là để làm việc độc ác, nhưng sự phục tùng của mụ Tênácđiê vẫn có một cái gì tôn nghiêm. Cả cái núi thịt suốt ngày ầm ĩ ấy chuyển động theo ngón tay bé nhỏ của tên bạo chúa lẻo khoẻo kia.

Đây là chuyện vật chất bái phục tinh thần, một chân lý lớn lao và phổ biến biểu hiện ở một sự việc bé nhỏ và buồn cười. Bởi vì một đôi cái xấu xí dị hợm vẫn có cơ sở tồn tại ở sâu ngay trong cái đẹp vĩnh cửu. Ở Tênácđiê có một cái gì thuộc cõi bất khả tri. Do đó hắn có quyền uy tuyệt đối với vợ. Có những lúc mụ ta thấy hắn như một ngọn nến sáng trưng; nhiều lúc khác mụ cảm thấy hắn là một cái vuốt nhọn.

Người đàn bà ấy là một sinh vật ghê gớm chỉ biết yêu con và sợ chồng. Mụ sở dĩ có con là vì mụ thuộc loài có vú. Tuy nhiên tình mẹ con cũng chỉ trùm lên hai đứa con gái là hết, mụ không yêu gì những đứa con trai, sau này ta sẽ rõ. Còn thằng chồng, nó có độc một tư tưởng: làm giàu.

Nhưng nào có được. Cái tài ba lỗi lạc ấy không có đất dụng võ. Ở Môngphécmây, Tênácđiê cứ sa sút mãi, - ấy là tạm dùng chữ sa sút, đến đấy Tênácđiê cũng chỉ có hai bàn tay trắng. Giả sử nó ở Thụy Sĩ hay ở Pyrênê, chắc cái thằng kiết xác ấy đã trở thành triệu phú. Nhưng số mệnh đã buộc chặt thằng chủ quán ở đâu thì nó đành phải gặm ở đấy.

Chủ quán ở đây dùng theo nghĩa hẹp không mở rộng đến cả giai cấp.

Đúng vào cái năm 1823 ấy, Tênácđiê mắc nợ chừng ngàn rưỡi phơrăng, đều là những món vay nóng, nên nó có bề lo lắng.

Số mệnh dù đối với hắn khe khắt một cách kiên trì. Tênácđiê vẫn là một trong những con người hiểu sâu sắc và mới mẻ nhất cái nghĩa vụ đối với khách trọ. Cái nghĩa chủ khách đó ở các dân tộc dã man là một đức tính cao quý, ở các dân tộc văn minh, đó là một món hàng bán mua. Ngoài ra hắn còn là một tay săn bắn trộm tài tình, đường đạn tinh ai cũng ca ngợi. Tiếng cười của nó lạ lắm, lạnh lẽo và ôn hòa nhưng rất thâm hiểm.

Một đôi khi những lý thuyết làm chủ quán từ óc nó bật ra như những tia chớp. Các giáo điều nghề nghiệp ấy hắn cài vào trí óc vợ nó. Một hôm nó hung hăng nói nhỏ với vợ: "Bổn phận của người chủ quán là bán cho mọi người bước vào cửa hàng cái ăn, cái ngủ, cái ánh sáng, cái lửa sưởi, chăn đệm bẩn, cô hầu phòng, rận rệp và nụ cười; là bắt cóc kẻ qua đường, là trút những túi nhẹ, làm nhẹ những túi nặng một cách lương thiện; là cung kính chứa trọ những gia đình đi đường xa, là nạo ông, vặt bà, lột da cô, cậu; là định giá tất cả: nào cửa mở, cửa đóng, bệ sưởi, ghế bành, ghế tựa, ghế đẩu, ghế con, nệm lông chim, nệm bông, ổ rơm; là phải biết bóng người làm mòn gương soi bao nhiêu để tính tiền: là... nghĩa là, mẹ kiếp! Phải biết tính tiền đủ các thứ để bắt khách hàng trả, đến những con ruồi mà chó họ ngáp phải cũng biết tính!"

Người đàn ông ấy với người đàn bà ấy là xảo quyệt và điên cuồng kết hôn, một đôi hợp phối gớm ghiếc và đáng sợ.

Thằng chồng thì âm thầm nghĩ ngợi, tính toán; còn con vợ thì chẳng thèm nghĩ gì đến bọn chủ nợ không có ở đấy; nó thì chẳng lo gì về ngày hôm qua, cũng chẳng màng đến ngày mai; nó sống hăng tiết, sống tất cả trong giờ phút hiện tại.

Đấy, hai con người ấy là như thế. Côdét sống giữa chúng nó, chịu đựng sức ép của cả hai đứa, giống như kẻ vừa bị tảng cối xay nghiến, vừa bị kìm xé thịt. Thằng chồng và con vợ, mỗi đứa một cách đối xử: Côdét bị đánh đập tơi bời là do con vợ; nó đi chân không mùa rét là do thằng chồng.

Con bé hết lên lại xuống, nào là giặt giũ, cọ chải, lau chùi, quét tước, vừa đi vừa chạy, vừa làm vừa thở, chuyển những đồ vật nặng; tội nghiệp con bé gầy còm như thế mà phải làm những công việc rất nặng nhọc. Chẳng ai thương hại nó; một bà chủ dữ tợn, một ông chủ thâm độc. Cái cửa hàng của Tênácđiê giống như cái lưới nhện, Côdét mắc vào đó, run rẩy. Cái lối hà hiếp người trong cảnh ở tớ thảm đạm này thật là một cảnh điển hình. Đó là kiếp con ruồi làm tôi con nhện.

Tội nghiệp con bé đành ngậm miệng mà chịu đựng.

Vừa từ cõi Chúa xuống, trần trụi, bé bỏng bước vào bình minh của cuộc sống mà gặp phải người đời như vậy, thử hỏi các linh hồn trong trắng ấy nghĩ gì?

III

PHẢI CÓ RƯỢU CHO NGƯỜI, NƯỚC CHO NGỰA

Lại bốn khách đi đường nữa vào hàng.

Côdét buồn rầu nghĩ ngợi; vì tuy mới tám tuổi đầu, nó đã chịu bao đau xót, nên nó ngồi nghĩ vơ vẩn với dáng điệu một bà cụ già thảm hại.

Một bên mắt nó tím bầm, vì một quả đấm của mụ Tênácđiê, đã thế thỉnh thoảng mụ còn nói:

- Gớm! Con mắt sưng húp của nó sao mà xấu thế!

Côdét nghĩ ngợi: đêm thì tối đen như mực, đột nhiên lại phải múc nước đổ đầy các bình, các chai trong buồng bọn khách chợt đến và ngoài bể lại chẳng còn hột nước nào.

Nó còn yên tâm đôi tí là ở nhà hàng Tênácđiê này, người ta không uống nhiều nước lắm. Chẳng thiếu gì người khát; nhưng thật là khát cái vò rượu chứ không phải khát cái vại nước. Ở đây, trước một cái bàn la liệt cốc rượu, ai mà gọi một cốc nước thì chẳng khác gì người man rợ. Vậy mà đã có lúc con bé phải run sợ: mụ Tênácđiê mở vung một cái xoong đang sôi trên bếp lửa, rồi cầm lấy cái cốc đi vội ra bể nước. Mụ vặn vòi nước; con bé ngẩng đầu lên và nhìn theo từng cử chỉ của mụ. Một tia nước nhỏ chảy ra từ vòi nước, chỉ có lưng cốc. Mụ bảo: "Ồ! Hết sạch nước rồi!"; mụ đứng im một lát. Con bé nín thở. Mụ Tênácđiê xem lại lưng cốc nước, lại nói: "Chà, thôi thế này cũng đủ".

Côdét lại cắm cúi làm, nhưng đến hơn mười lăm phút đồng hồ, nó thấy tim nó nhảy trong lồng ngực, bồng bềnh tựa như bóng.

Nó đếm từng phút trôi qua như vậy và mong cho chóng đến sáng hôm sau.

Thỉnh thoảng lại có khách đang uống rượu nhìn ra đường, kêu lên: "Tối như hũ nút" hoặc "Giờ này có họa là mèo mới ra đường không đèn đuốc gì", Côdét rùng mình.

Bỗng một ông khách trọ buôn hàng chuyến bước vào sừng sộ nói:

- Ngựa tôi không được uống nước!

Mụ Tênácđiê bảo:

- Cho uống rồi đấy chứ.

Tên lái buôn đáp:

- Cái chị này! Tớ bảo không mà lị.

Côdét chui dưới gầm bàn ra, nói:

- Thưa ông, có mà! Ngựa uống rồi, nó uống ở thùng, nó uống một thùng đầy cơ đấy, thì tay cháu mang nước cho nó, cháu lại còn nói chuyện với nó nữa.

Chuyện không có như thế. Côdét đã nói dối. Ông lái quát:

- Con ranh bé bằng nắm tay mà nói điêu to như hòn núi. Tao bảo nó chưa uống là nó chưa uống, nhóc cái ạ! Lúc nó khát thì nó thở thế nào, tao biết chứ.

Côdét cố cãi; nó hoảng quá, giọng thều thào nghe không rõ:

- Nó uống no nê là khác!

Tay lái buôn cả giận mắng:

- Thôi đừng nói láo. Cho ngựa uống nước đi, rồi xếp, không đôi co gì nữa.

Côdét lại chui vào gầm bàn. Mụ Tênácđiê bảo:

- Phải, phải rồi. Ngựa chưa được uống thì phải cho nó uống chứ.

Rồi mụ nhìn quanh:

- Kìa, cái con kia đâu rồi?

Mụ cúi xuống, thấy Côdét ngồi thu mình mãi cuối bàn, gần ngay dưới chân khách uống rượu. Mụ thét:

- Mày có ra ngay không.

Côdét từ xó ẩn chui ra. Mụ Tênácđiê tiếp:

- Mời cô Chó Vện đi lấy nước cho ngựa uống đi.

Côdét trả lời khe khẽ:

- Nhưng, thưa bà, nước hết rồi ạ.

Mụ Tênácđiê mở toang cửa ra đường:

- Hết thì đi mà xách về chứ!

Côdét cúi đầu vào lấy cái thùng không ở góc lò sưởi.

Cái thùng to hơn cả nó, con bé mà ngồi hẳn vào trong cũng còn rộng chán.

Mụ lại đến ngồi cạnh bếp lò, cầm cái môi gỗ nếm thử món ăn nấu ở trong xoong, mồm lẩm bẩm:

- Nước ở ngoài suối chứ còn đâu. Có khó gì! Ồ! Giá mình tán hành ra thì hơn.

Rồi mụ lục cái ngăn kéo đựng cả xu, cả hồ tiêu, cả tỏi. Mụ tiếp:

- Này cô Cóc, lúc về vào hàng bánh mua cho tôi một cái bánh to. Đồng mười lăm xu đây này.

Côdét mặc cái tạp dề có túi con ở một bên; nó lẳng lặng cầm đồng hào bỏ vào túi.

Rồi nó đứng im, tay xách thùng, trước cái cửa mở toang. Hình như nó đợi có người đến cứu nó. Mụ Tênácđiê thét:

- Đi đi chứ!

Côdét đi ra. Cánh cửa đóng lại.

IV

MỘT CON BÚP BÊ LÊN SÂN KHẤU

Ta còn nhớ, cái dãy cửa hàng giữa trời chạy từ nhà thờ đến tận cái quán ăn Tênácđiê. Những quán ấy chờ bọn nhà giàu đi dự lễ nửa đêm đi qua, nên quán nào quán nấy đều nến thắp sáng trưng trong những cái phễu bằng giấy; cảnh ấy trông như "cảnh thần tiên", theo lời ông thầy giáo trong làng, lúc ấy đang ăn uống trong quán Tênácđiê. Trái lại trên trời không có lấy một ông sao.

Cái quán cuối dãy dựng lên ngay trước mặt cửa hàng nhà Tênácđiê; hàng bán đồ chơi, lấp la lấp lánh những giấy trang kim, những đồ thủy tinh, những đồ bằng sắt tây rất đẹp. Bên ngăn ngoài, ở ngay đằng trước, bày một con búp bê lót trên một lượt khăn bông trắng nõn. Con búp bê thật lộng lẫy, cao tới gần bảy mươi phân, mặc một cái áo nhiễu màu hồng, đầu cài những bông lúa vàng, tóc như tóc thật, mắt thì bằng men sứ. Suốt ngày những khách tí hon dưới mười tuổi qua lại đều ngây người ra mà ngắm cái kỳ quan ấy. Ở Môngphécmây tìm đâu ra bà mẹ có đủ tiền hay thừa tính tiêu hoang mà mua cho con cái của ấy. Con Êpônin và con Adenma cứ đứng hàng giờ mà ngắm con búp bê; cả con Côdét nữa cũng cả gan lấm la lấm lét nhìn trộm búp bê.

Lúc Côdét bước ra ngoài, tay xách thùng, mặt rầu rĩ và khổ sở như thế, mà nó cũng không nhịn được, phải ngước mắt nhìn con búp bê kỳ diệu ấy, nhìn "cái bà quý phái ấy", như nó nói. Con bé khốn nạn đứng đờ người ra. Chưa lần nào nó được nhìn gần như thế. Nó tưởng gian hàng như một cái cung điện nào; còn búp bê thì không phải là con búp bê, mà là một nàng tiên hiển hiện. Con người bé nhỏ đáng thương ấy đang chìm sâu trong cảnh ảm đạm lạnh lẽo bỗng nhiên thấy đứng trước một cảnh vui vẻ, lộng lẫy, giàu có, hạnh phúc thoáng hiện ra như trong một luồng ánh sáng ảo mộng. Côdét lấy cái trí thông minh thơ ngây nhưng đáng buồn của nó để ước lượng cái hố sâu thăm thẳm phân cách nó với con búp bê này. Nó cho rằng phải là một bà hoàng hậu hay ít ra là một nàng công chúa mới mua được "cái của ấy". Nó ngắm nghía cái áo hồng tươi đẹp, mớ tóc mượt, bụng nghĩ thầm: "Con búp bê này, chắc nó sung sướng lắm nhỉ!" Mắt nó không thể rời cái cửa hàng huyền diệu ấy. Càng nhìn càng thấy lóa mắt. Nó tưởng như được thấy thiên đường. Những con búp bê bày phía sau con búp bê to, tưởng như tiên nữ, thánh thần cả. Còn cái ông bán hàng đi đi lại lại sau quầy thì nó mường tượng như Đức Chúa Trời vậy.

Mải chiêm ngưỡng, nó quên hết; quên cả nhiệm vụ phải làm. Bỗng nhiên tiếng gắt của mụ Tênácđiê gọi nó trở về thực tế:

- Ô kìa, con ranh, mày chửa đi à? Cứ đứng đấy, tao ra đây! Không biết nó còn đứng đấy làm gì kia chứ! Đồ quỷ quái, đi đi!

Thì ra mụ Tênácđiê vừa nhìn ra đường thấy Côdét đang say sưa ngắm nghía.

Côdét vội vàng xách thùng lủi đi, cố hết sức bước những bước thật dài.

V

MỘT MÌNH CON BÉ

Quán Tênácđiê ở phía đầu làng, khu xóm nhà thờ, nên con Côdét phải đi lấy nước ở mãi tận cái suối trong rừng về phía Senlơ.

Nó đi thẳng, không nhìn đến cửa hàng nào nữa. Lúc còn ở ngõ Hàng Bánh và trong khu vực nhà thờ thì còn đèn nến sáng trưng trong các cửa hiệu soi rõ lối đi; nhưng chẳng bao lâu, ánh đèn cửa hiệu cuối cùng mờ hẳn. Con bé con ở trong bóng tối. Nó cứ đi sâu vào bóng tối. Trong bụng đã thấy sờ sợ, nó vừa đi vừa hết sức vung vẩy cái quai thùng cho kêu lên; tiếng khua động như là một người bạn cùng đi với nó.

Càng đi bóng tối càng dày đặc. Ngoài đường, không còn lấy một bóng người. Thế nhưng nó cũng gặp một bà thấy nó thì đứng lại nhìn theo, miệng lẩm bẩm: "Đứa bé nào đi đâu thế này?Hay là ma quỷ gì đây?" Bà nhận ra Côdét: "À! Ra con Sơn ca!"

Cứ thế, Côdét lần mò qua những phường phố khúc khuỷu, quanh co và vắng lặng ở cuối làng Môngphécmây về phía Senlơ. Còn thấy có bóng nhà hay chỉ những bức tường hai bên vệ đường, con bé còn mạnh dạn mà đi. Chốc chốc còn được thấy ánh đèn le lói lọt qua khe cửa; ánh sáng đấy, sự sống đấy, còn có người đấy, nó còn được vững dạ. Nhưng càng đi, bước chân nó tự nhiên chầm chậm lại. Lúc nó vừa qua cái góc nhà cuối cùng, nó dừng lại. Đi quá cái cửa hàng cuối cùng đã là khó rồi; đi quá cái nhà cuối cùng này thì không thể được nữa. Nó đặt cái thùng xuống đất, thò tay lên đầu gãi gãi; đó là cử chỉ đặc biệt của con trẻ lúc kinh sợ và ngần ngừ. Không còn là làng Môngphécmây nữa; chỉ còn đồng không mông quạnh. Trước mắt nó, không gian đen ngòm, vắng lặng. Nó nhìn bóng tối tuyệt vọng; không còn lấy một bóng người, chắc có thú dữ, có cả ma nữa cũng nên. Nó cố nhìn, nó nghe thấy tiếng những con vật đi trong cỏ, nó thấy rõ ràng những con ma ngó ngoáy trong lùm cây. Thế là sợ quá hóa liều, nó vớ lấy cái thùng, miệng nói: "Chà! Cứ bảo là hết nước rồi!" Rồi nó quả quyết quay trở về Môngphécmây.

Song, được độ trăm bước, nó lại đứng lại và gãi đầu. Bây giờ thì hình ảnh mụ Tênácđiê hiện ra; mụ Tênácđiê với cái mõm sói cầy, con mắt giận dữ nảy lửa. Con bé nhìn trước nhìn sau thảm hại. Làm thế nào bây giờ? Rồi sẽ ra sao? Biết đi đâu? Đằng trước, bóng con quỷ cái Tênácđiê. Đằng sau, tất cả những ma quái của đêm tối và rừng rậm. Nhưng mà trước mặt đã có mụ Tênácđiê thì phải lùi. Thế là nó lộn trở lại con đường ra suối và đâm đầu chạy. Nó chạy khỏi làng, nó chạy vào rừng, chẳng còn nhìn gì, chẳng còn nghe thấy gì hết. Mãi đến lúc đứt cả hơi thở nó mới thôi chạy, nhưng cứ đi mãi. Nó cứ tiến đi, hết cả hồn cả vía.

Nó vừa chạy vừa muốn òa lên khóc.

Cảnh rừng rậm ban đêm rì rào vây bọc lấy nó. Nó không nghĩ gì nữa mà cũng chẳng nhìn thấy gì. Một đứa bé nhỏ xíu trước đêm tối bao la. Một bên là tất cả bóng tối; một bên là một hạt bụi li ti.

Từ cửa rừng vào đến suối, đi chỉ mất bảy, tám phút. Côdét ban ngày vẫn thường đi nên thuộc đường. Có điều lạ là đêm tối như thế, hãi hùng như thế mà nó vẫn không lạc. Hãy còn chút bản năng đưa đường cho nó. Nó có dám đưa mắt nhìn sang hai bên đâu, sợ nhỡ trông thấy cái gì ở trên cành cây hay ở bụi rậm. Cứ thế mà nó đến được suối.

Đây là một cái lòng chảo thiên nhiên nhỏ, do nước xói mãi vào đất sét; vũng sâu chừng sáu mươi phân, chung quanh, rêu và cỏ mọc, thứ cỏ cao, hoa tròn, thường gọi là "cỏ cổ áo vua Hăngri IV". Giữa mấy viên đá tảng, một dòng suối róc rách chảy lặng lờ.

Côdét không kịp thở nữa. Trời tối đen như mực, nhưng nó đã quen con suối này rồi. Tay trái nó quờ quạng trong bóng tối tìm cây sồi nhỏ mọc ngả xuống suối, thường ngày nó vẫn vịn vào đấy mà múc nước; nó nắm được một cành, bám chặt lấy, cúi xuống và vục thùng xuống múc. Lúc ấy nó hăng hết sức nên khỏe gấp ba mọi ngày. Lúc cúi xuống, nó không để ý đến cái túi tạp dề đang dốc ngược. Đồng mười lăm xu rơi xuống nước, Côdét không trông thấy và cũng không nghe thấy tiếng rơi. Nó kéo cái thùng nước gần đầy lên rồi đặt xuống bãi cỏ.

Xong xuôi, nó mới thấy đã kiệt hơi. Nó cũng muốn về ngay nhưng nó đã dùng hết sức lực để múc nước nên lê không nổi nước. Nó đành phải ngồi nghỉ. Nó gieo phịch người xuống rồi ngồi xổm luôn trên bãi cỏ.

Nó nhắm mắt lại, rồi mở mắt ra, không hiểu tại sao, mà cũng chẳng làm khác được.

Bên cạnh, nước trong thùng sóng sánh vẽ thành những vòng tròn trông như những con rắn bạc long lanh.

Trên đầu, bầu trời phủ đầy mây đen bát ngát, trông như từng mảng khói. Cái khuôn mặt thê thảm của bóng tối như nghiêng xuống đứa trẻ này.

Sao Mộc đang lặn ở phương xa thăm thẳm.

Con bé kinh hoàng nhìn ngôi sao to, lạ lùng kia. Ngôi sao lúc ấy đang đến sát chân trời, xuyên qua làn sương đêm dày đặc, trông đỏ đòng đọc. Sương mù nhuốm một màu đỏ ghê rợn làm cho ngôi sao to thêm ra. Giống như một vết loét ngời sáng.

Gió lạnh từ đồng thổi vào. Rừng tối om! Không một tiếng lá sột soạt, không một gợn sóng, thứ ánh sáng mờ mờ, mát mẻ những đêm mùa hạ. Các cành cây to dựng đứng trông gớm chết. Mấy bụi cây gầy guộc, hình thù kỳ quặc đang rít gió ở ven rừng. Đám cỏ cao vút nhung nhúc dưới làn gió thổi, như một đàn lươn. Những cây gai vặn vẹo như những cánh tay dài nghêu có vuốt đang giơ ra bắt mồi; mấy cành khô gió thổi cuốn nhanh qua như kinh hãi chạy trốn cái gì sắp tới. Tứ bề toàn là cảnh mênh mông kinh khủng.

Bóng tối làm cho choáng váng. Con người cần có ánh sáng. Kẻ nào đi vào chỗ không phải là ánh sáng sẽ thấy lòng hồi hộp. Hễ mắt thấy mù mịt trí óc cũng thấy bàng hoàng. Trong nguyệt thực, trong đêm đen, trong cảnh u ám khói muội, người bạo nhất cũng có phần ngại ngùng. Không ai đi trong rừng đêm mà không run rẩy. Bóng đêm và cây cối là những khối đáng sợ. Một hiện thực kỳ ảo mọc ra từ cõi mập mờ sâu thẳm. Cái không tưởng tượng được sẽ hình thành cách anh mấy bước rõ ràng như bóng ma. Anh sẽ thấy lung linh trong không gian hay trong đầu óc, một cái gì mập mờ vô định như những đóa hoa nhìn thấy trong mơ. Phía chân trời có những bóng dáng dữ tợn. Anh hít thở từng luồng gió từ khoảng không đen tối. Anh thấy sợ và muốn nhìn ra phía sau. Những hốc đêm, những đồ vật trở nên bơ phờ, những hình bóng lặng lẽ tan biến khi anh bước tới, những dáng điệu rũ rượi lờ mờ, những bụi bờ giận dữ, những đầm vũng nhờ nhờ, hình ảnh ảm đạm phản chiếu trong cảnh tang ma, cảnh vắng lặng mênh mông của hầm mộ, những sinh linh bí ẩn, những cành lá huyền bí nghiêng mình, những thân cây dễ sợ, những bụi cỏ rùng mình mãi không thôi. Trước tất cả những cái ấy, anh không có gì che chở, gan lì mấy cũng không tránh khỏi giật mình, cũng thấy mình sắp hoảng loạn. Anh cảm thấy có cái gì gớm ghiếc như thể linh hồn anh nhập vào bóng tối. Trạng thái nhập vào bóng tối đó rất thảm hại đối với trẻ con.

Cảnh rừng là cảnh tận thế. Và cái đập cánh của một linh hồn bé bỏng dội lên như một tiếng hấp hối dưới vòm cây lá bao la.

Côdét không hiểu được cái cảm giác của mình lúc ấy, nhưng nó cảm thấy cả cái khối to lớn, đen ngòm của vũ trụ đang túm chặt lấy nó. Không phải nó chỉ thấy khủng khiếp, nó thấy cái gì khủng khiếp hơn cả sự khủng khiếp. Nó rùng mình. Một cái rùng mình lạ lùng lạnh thấu tâm can, không chữ nào tả xiết. Con mắt nó hãi hùng. Nó như cảm thấy cũng đến giờ này ngày hôm sau nó không thể nào không trở lại chỗ này được.

Bấy giờ, như một thứ bản năng xui khiến để thoát khỏi cái trạng thái dị kỳ, khó hiểu mà nó khiếp sợ đó, nó bèn cất tiếng rõ to đếm một, hai, ba, bốn đến mười; đếm xong, nó lại đếm nữa. Lúc ấy nó mới hoàn hồn, nhận rõ sự vật quanh mình. Nó thấy tay nó lúc múc nước bị ướt nên rét cóng. Nó đứng dậy. Nó lại thấy sợ, cái sợ tự nhiên, không sao tránh được. Nó chỉ có một ý nghĩ là chạy trốn; ba chân bốn cẳng mà chạy, chạy qua rừng, qua cánh đồng, một mạch đến tận nơi có nhà, có cửa sổ, có đèn thắp sáng. Nó chợt nhìn thấy, cái thùng nước trước mặt. Nghĩ đến mụ Tênácđiê, nó lại sợ hơn, không dám bỏ thùng nước đấy mà chạy. Nó phải lấy cả hai tay mà nắm quai thùng. Thùng nước nặng, ì ạch mãi mới xách nổi.

Đi được hơn chục bước, nó lại phải đành lòng đặt thùng nước xuống đất; thùng đầy nước, nặng quá. Nó đứng thở một lát, rồi lại nhấc thùng lên, lại đi: lần này thì được một thôi dài hơn. Nhưng rồi lại phải dừng lại nữa. Nghĩ vài giây, lại đi. Trông nó như một bà già, đi thì còng về đằng trước, đầu cúi xuống. Thùng nước nặng quá, cánh tay gầy gò cứ thẳng căng và cứng đờ ra. Cái quai sắt làm cóng nốt hai bàn tay nhỏ bé ướt đẫm nước. Chốc chốc nó lại phải đứng lại; mỗi lần đứng lại thì nước lạnh trong thùng lại sóng ra, chảy vào hai chân giẫm đất. Giữa rừng thẳm, giữa đêm tối, mùa rét, xa con mắt của mọi người và đứa bé mới lên tám tuổi đầu. Lúc ấy, họa chăng có trời mới nhìn thấy cái cảnh bi thảm ấy.

Và, than ôi! Có lẽ cả vong hồn mẹ nó nữa.

Vì ở đời có những cảnh ngộ làm cho người chết ở dưới mồ cũng phải mở mắt ra mà nhìn.

Nó thở như rên siết, nghe đau đớn lắm. Tiếng khóc dâng lên nghẹn cổ; nhưng nghĩ đến mụ Tênácđiê, nó không dám khóc to, dù không có mụ ở đấy. Lúc nào nó cũng tưởng như mụ Tênácđiê ở ngay trước mặt.

Cứ thế, nó không đi được bao đường đất; nó đi chậm lắm. Lúc nghỉ thì rõ ít, mà đi thì rõ lâu; nhưng cũng chẳng ăn thua gì. Có lẽ phải hơn tiếng đồng hồ mới đến Môngphécmây rồi thế nào mụ Tênácđiê cũng đánh đòn; nghĩ thế, nó càng khiếp. Đã khiếp lại thêm hoảng sợ, một thân trơ trọi ban đêm giữa rừng sâu. Nó đã mệt lử người mà vẫn chưa ra khỏi rừng. Đến gần một gốc cây dẻ cổ thụ nó quen lắm, nó dừng lại lâu hơn mọi lần để nghỉ một làn cuối cùng cho thật khỏe, rồi nó thu hết sức lực, xách lấy thùng nước, lại can đảm bước đi. Tuy vậy, con người bé bỏng tuyệt vọng ấy không khỏi buột miệng kêu: "Trời ơi là trời!"

Đúng lúc ấy, nó thấy thùng nước tự nhiên nhẹ bỗng đi. Một bàn tay có lẽ to lớn lắm vừa nắm lấy quai thùng và nhấc lên rất mạnh. Nó ngẩng đầu lên. Một bóng đen to lớn, đứng thẳng, đang đi bên nó, trong bóng tối. Người ấy là một người đàn ông, đi sau nó, đến gần nó lúc nào nó không biết. Người ấy chẳng nói chẳng rằng, nắm lấy quai thùng nó đương xách.

Trên đời, mỗi lần gặp gỡ, vẫn có cái linh tính nó báo trước dữ lành. Con bé không thấy sợ.

VI

CÓ LẼ BULATƠRUYEN CŨNG THÔNG MINH THẬT

Xế chiều ngày lễ Giáng sinh năm 1823, có một người tha thẩn rất lâu ở quãng đường vắng vẻ đại lộ Nhà thương ở Pari. Người ấy như muốn tìm một chỗ ở thuê và hình như có ý chọn những nhà nào tầm thường nhất ở xóm ngoài vùng ngoại ô Xanh Mácxô.

Đọan sau ta sẽ biết, người ấy đã thuê được một căn buồng ở cái xóm hẻo lánh này.

Trông cách ăn mặc và bộ điệu, có thể thấy người ấy là hình ảnh của hạng ăn mày tử tế, nghèo xác xơ nhưng vẫn cố giữ được hết sức tinh tươm. Người ấy là một người rất nghèo khổ, lại là người biết giữ tư cách, hai điều đó khiến cho những kẻ thông minh đĩnh ngộ phải thêm phần kính trọng. Người ấy đội một cái mũ tròn rất cũ và chải rất kỹ, mặc một cái áo khoác bằng da thô đã sờn đến tận lần trong, màu vàng gạch, là màu quen mắt thủa ấy; một cái gi-lê rộng, túi may kiểu rất xưa; cái quần đen, hai đầu gối đã bạc phếch, đôi bít tất len màu đen và đôi giày thô cài khuy đồng. Nom như một gia sư cũ ở nhà quý phái mới hồi cư. Cứ nhìn mái tóc bạc phơ, cái trán nhăn nheo, hai môi tái ngắt, khuôn mặt nhọc nhằn, chán nản sự đời, người ta đoán có lẽ lão đã ngoài sáu mươi. Song nhìn cái dáng đi tuy chậm chạp nhưng chắc chắn, những điệu bộ mạnh mẽ lạ thường, thì người ta đồ chừng lão ta chỉ mới độ năm mươi. Mấy nếp nhăn trên trán thật đúng chỗ, khiến ai nhận xét kỹ lão cũng phải nể. Môi thì mím lại thành một nếp kỳ lạ, vừa nghiêm nghị vừa khiêm nhường. Con mắt nhìn thì trong suốt mà não nùng. Người ấy tay trái xách một gói nhỏ buộc trong chiếc khăn mùi xoa, tay phải chống một cái gậy chặt ở một hàng cây làm rào. Cái gậy gọt đẽo cẩn thận, trông không đến nỗi tồi lắm; các đốt đều được sửa cho đẹp thêm, chỗ nắm tay thì bằng xi đỏ giả san hô; chính ra là cái dùi cui, nhưng ra vẻ một cái gậy.

Con đường này vốn vắng người qua lại, nhất là về mùa rét. Người ấy hình như còn cố tránh mọi người chứ không muốn gần một ai.

Thuở ấy, vua Lui XVIII ngày nào cũng xa giá tới Soadilơroa; ngài lại ưa đi con đường này. Cứ vào hai giờ chiều, ít khi sai, thì xa giá và đoàn kỵ mã phóng nhanh trên đường phố Nhà thương.

Các chị dân nghèo trong khu phố, nhờ thế mà biết giờ khắc. Các chị bảo nhau:

- Hai giờ rồi đấy, người ta đi về điện Tuylơri kia.

Người này chạy đến, kẻ kia tránh đi. Một nhà vua đi qua chẳng bao giờ chẳng gây một sự náo động. Vả lại vua Lui XVIII hiện ra hay biến đi cũng có ảnh hưởng phần nào đối với đường phố Pari. Đoàn xa giá đi rất nhanh, nhưng uy nghi đường bệ. Ông vua bại liệt ấy lại thích phi nước đại. Không bước được, ngài chỉ muốn chạy. Tuy què liệt, ngài muốn đằng vân. Hiền hòa, nghiêm trang, ngài lướt qua cùng với một rừng gươm tuốt vỏ. Cỗ loan xa nặng thiếp vàng, điểm hoa huệ, lăn đi rầm rộ. Người ta chỉ kịp nhìn thoáng qua một cái. Trong góc xe bên phải, một người ngồi tựa chồng gối bọc xa-tanh trắng, mặt to, chắc, hồng hào, trán tươi mát điểm phấn, con mắt tự phụ, tinh vi mà vô tình, nụ cười học giả, hai vai có hai ngù lớn tỏa tua xuống bộ quần áo không lòe loẹt, trên ngực có đủ huân chương và bội tinh cao cấp, một cái bụng phệ có băng choàng xanh vắt ngang. Vua đấy. Ra khỏi Pari thì ngài lấy mũ xuống để trên đầu gối, mũ ngài cắm lông vũ trắng, chân ngài mang giầy ghệt Anh cao. Vào thành thì ngài đội mũ, nhưng ít khi chào. Ngài nhìn dân chúng lạnh lùng, lạnh lùng dân chúng nhìn lại ngài. Khi ngài xuất hiện ở khu phố Xanh Mắcxô lần đầu, uy tín của ngài tóm tắt trong câu của anh dân ngoại ô này nói với bạn: "Cái ông béo phị ấy là cả triều đình đó".

Xa giá nhà vua cứ đúng giờ ấy đi qua phố Nhà thương, ngày nào dân phố cũng quen lệ ấy.

Người đi dạo mặc áo vàng hẳn không phải là người khu này và có lẽ không phải là người Pari, nên không biết việc trên. Lúc hai giờ, khi xa giá có đoàn thị vệ cưỡi ngựa vây quanh, từ Xanhpêtơrie rẽ vào đường này thì người ấy có vẻ ngạc nhiên và gần như sợ hãi. Bên lề đường chỉ độc có lão; lão vội núp sau một bức tường, nhưng công tước Đavrê cũng kịp trông thấy. Vì là chỉ huy trưởng trực ban của đội cấm quân, công tước ngồi đối diện nhà vua. Ông nói: "Tên kia khả nghi". Những viên cảnh sát đi dẹp đường cũng để ý đến lão; một người được lệnh theo dõi. Nhưng người lạ mặt đã lẩn vào những phố vắng vẻ trong khu; lúc ấy trời bắt đầu tối nên người cảnh sát đành để mất hút.

Ngay tối hôm đó người ta gửi báo cáo lên bá tước Ănggletx, bộ trưởng bộ an ninh về việc ấy.

Khi người mặc áo vàng đánh lạc đường viên cảnh sát rồi, lão bèn rảo cẳng đi, chốc chốc lại ngoái cổ nhìn lại xem có ai theo mình không. Đến bốn giờ mười lăm, tức là lúc trời đã tối hẳn, lão đi qua rạp hát của ô Xanh Máctanh hôm ấy diễn kịch Hai tên tù khổ sai. Tờ quảng cáo để ngay dưới ngọn đèn rạp hát làm lão phải chú ý; tuy đang vội đi, lão cũng dừng lại để đọc. Một lát sau, lão đi vào cái ngõ cụt Lapơlăngsét, tìm đến quán "Cái đĩa thiếc" là nơi bấy giờ đặt buồng giấy của hãng xe chạy Lanhi. Đến bốn rưỡi thì xe chạy. Ngựa đã đóng cương đâu đấy; nghe tiếng người đánh xe gọi, hành khách hấp tấp leo lên chiếc thang cao bằng sắt.

Người ấy hỏi:

- Còn chỗ không bác?

Người đánh xe đáp:

- Chỉ còn một chỗ thôi, cạnh tôi đây này.

- Được, để cho tôi.

- Lên ngay đi.

Nhưng, trước khi xe chạy, người đánh xe đưa mắt nhìn bộ quần áo tồi tàn của khách và cái gói nhỏ xíu rồi đòi tiền. Anh ta hỏi:

- Ông đi tận Lanhi chứ?

- Phải.

Khách trả lời rồi trả tiền xe đến Lanhi.

Xe chạy. Qua cửa ô rồi, người đánh xe thử bắt chuyện, nhưng khách chỉ trả lời gióng một. Anh ta đành huýt sáo miệng và cứ quát ngựa chạy.

Người đánh xe trùm kín áo tơi. Trời lạnh. Khách hình như không lưu ý tới. Cứ thế, xe chạy qua Guôcnay và Nơiyxuya Mác.

Độ sáu giờ tối thì đến Senlơ. Người đánh xe cho xe dừng lại để ngựa nghỉ ngơi, xe đỗ trước cửa quán ăn của phu xe tải, nguyên trước kia là nhà tu kín. Người lạ mặt bảo:

- Tôi xuống đây.

Rồi cầm lấy cái gói và cái gậy, nhảy xuống đất!

Chỉ một lát là lão biến mất!

Lão không vào hàng ăn.

Mấy phút sau, xe lại chạy trên con đường đi Lanhi, nhưng cũng không thấy lão ở phố chính thành Senlơ.

Người đánh xe quay lại nói với hành khách ngồi trong xe:

- Lão ấy không phải người vùng này, nếu phải tôi đã biết. Coi bộ không có một xu thế mà chả thiết gì đến tiền. Trả thì trả đến tận Lanhi, mà đến Senlơ đã xuống. Khuya rồi, nhà nào nhà nấy đóng cửa im lìm thế mà lại không vào hàng trọ và cũng chẳng thấy đâu cả. Thế thì chẳng độn thổ thì còn đi đâu.

Khách không độn thổ mà lại vội vã đi qua phố chính thành Senlơ, trong đêm tối; rồi chưa đến nhà thờ đã rẽ sang trái, tạt vào con đường hẻm đi Môngphécmây, y như một người đã quen vùng này lắm và đã đến đây nhiều lần rồi.

Khách đi rất nhanh. Lúc đến chỗ ngã tư, nơi con đường hẻm gặp con đường cũ đi từ Ganhi đến Lanhi, hai bên có cây, lão nghe có tiếng người đang đi lại. Lão vội vàng núp xuống cái rãnh, đợi cho bọn kia đi khuất. Kể cẩn thận như thế cũng là thừa vì đêm nay là đêm tháng chạp, trời đen như mực. Trên trời thấp thoáng chỉ hai ba ông sao.

Chỗ ấy bắt đầu lên cái dốc khu đồi. Lão không rẽ vào con đường đi Môngphécmây; lão quặt sang tay phải, đi tắt qua quãng đồng và vội vã vào khu rừng.

Vào đến rừng, lão đi chậm lại; lão nhìn kỹ từng gốc cây, đi từng bước một như tìm kiếm và đi theo một con đường bí mật chỉ một mình lão biết. Có lúc hình như lão lạc mất hướng nên đứng lại, tần ngần. Sau cùng, lần mò mãi mới tới một khu rừng thưa có một đống đá lớn trăng trắng. Lão vội vàng đến gần đống đá, xem xét kỹ lưỡng qua làn sương đêm, như để điểm qua từng hòn một. Cách đống đá chừng mấy bước, có một gốc cây lớn vỏ xù xì những mấu. Lão đến gần gốc cây, lấy tay lần trên vỏ như để nhận ra và đếm từng mấu sứt trên thân cây.

Cây ấy là cây tần; trước mặt, có một cây dẻ có chỗ bong vỏ nên người ta lấy miếng kẽm đóng vào để băng bó. Lão kiễng chân lên rồi lấy tay sờ miếng kẽm.

Lão lấy chân giậm khoảng đất giữa gốc cây và đống đá một lúc như là để xem xét có ai mới đào bới gì chỗ ấy lên không.

Xong xuôi, lão định lại phương hướng rồi lại xuyên rừng mà đi.

Người ấy là người vừa gặp con Côdét.

Thì ra lúc người ấy len lỏi qua rừng đi về phía Môngphécmây, chợt trông thấy một cái bóng bé nhỏ vừa nhúc nhích đi vừa rên rỉ rồi đặt cái gì nặng xuống đất, lại xách lấy, lại đi. Người ấy tiến đến gần, nhận ra là một đứa bé tí tẹo mà lại xách một cái thùng to tướng. Người ấy bèn đến gần đứa bé, lẳng lặng xách lấy quai thùng nước.

VII

CÔDÉT ĐI CẠNH NGƯỜI LẠ TRONG BÓNG TỐI

Như trên đã nói, Côdét không sợ.

Người ấy bắt chuyện với nó; ông nói khẽ, hầu như thầm thì:

- Này cháu, cháu xách cái này chắc nặng lắm nhỉ?

Côdét ngẩng đầu lên đáp:

- Thưa ông, vâng.

Người ấy lại tiếp:

- Đưa đây, ông mang đỡ cho.

Côdét buông tay ra. Người kia đi từ từ bên cạnh, nói khe khẽ:

- Nặng thật.

Rồi người ấy bảo:

- Cháu lên mấy?

- Thưa ông, lên tám.

- Cháu đi từ đâu, có xa không?

- Cháu ở suối về, trong rừng kia.

- Nhà cháu còn xa nữa không?

- Đi độ mười lăm phút nữa thì đến.

Người lạ mặt im lặng một lúc rồi đột nhiên hỏi:

- Thế cháu không còn mẹ ư?

Đứa bé trả lời:

- Cháu không biết.

Không đợi người kia kịp nói, nó tiếp luôn:

- Hình như không có. Đứa nào cũng có mẹ, mà cháu thì không có.

Một lát sau, nó lại nói:

- Hình như trước kia cũng không có.

Người lạ dừng lại, đặt thùng nước xuống đất, cúi xuống đất, cúi xuống rồi đặt hai tay lên vai con bé: người ấy cố nhìn kỹ nó, nhìn tận mặt nó trong bóng tối.

Khuôn mặt gầy gò, quắt queo của Côdét mờ mờ dưới ánh sáng nhợt nhạt của bầu trời. Người kia hỏi:

- Tên cháu là gì?

- Côdét.

Người ấy như bị điện giật; lão nhìn kỹ nó lượt nữa rồi tay buông vai con bé, lại xách thùng nước, cất bước đi.

Một lúc sau lão hỏi:

- Bé này, nhà cháu đâu?

- Ở Môngphécmây, ông có biết không?

- Bây giờ cháu về đấy phải không?

- Thưa ông, vâng.

Ngừng một lát, lão lại hỏi:

- Ai sai cháu vào rừng lấy nước khuya thế này?

- Bà Tênácđiê ạ.

Người lạ cố hết sức lấy giọng tự nhiên mà hỏi, song nghe như có vẻ run run khác thường:

- Bà Tênácđiê nhà cháu làm gì?

Con bé đáp:

- Bà ấy là bà chủ cháu. Nhà bán quán.

- Quán à? Thế thì ta lại đấy trọ đêm nay. Cháu dẫn ta lại nhé.

- Đi đường này đấy ạ.

Người lạ đi khá nhanh. Côdét nhanh nhẹn theo sau. Nó không thấy mệt nữa. Thỉnh thoảng nó lại ngước mắt nhìn người ấy, ra vẻ bình tĩnh và tin cậy vô cùng. Chưa ai dạy nó ngước lên Chúa và cầu nguyện bao giờ. Thế mà lúc này nó cảm thấy có cái gì giống như niềm hy vọng và nỗi sung sướng được hướng về Thượng đế.

Mấy phút trôi qua. Người kia lại hỏi:

- Nhà bà Tênácđiê không mượn người ở à?

- Thưa không ạ.

- Chỉ có một mình cháu thôi ư?

- Vâng ạ.

Lại im lặng. Côdét lên tiếng:

- Cũng còn hai đứa con gái nữa.

- Hai đứa nào?

- Con Pônin với con Denma.

Côdét gọi gọn như vậy hai cái tên đặc tiểu thuyết mà mụ Tênácđiê đặt cho con:

- Pônin với Denma là ai?

- Là hai cô nhà bà Tênácđiê. Con gái bà chủ đấy.

- Hai cô ấy làm gì?

- Ấy, các cô có những con búp bê đẹp ghê, cả những vật có vàng nữa, bao nhiêu thứ. Các cô ấy được chơi, được nô đùa.

- Cả ngày à?

- Vâng ạ.

- Thế cháu?

- Cháu thì bận, cháu làm việc.

- Suốt ngày à?

Con bé ngước đôi mắt to, long lanh giọt nước mắt, tối quá không trông thấy. Nó dịu dàng đáp:

- Vâng ạ.

Lặng im một lát, nó lại tiếp:

- Cũng có khi làm lụng xong xuôi đâu đó mà được phép thì cháu cũng chơi.

- Cháu chơi gì?

- Chơi gì thì chơi. Người ta mặc cháu. Nhưng làm gì có lắm đồ mà chơi. Con Pônin với con Denma không cho cháu chơi chung búp bê. Cháu chỉ có một thanh gươm bằng chì, dài bằng này.

Con bé xòe ngón tay út ra.

- Thế không cắt được chứ?

- Có ông ạ... cắt được lá rau và đầu ruồi.

Đã đến đầu làng. Côdét dẫn người kia qua các phố. Qua cửa hàng bánh nhưng Côdét quên bẵng phải mua bánh về cho mụ chủ. Người lạ không hỏi chuyện nó nữa, cứ lầm lì đi. Vừa đi khỏi nhà thờ, người ấy thấy tất cả những quán dựng ngoài trời, liền hỏi Côdét:

- Ở đây mở chợ phiên đấy à?

- Không ạ. Lễ Giáng sinh đấy ạ.

Gần đến quán ăn, Côdét khẽ sờ tay người kia:

- Thưa ông...

- Gì thế cháu?

- Gần đến nhà rồi.

- Thế thì làm sao?

- Bây giờ ông cho cháu xin lại cái thùng nước.

- Sao thế?

- Cháu chỉ sợ bà chủ trông thấy có người xách hộ, cháu lại phải đòn.

Người kia đưa thùng cho nó. Chỉ một lát sau đã đến cửa hàng ăn.

VIII

PHẢI TIẾP TRONG NHÀ MỘT KẺ NGHÈO MÀ CÓ LẼ GIÀU THÌ THẬT PHIỀN

Côdét không thể không đưa mắt liếc nhìn con búp bê to vẫn bày ở cửa hàng bán đồ chơi, rồi mới gõ cửa. Mụ Tênácđiê ló ra, tay cầm ngọn đèn:

- Ra con ranh! Gớm nhỉ, đi sao mà lâu thế! Chắc còn la cà chơi đâu, con nỡm!

Côdét run lẩy bẩy đáp:

- Thưa bà, có ông này hỏi trọ.

Mụ Tênácđiê mặt đang hầm hầm liền nhăn nhở lấy lòng khách: thói thường đám nhà hàng ăn xưa nay vẫn đổi thay như thế. Mụ hau háu con mắt tìm xem ai đến. Mụ hỏi:

- Ông này phải không?

Người lạ để tay lên mũ đáp:

- Thưa bà, vâng.

Khách giàu làm gì có người lễ phép đến thế. Cứ cái cử chỉ ấy và quần áo cùng hành lý của khách, mụ Tênácđiê chỉ thoáng nhìn một lượt là đổi ngay nét mặt đon đả trở lại hầm hầm giận dữ. Mụ nhạt nhẽo nói:

- Ông già, vào đi.

"Ông già" bước vào. Mụ Tênácđiê đưa mắt nhìn lượt thứ hai. Mụ đặc biệt nhìn kỹ cái áo khoác ngoài đã sờn hết, cái mũ đã bẹp, rồi mụ hất đầu, nhăn mũi và nháy mắt ra hiệu hỏi ý chồng; gã Tênácđiê vẫn đang ngồi uống rượu với bọn phu xe. Hắn trả lời bằng cách máy máy nhẹ ngón tay trỏ, môi thì phều ra một tí, có nghĩa là: khách kiết. Thấy vậy, mụ bèn lên tiếng:

- À, thế này, bác ạ, thật không phải, nhà hết chỗ cả rồi.

- Tôi nằm đâu cũng được, có chỗ gác xép hay ngoài chuồng ngựa cũng được; rồi tôi cũng cứ trả như trả một phòng.

- Bốn mươi xu cơ đấy.

- Bốn mươi xu. Được.

- May chưa!

Một người phu xe nói khẽ với mụ Tênácđiê:

- Bốn mươi xu cơ à? Tưởng chỉ hai mươi xu thôi chứ?

Mụ cũng khẽ đáp:

- Hắn thì bốn mươi xu. Hạng nghèo không bao giờ tôi lấy kém.

Thằng chồng nhẹ nhàng nói thêm:

- Ấy, chứa những đồ ấy chỉ tổ bẩn nhà.

Khách để khăn gói và cái gậy xuống ghế dài rồi ngồi vào bàn; con Côdét vội vàng đem đến một chai rượu vang và một cái cốc. Người lái buôn đòi nước lúc nãy tự tay xách thùng ra cho ngựa uống. Côdét lại chui xuống gầm bàn bếp, ngồi đan.

Khách rót rượu ra cốc nhưng chỉ nhấp có một tí rồi chăm chú nhìn con bé.

Côdét trông xấu quá. Giá mà nó được sung sướng, chắc nó cũng xinh. Chúng tôi đã phác qua cái khuôn mặt âu sầu bé nhỏ ấy. Côdét gầy và xanh; nó lên tám mà nom như mới lên sáu. Mắt nó to, sâu lõm vào; nó khóc lắm nên mắt dại hẳn đi. Hai bên mép có nếp nhăn, dấu hiệu của sự khủng khiếp thường xuyên, thường thấy trên nét mặt những kẻ tù tội hoặc những kẻ ốm đau đã tuyệt vọng. Hai bàn tay thì nứt nẻ. Ánh lửa lúc này chiếu vào nó, làm nổi rõ những đầu xương, thân hình gầy guộc của nó càng thêm ghê sợ. Lúc nào nó cũng rét run cầm cập, nên hai đầu gối nó ép sát vào nhau đã thành thói quen. Quần áo thì độc một manh, mà đã rách nát, mùa nực trông rất thương tâm, mùa rét thì đến phát khiếp. Không một mụn len, rặt những mảnh vải rách mướp. Hở cả da thịt từng quãng, trông rõ cả những vệt đen, vệt tím do những trận đòn của mụ Tênácđiê để lại. Hai cẳng khẳng khiu và mẩn đỏ chẳng có gì che đậy. Hai vai gầy lõ xương, trông đến rớt nước mắt. Tất cả người con bé ấy, từ cách đi đứng, dáng điệu, đến giọng nói, lời nói ấp a ấp úng, con mắt nhìn, sự im lặng, cử chỉ rụt rè, tất cả đều nói lên và diễn tả một điều: sự sợ hãi.

Sợ hãi thấm đầy người nó, trùm lên nó. Sợ hãi như có sức gì khép chặt khuỷu tay nó vào hai đùi, thu gót chân nó vào trong váy, co rúm người nó lại cho khỏi tốn chỗ, nín hơi không dám thở mạnh; nó sợ quá, nên nó đã nhiễm cái thói quen ấy, mỗi ngày một co rúm thêm. Trong khóe mắt, còn có một tia kinh sợ.

Nó sợ quá, đến nỗi về đến nhà, ướt át là thế mà nó cũng không dám lại gần lửa mà hơ; nó lẳng lặng bắt tay vào việc. Nó mới lên tám tuổi đầu, mà con mắt nhìn lúc nào cũng âm thầm, đôi khi sầu thảm quá, nên có lúc tưởng như nó sắp hóa dại hay thành con quái vật.

Như ta đã biết, bình sinh nó chưa hề biết cầu nguyện là thế nào, chưa từng bước chân vào nhà thờ bao giờ. Mụ Tênácđiê thường bảo: "Thời giờ đâu?"

Người mặc áo khoác vàng vẫn đăm đăm nhìn Côdét.

Bỗng mụ Tênácđiê tru tréo:

- Ơ kìa, thế bánh đâu?

Cứ quen lệ, mỗi lần mụ Tênácđiê the thé lên tiếng, con bé lại chui cho nhanh ra khỏi gầm bàn.

Nó quên khuấy việc mua bánh; nó lại dùng đến cái kế của những đứa trẻ lúc nào cũng khiếp sợ. Nó nói dối:

- Thưa bà, hiệu bánh đóng cửa rồi ạ.

- Phải đập vào cửa ấy chứ.

- Thưa bà con có đập.

- Thế sao?

- Người ta không mở.

- Để mai tao hỏi xem có thật không. Mày mà nói dối thì liệu hồn. Bây giờ hãy trả tao đồng mười lăm xu đây.

Côdét thọc tay vào túi tạp dề; bỗng nó tái xanh người. Mất đồng mười lăm xu rồi. Mụ Tênácđiê bảo:

- Hừ, tao bảo gì, mày có nghe thấy không?

Côdét lộn túi áo, chẳng có gì. Không biết tiền nó đi đằng nào? Khốn nạn, con bé không còn biết nói sao. Nó ngây như phỗng.

Mụ Tênácđiê rên lên:

- Mày đánh mất đồng mười lăm xu rồi à? Hay là mà định ăn cắp của tao, con kia?

Vừa nói, mụ vừa tay với cái roi da treo trên lò sưởi.

Trông thấy mụ hùng hổ như thế, Côdét bật kêu lên:

- Con lạy bà, con lạy bà, bà tha cho con, con chừa rồi.

Mụ Tênácđiê tháo cái roi ra.

Lúc ấy, người mặc áo khoác vàng móc túi áo gi-lê mà không ai để ý tới. Vả lại những người khác còn mải uống rượu, đánh bài, có ai để ý đến cái gì đâu.

Côdét khiếp đảm thu hình lại, ở góc lò, co rúm chân tay trần trụi lại, hòng giấu đi. Mụ Tênácđiê vừa giơ roi thì người kia nói:

- Xin lỗi bà. Lúc nãy tôi vừa thấy cái gì ở túi con bé rơi ra rồi lăn vào đây. Hay là đồng hào đấy.

Vừa nói, khách vừa cúi xuống, vờ tìm dưới đất một lúc, rồi ngẩng lên:

- Đúng rồi. Đây bà này.

Rồi ông ta đưa một đồng hào cho mụ Tênácđiê. Mụ nói:

- Phải, phải rồi.

Nhưng nào có phải, đồng này là đồng hai mươi xu; nhưng mụ thấy có lời. Mụ bỏ đồng tiền vào túi đành quắc mắt lườm con bé mà bảo:

- Dù vậy, từ giờ cũng phải chừa, nghe không?

Côdét lại chui vào cái chỗ mụ Tênácđiê gọi là "ổ chó"; mắt nó mở to nhìn mãi người khách lạ; con mắt bắt đầu như có một ánh gì lạ lùng từ xưa chưa từng có. Mới chỉ là một nỗi ngạc nhiên thơ ngây nhưng có lẫn một niềm tin thảng thốt.

Mụ Tênácđiê hỏi khách:

- Này bác, bác có ăn tối không?

Khách không trả lời, hình như đang mải mê nghĩ ngợi gì. Mụ lẩm bẩm:

- Hạng người gì thế này? Chắc là một gã kiệt xác. Làm quái gì có tiền mà ăn. Chẳng biết có tiền mà trả tiền trọ không. Nhưng cũng may mà hắn không nổi lòng tham mà ăn cắp đồng tiền rơi dưới đất.

Lúc ấy, cửa bên mở. Êpônin và Adenma chạy vào.

Hai đứa bé gái đẹp thật; chúng nó ra vẻ thành thị chứ không quê mùa, rất xinh; một đứa tóc tết chải bóng màu hạt dẻ; một đứa tóc đen nhánh tết đuôi sam, bỏ xõa sau lưng; cả hai đứa đều nhanh nhẹn, sạch sẽ, mũm mĩm, tươi tắn, khỏe mạnh, nhìn rất thích mắt. Hai đứa cùng mặc áo rất ấm, nhưng nhờ có bàn tay khéo léo của người mẹ, nên vải tuy dày mà mặc vẫn sát sóng và duyên dáng. Mặc phòng đông mà vẫn không mất vẻ xuân tươi. Hai con bé như tỏa ra ánh sáng. Chúng nó lại còn cái vẻ trị vì nữa. Cứ trông bộ cánh, cách nô đùa ầm ĩ cũng đủ thấy chúng nó là những bà chúa trong nhà. Thấy con chạy vào, mụ Tênácđiê mắng yêu chúng nó:

- À! Ra hai cô đấy ư?

Rồi mụ kéo từng đứa một vào lòng, lấy tay vuốt tóc chúng nó, buộc lại cái băng cho chúng nó, rồi buông chúng nó ra, vừa buông vừa đẩy một cách âu yếm, miệng nói:

- Các con tôi ăn với mặc lôi thôi quá!

Hai đứa nhỏ đến ngồi bên cạnh bếp lửa. Chúng nó có một con búp bê đặt trên đùi, hết lật qua lật lại, bi bô với nhau rất vui vẻ. Côdét thỉnh thoảng bỏ đan ngẩng lên nhìn hai đứa, nét mặt thiểu não.

Êpônin và Adenma thì không nhìn đến Côdét. Chúng coi Côdét cũng như con chó trong nhà. Cả ba đứa cộng tuổi lại chưa đầy hai mươi tuổi, nhưng tiêu biểu được cho tất cả xã hội loài người; một bên là thèm muốn, một bên là khinh rẻ.

Con búp bê của hai chị em nó đã cũ, bạc phếch cả ra, già nua, còm cõi, nhưng Côdét vẫn thấy đẹp lắm; cả đời nào nó có được một con búp bê, một con búp bê thật bao giờ - ấy là chúng ta dùng cái tiếng của trẻ con, đứa nào cũng hiểu.

Bất chợt mụ Tênácđiê đang đi đi lại lại trong nhà trông thấy Côdét lơ đãng nhìn hai đứa bé kia chơi, bỏ cả việc. Mụ thét:

- À, quả tang nhé. Mày làm ăn thế à? Để tao quất cho mấy roi vào xác rồi mới chịu làm, hả!

Khách lạ vẫn ngồi trên ghế, quay lại mụ Tênácđiê mỉm cười có vẻ rụt rè và nói:

- Chà! Thưa bà, cứ để cho cháu nó chơi.

Giá mà câu nói ấy là ở miệng một ông khách đã gọi một khoanh đùi lợn và hai chai rượu vang, mà đừng có cái vẻ kiết xác thì đã là một cái lệnh đấy. Nhưng đằng này, một người đội cái mũ như thế kia lại muốn thế này thế khác, một người mặc cái áo khoác không ra áo khoác như thế kia lại dám yêu cầu này nọ thì mụ Tênácđiê chịu sao nổi. Mụ gay gắt đáp:

- Nó ăn thì nó phải làm chứ. Ai nuôi không nó được?

- Thế cháu nó làm gì đấy ạ.

Giọng khách nói ôn tồn, trái hẳn lại với bộ đồ ăn mày và cái dáng vai u thịt bắp của mình.

Mụ Tênácđiê hạ cố trả lời:

- Đan bít tất đấy, chứ còn làm gì. Đan cho hai con tôi, hai đứa không có bít tất, lúc nãy chả đi chân không đấy thôi.

Khách nhìn xuống đôi chân mẩn đỏ của Côdét, lại hỏi:

- Đôi này, cháu nó đan bao giờ mới xong?

- Nó lại không dây ra ba, bốn ngày nữa à, cái con lười ấy!

- Thế đan xong thì một đôi giá độ bao nhiêu?

Mụ Tênácđiê nhìn khách ra vẻ khinh bỉ:

- Rẻ ra cũng phải ba mươi xu.

- Năm phơrăng bà có bán không?

Một người phu xe nghe chuyện phá lên cười:

- Ái chà! Năm phơrăng đấy à? Bán phứt đi chứ lị! Năm phơrăng kia mà!

Thằng chồng thấy cần phải lên tiếng:

- Thưa ông, vâng. Ông có thích thì nhà cháu để lại hầu ông, năm phơrăng đấy. Nhà hàng chúng cháu bao giờ cũng chiều khách.

Mụ Tênácđiê giở cái giọng ăn chắc và gọn quen thuộc:

- Mua thì trả tiền ngay đây.

- Được, tôi mua đôi tất này.

Khách vừa nói vừa móc túi lấy đồng năm phơrăng, đặt lên bàn:

- Tiền đây.

Rồi quay lại Côdét:

- Giờ thì đôi tất con đan là của ta. Cho con chơi đi.

Người phu xe thấy đồng bạc thích quá, bỏ cả cốc rượu, chạy lại nhìn kỹ rồi reo lên:

- Ồ mà thật này! Cả một cái bánh hậu! Bở thật! Không phải bạc giả đâu.

Mụ Tênácđiê không còn nói vào đâu được. Mụ cắn môi, ra dáng tức tối lắm.

Côdét sợ run lên. Nó đánh liều hỏi:

- Thưa bà, có thật không? Con chơi có được không ạ?

Mụ Tênácđiê gầm lên:

- Thì chơi!

- Cảm ơn bà.

Miệng nó nói cảm ơn Tênácđiê nhưng tấm lòng thơ của nó thì cảm ơn khách.

Thằng Tênácđiê lại ngồi uống rượu. Vợ nó ghé vào tai, khẽ hỏi:

- Ta từng thấy chán nhà triệu phú ăn mặc như thế.

Côdét không đan nữa nhưng chưa kịp chui ra khỏi gầm bàn. Nó vẫn thường ít động đậy. Nó thò tay ra sau lưng lấy ở trong hộp ra mấy mụn giẻ cũ và cái gươm nhỏ bằng chì.

Con Êpônin với con Adenma chẳng để ý đến cái gì cả. Chúng nó vừa làm được một việc trọng đại; chúng nó bắt được con mèo. Chúng vứt búp bê xuống đất, rồi con Êpônin là con chị lấy áo quần, tã lót xanh đỏ quấn cho con mèo con, tha hồ cho nó kêu gào giãy giụa. Nó vừa làm cái công việc quan trọng và khó khăn đó, vừa thủ thỉ với con em; giọng con trẻ nghe êm ái, dễ thương lạ, đẹp như cánh bướm huy hoàng và cũng như cánh bướm vừa định ghì lấy, đã bay mất.

- Em nom mà xem, con búp bê này thích bằng mấy con búp bê kia. Nó biết động đậy, nó biết kêu, người nó lại ấm cơ. Đấy! Em nom mà xem, chúng mình chơi với nó nhé. Giả vờ nó là con gái chị; chị thì vờ làm một bà. Chị đến chơi với em rồi em nhìn nó, rồi em thấy nó có râu, em lạ quá. Rồi thì em lại thấy cái tai nó, rồi lại cái đuôi, em lại lạ quá. Thế rồi em bảo: Trời ơi, kìa! Chị mới bảo em: Thưa bà, vâng, con cháu tôi nó như thế đấy. Bây giờ thì bọn con gái, đứa nào cũng thế cả.

Adenma ngây người ra mà nghe Êpônin nói.

Lúc ấy, bọn khách uống rượu đang hát một bài hát tục tĩu rồi cười vang, làm rung trần nhà. Tênácđiê cũng hát theo để kích thích thêm.

Cũng như giống chim bạ cái gì cũng tha về làm tổ được, bọn trẻ con thì cái gì cũng làm được búp bê. Hai chị em Êpônin và Adenma còn mải quấn cho con mèo thì Côdét cũng quấn cho cái gươm. Quấn xong, nó bế lên tay và khe khẽ ru.

Búp bê là một đòi hỏi bức bách của các em bé gái và đó là biểu hiện đáng yêu của nữ tính ở tuổi trẻ con. Chăm sóc, vá may, trang điểm, thay áo quần, dạy dỗ, mắng mỏ chút ít, ru ẵm, vỗ về, dỗ ngủ, coi một đồ vật là một sinh linh, tương lai của người đàn bà là ở đấy. Em bé gái lúc mơ tưởng líu lo, lúc vá may quần áo hay tã lót nhỏ xíu, lúc may cái áo ngoài, cái yếm, cái áo lót xinh xinh. Cứ vừa làm như thế mà đứa trẻ dần dần trở thành một cô gái nhỏ, cô gái nhỏ thành cô gái lớn, cô gái lớn trở thành thiếu phụ. Đứa con đầu lòng sẽ thay chân con búp bê cuối cùng.

Một đứa bé gái thiếu búp bê thì cũng khổ sở gần như người đàn bà không con và cũng là chuyện vô lý.

Vì thế, Côdét lấy thanh gươm làm con búp bê.

Còn mụ Tênácđiê thì mon men đến gần người áo vàng. Mụ nghĩ thầm:

- Chồng mình nói phải, hay đây là ông chủ ngân hàng Laphit? Có những nhà giàu cứ hay bông phèn như thế.

Mụ đến bên bàn khách, tì tay nói:

- Thưa ông...

Thấy tiếng "ông" khách quay lại. Từ nãy mụ chỉ một giọng gọi khách là "bác" hay "ông già". Giờ thì mụ cố làm ra dáng dịu dàng, nhưng cái dịu dàng của mụ còn khả ố hơn cái nanh ác lúc nãy.

- Thưa ông, ông xem, tôi có cấm đoán nó đâu, nó chơi thì chơi. Có chơi cũng chỉ lần này thôi. Thật nể ông tốt quá. Ông xem, nó trơ thần xác ra, có gì đâu. Nó phải làm chứ!

Khách hỏi:

- Cháu nó không phải là con bà ư?

- Rõ khốn nạn! Thưa ông, tôi đâu có thứ con ấy. Nó là con nhà túng đói, chúng tôi đem về nuôi làm phúc. Nó đần độn lắm cơ. Đầu nó dễ thường chỉ toàn là nước. Ông xem, đầu nó to thế kia mà. Chúng tôi cũng làm hết sức mình vì cháu, nhưng nhà nghèo lắm. Chúng tôi đã gửi thư về quê quán, mà sáu tháng nay chẳng được tin tức gì cả. Chắc là mẹ cháu chết rồi.

- Thế à?

Khách nói xong lại trầm ngâm nghĩ ngợi.

Mụ Tênácđiê nói tiếp:

- Mẹ nó cũng chẳng ra quái gì. Mang con bỏ chợ.

Lúc hai người nói chuyện thì Côdét như có linh tính báo cho nó biết hai người đang nói chuyện nó; nó không rời mắt nhìn mụ Tênácđiê. Nó nghe bập bõm, câu được câu chăng.

Bọn khách đã say mềm vẫn hát mãi cái bài hát thô tục của họ, càng ngày càng ầm ĩ. Đó là một bài hát chúa tục trong đó có nói đến Đức Nữ đồng trinh và ấu chúa Giêsu. Mụ Tênácđiê đã chạy đến chia phần vui nhộn. Côdét vẫn ngồi dưới bàn nhìn đăm đăm ngọn lửa và ngọn lửa thì phản chiếu long lanh trong mắt nó. Nó lại ru nựng cái quấn tã nó vừa làm ra, vừa nựng vừa hát khe khẽ: Mẹ em chết rồi! Mẹ em chết rồi! Mẹ em chết rồi!

Bà chủ hiệu mời mọc mãi, nhà "triệu phú" mới chịu ăn tối.

- Thưa ông, ông dùng gì?

- Bánh mì và pho mát - khách nói.

"Rõ ràng là một tên kiết xác", mụ Tênácđiê nghĩ vậy.

Bọn say vẫn hát bài tục tĩu của chúng. Côdét thì cứ ru bài hát riêng của mình.

Bỗng Côdét im bặt. Nó vừa quay lại và thấy con búp bê của chị em nhà Tênácđiê vứt chỏng dưới đất, gần cái bàn làm bếp, để chơi con mèo. Thế là nó buông thanh gươm quấn giẻ xuống, vì nào có ra búp bê; rồi nó thong thả nhìn quanh phòng một lượt. Mụ Tênácđiê đang mải nói thầm với chồng, tay thì đếm tiền; Êpônin với Adenma bận chơi con mèo; khách thì nào ăn, nào uống, nào hát; không ai nhìn nó cả. Con bé thừa cơ hội, tức khắc ở trong bàn bò ra, nhìn quanh lượt nữa xem có ai rình nó không, rồi nhanh nhẹn trườn ra chỗ con búp bê mà nhặt lấy. Thoáng một cái, nó đã ngồi vào chỗ cũ, không nhúc nhích, quay lưng lại để cho con búp bê vào chỗ bóng tối; nó bế con búp bê trên tay. Nó chẳng mấy khi được chơi búp bê thật nên nó thấy sung sướng hết sức.

Ngoài người khách lạ đang thong thả ăn bữa ăn xoàng kia, không ai trông thấy nó cả.

Con bé vui được đến gần mười lăm phút.

Song mặc dầu Côdét đã hết sức cẩn thận, nó không ngờ một chân con búp bê vẫn thò ra ngoài, ánh lửa rực rỡ trong lò soi vào. Bỗng con Adenma nhìn thấy cái chân hồng hồng và sáng chói ấy thò ra ngoài bóng tối. Nó bảo Êpônin: "Kìa! Chị!" Hai đứa bé ngừng chơi, ngẩn người ra: Con Côdét cả gan lấy búp bê của chúng nó!

Êpônin đứng dậy, tay vẫn ôm con mèo, đến gần mẹ nó, kéo váy. Mẹ nó bảo:

- Yên nào! Cái gì thế?

- Mẹ ơi! Trông kìa!

Miệng nói tay trỏ con Côdét.

Côdét mải mê con búp bê, không nom thấy gì và cũng không nghe thấy gì hết.

Nét mặt mụ Tênácđiê biến sắc! Mụ có cái vẻ đặc biệt của bọn nặc nô, chẳng có gì cũng giơ nanh giẩu mỏ.

Lần này mụ bị bẽ mặt nên càng giận dữ. Côdét không coi ai ra gì hết. Côdét dám phạm đến con búp bê của "các cô chiêu" ấy.

Giả thử một bà hoàng hậu nước Nga mà thấy một tên nông nô dám khoác thử cái băng huân chương nhất đẳng của đông cung hoàng thái tử thì vẻ mặt phẫn nộ cũng chỉ đến thế là cùng.

Mụ thét lên, giọng khản đi vì uất ức:

- Côdét!

Con bé giật nảy mình, tưởng như trời long đất lở. Nó quay lại. Mụ Tênácđiê lại thét:

- Côdét!

Côdét cầm con búp bê khẽ đặt xuống đất, vừa nâng niu quý trọng vừa ngao ngán thất vọng. Mắt nó vẫn nhìn con búp bê, hai tay nó chắp lại; rồi nó vặn tay trông mới thảm chứ, con bé ngần ấy tuổi đầu! Qua bao cơn sợ hãi ngày hôm đó, nào là lặn lội trong rừng, nào là xách thùng nước nặng, nào là đánh mất tiền, nào là cái roi da, nào là những lời độc địa mụ Tênácđiê nói lúc nãy, mà cũng chẳng hề gì, thế mà lúc này nó khóc. Nó khóc nức nở.

Người khách đứng dậy hỏi mụ Tênácđiê:

- Cái gì thế bà?

Mụ Tênácđiê trỏ cái tang vật còn nằm sóng sượt dưới chân con bé.

- Không trông thấy ư?

- Thế thì làm sao?

- Con ăn mày dám sờ vào búp bê của trẻ tôi!

- Chỉ có thế mà cũng ầm lên à? Thế nó chơi búp bê đó thì đã sao?

- Tay bẩn thế kia mà dám mó vào, tay thật là tởm.

Côdét càng nức nở khóc. Mụ quát:

- Cô câm họng ngay không?

Người khách đi thẳng ra phía cửa, mở cửa và ra ngoài.

Thấy khách đi khỏi, mụ Tênácđiê thừa dịp thò chân vào gầm bàn đạp mạnh cho nó một cái, làm nó phải kêu lên mấy tiếng.

Cửa lại mở, người khách trở về, hai tay ôm con búp bê kỳ diệu đã nói ở trên, con búp bê mà tất cả trẻ con trong làng ngắm nghía từ sáng. Người ấy đặt con búp bê đứng ngay trước mặt Côdét nói:

- Này, của con đây.

Chắc là người ấy lúc ngồi nghĩ vẩn vơ có đến hơn một tiếng đồng hồ cũng thoáng thấy cửa hàng bán đồ chơi rực rỡ những đèn nến, trông qua cửa kính hàng ăn như một ánh sáng thần tiên.

Côdét nhìn lên, thấy người ấy mang búp bê đi về phía mình thì nó tưởng như thấy mặt trời tiến đến; rồi nó nghe thấy câu nói lạ lùng: của con đây; nó liền chậm chậm lùi lại, lùi vào tận chỗ cuối bàn, nơi xó tường mà núp.

Nó không khóc nữa, nó không kêu nữa, nó như không dám thở nữa.

Mụ Tênácđiê, Êpônin, Adenma sừng sững như ba pho tượng. Bọn khách cũng phải ngừng cả lại. Trong quán tự nhiên im lặng, trang nghiêm.

Mụ Tênácđiê đứng trơ như phỗng và ngậm câm: mụ lại băn khoăn. Cái lão già này là người thế nào? Một kẻ nghèo? Hay là một nhà triệu phú? Có lẽ cả hai, tức là một thằng kẻ cướp.

Mặt thằng chồng nhăn nhíu lại. Cái nhăn đó phản ánh rõ dục vọng bên trong, đó là cái nhăn trên mặt người khi bản năng thú tính nổi dậy thôi thúc. Tên chủ quán hết ngắm con búp bê lại ngắm người khách; nó đánh hơi ông ta như một túi bạc. Như thế chỉ thoáng qua như một tia chớp. Rồi nó đến gần vợ thầm thì:

- Cái này rẻ cũng phải ba mươi quan. Đừng có dại dột nhé. Hãy quỳ mọp trước mặt hắn.

Những kẻ vũ phu cũng giống như những người thơ ngây, thường hay thay đổi đột ngột. Mụ Tênácđiê cố lấy cái giọng ngọt ngào - ngọt mà chua như dấm của bọn đàn bà cay nghiệt - bảo Côdét:

- Kìa, Côdét, ông cho, sao con không cầm lấy?

Côdét khiếp sợ nhìn con búp bê kỳ lạ. Mặt nó còn ròng ròng nước mắt, nhưng hai con mắt đã ngời lên những tia sáng lạ lùng vì sung sướng, tựa như bầu trời lúc bình minh. Lúc ấy nó có cảm tưởng như có người đột nhiên bảo nó: "Cô bé, cô là hoàng hậu nước Pháp".

Nó tưởng như nó mà mó vào con búp bê thì sấm sét sẽ nổ ra. Cái đó cũng có phần đúng, vì nó nghĩ mụ Tênácđiê sẽ mắng nó, - rồi đánh nó.

Song nó ham thích quá, nó liền sán đến gần rồi quay lại mụ Tênácđiê, rụt rè khẽ hỏi:

- Thưa bà, con xin, có được không ạ?

Không có chữ nào tả được cái vẻ vừa liều lĩnh, vừa khiếp sợ, vừa hân hoan ấy. Mụ Tênácđiê nói sõng:

- Được chứ! Của mày đấy. Ông cho mày mà lị.

- Thưa ông, có thật không? Có thật "bà lớn" này là của con không?

Khách như muốn ứa nước mắt. Khách cảm động quá, không nói vì sợ tiếng nói sẽ bật thành tiếng khóc. Khách nhìn Côdét gật đầu rồi cầm tay búp bê đặt vào tay Côdét.

Côdét vội rụt ngay tay lại như nó phải lửa và cúi gằm mặt xuống đất. Phải nói thêm rằng lúc ấy nó thè lưỡi dài ra. Rồi nó quay phắt lại, ôm chầm lấy con búp bê. Nó nói:

- Cháu đặt tên nó là Catơrin.

Cái lúc quần áo tả tơi của Côdét chạm vào và quấn quít với những dải là áo lượt màu hồng của con búp bê, thật là giây phút lạ lùng. Nó hỏi:

- Thưa bà, con đặt nó lên ghế có được không?

- Được, con ạ.

Giờ thì lại đến lượt Êpônin và Adenma đứng nhìn Côdét mà thèm.

Côdét đặt búp bê lên ghế rồi ngồi bệt xuống đất ngay trước mặt, ngồi yên, không nói không rằng trông dáng điệu chiêm ngưỡng. Khách lạ bảo nó:

- Côdét, con chơi đi.

- Ồ! Con chơi chứ.

Cái người lạ mặt ấy hình như Trời sai xuống để thăm Côdét thì mụ Tênácđiê lại căm ghét nhất thiên hạ. Nhưng phải nén giận. Mặc dầu lâu nay mụ đã quen nhất cử nhất động đều học hỏi chồng, không bao giờ để lộ nỗi vui giận, lúc này mụ không sao nhịn được tức. Mụ vội cho hai con đi ngủ, mụ lại xin phép người áo vàng cho Côdét cũng được đi ngủ; mụ nói thêm, ra vẻ thương yêu nó lắm: "Hôm nay cháu nó chả mệt". Côdét hai tay ôm búp bê đi ngủ.

Chốc chốc, mụ lại đến chỗ cuối phòng là nơi chồng ngồi để "khai uất". Mụ thì thào với chồng: nhưng càng không dám nói to, giọng lại càng hằn học:

- Cái con khỉ già! Không biết bụng dạ nó nghĩ thế nào! Đến mà làm rầy người ta! Nó lại muốn cho con quỷ con chơi! Lại cho nó cả búp bê nữa! Con búp bê những bốn mươi phơrăng, lại đem cho cái con chó ghẻ có bán xác đi cũng chỉ được bốn mươi xu. Không khéo lại đến nước lão ta "bẩm công nương" với nó như bẩm với Beri quận chúa chắc! Không biết nó có tỉnh táo không. Cái thằng già bí mật này, dễ nó hóa rồ!

Thằng chồng cự lại:

- Sao lại rồ! Có gì là lạ. Người ta thích thế thì sao! Mẹ mày thì mẹ mày thích bắt con bé phải làm, người ta thì người ta thích cho con bé chơi. Người ta có quyền của người ta. Khách trọ muốn làm gì thì làm, miễn là trả tiền. Lão ấy là kẻ hay thương người thì bận gì đến mẹ mày? Còn như lão ta gàn dở thì cũng chẳng can gì đến mẹ mày. Người ta có tiền thì mặc người ta, việc gì mà cứ nói mãi?

Trước cái giọng dứt khoát của ông chủ và cái lý lẽ chủ quán ấy, cũng hết ngõ trả lời.

Người khách lạ chống tay xuống bàn, ngồi trầm ngâm. Bọn lái buôn và bọn phu xe lảng dần, thôi không hát nữa. Họ ngồi xa mà nhìn ông ta, ra vẻ kính sợ. Người ta ăn mặc tồi tàn thế mà không coi tiền bạc vào đâu, lại vứt tiền ra mà mua những con búp bê to tướng cho những đứa trẻ bẩn thỉu, rách rưới, chắc phải là bậc phú quý, có quyền thế lắm.

Mấy tiếng đồng hồ trôi qua. Lễ nửa đêm đã xong, tiệc đêm Giáng sinh đã tàn, khách khứa cũng đã ra về; cửa hàng ăn đã đóng; cái gian phòng dưới vắng ngắt, đèn lửa đã tắt. Người khách lạ vẫn ở nguyên chỗ cũ, vẫn dáng ngồi như trước. Thỉnh thoảng mới đổi khuỷu tay chống nhẹ. Chỉ có thế. Từ lúc Côdét đi khỏi, khách không hề nói một lời.

Chỉ còn hai vợ chồng Tênácđiê ở lại trong phòng, vì lễ nghĩa cũng có, vì tò mò cũng có. Mụ vợ càu nhàu: "Dễ thường cứ ngồi thế suốt đêm chắc". Lúc chuông đồng hồ đánh hai giờ sáng, mụ đành chịu thua, bảo chồng: "Tôi đi ngủ đây, mặc mình làm gì người ta thì làm". Thằng chồng đến ngồi ở cái bàn nơi xó buồng, thắp một cây nến rồi giở tờ Tin tức nước Pháp ra đọc.

Một tiếng đồng hồ nữa trôi qua. Ông chủ quán đáng kính ấy ít nhất cũng đã đọc tờ Tin tức nước Pháp đến ba lần, từ chỗ đề ngày tháng đến tên nhà in. Khách vẫn không nhúc nhích.

Tênácđiê cựa mình, ho, khạc, sĩ mũi, khua bàn ghế. Khách vẫn yên như không. Tênácđiê nghĩ thầm: "Hay là ngủ rồi". Khách không ngủ, nhưng không tài nào đánh thức được.

Sau cùng, Tênácđiê bỏ mũ, khẽ lại gần khách, đánh liều hỏi:

- Thưa ngài, ngài chưa đi nghỉ?

Nói là chưa đi ngủ sợ hơi nặng và suồng sã. Đi nghỉ nghe lịch sự và kính trọng hơn. Những tiếng ấy sáng hôm sau có tác dụng huyền diệu là thổi phồng to những con số trên đơn tính tiền. Một cái buồng cho khách ngủ, chỉ trả hai mươi xu; một cái buồng cho khách nghỉ thì phải trả hai mươi phơrăng.

Khách đáp:

- Ừ nhỉ! Ông nói phải. Chuồng ngựa đi đằng nào?

Tênácđiê mỉm cười:

- Thưa ngài, để tôi đưa ngài.

Nó cầm một cây nến, khách lấy khăn gói và cái gậy. Tênácđiê dẫn khách vào một cái phòng ở trên gác, rất lộng lẫy, đồ đạc toàn bằng gụ, có giường khung buông màn điều.

Khách hỏi:

- Sao lại thế này?

- Đây là buồng cưới của vợ chồng nhà cháu ngày xưa. Bây giờ chúng tôi ở phòng khách một năm chỉ vào phòng này ba, bốn lần.

Khách nói sẵng:

- Tôi thì chuồng ngựa cũng thế thôi.

Tênácđiê vờ như không nghe thấy câu nói khiếm nhã ấy!

Nó thắp hai cây nến còn mới tinh lên lò sưởi. Trong lò, lửa cháy khá đượm.

Trên lò sưởi, có một cái khăn trùm phụ nữ dệt bằng chỉ bạc kết hoa cam đặt dưới một cái bình.

Khách hỏi:

- Còn cái này là cái gì?

- Thưa ngài, cái khăn cưới của mẹ cháu.

Khách nhìn vật đó như có ý bảo: hóa ra con quỷ cái ấy cũng có lúc là gái đồng trinh kia đấy.

Tênácđiê nói láo: khi nó thuê cái nhà này để mở hàng ăn thì đã có sẵn y nguyên cái phòng và những đồ đạc này rồi, nó mua lại đồ đạc ấy và đổi chác ở đâu được cái khăn hoa cam, cho người ta tưởng rằng trước đây vợ nó cũng có cái vẻ mỹ miều và nhà ta có vẻ lịch sự một tí.

Lúc khách quay lại thì chủ quán đã biến mất. Tênácđiê khéo lủi ra ngoài lúc nào; nó không dám cáo từ, sợ nếu tỏ ra quá thân thì thất lễ với kẻ mà nó định bụng sáng hôm sau sẽ thẳng tay cắt cổ.

Chủ quán về phòng riêng. Mụ vợ đã đi nằm nhưng chưa ngủ. Nghe tiếng chân chồng vào, mụ quay lại bảo:

- Mình ạ, mai tôi tống con Côdét ra khỏi cửa.

Tênácđiê nhạt nhẽo đáp:

- Mình hăng nhỉ!

Hai vợ chồng không nói gì nữa, mấy phút sau thì tắt đèn.

Về phần khách, khách cất gậy và khăn gói vào một xó.

Lúc chủ quán đã ra ngoài, khách mới ngồi xuống cái ghế bành và nghĩ ngợi một lúc. Rồi khách tháo giầy, cầm một cây nến, còn cây kia thì tắt đi, rồi đẩy cửa ra ngoài, khách nhìn quanh như người tìm cái gì. Ông ta đi qua hành lang, đến đầu cầu thang. Đến đây, nghe thấy tiếng thở rất khẽ, như tiếng trẻ con thở. Lần theo tiếng thở ấy mà đến một cái hốc góc thụt vào dưới cầu thang; chỗ ấy chính là cái gầm cầu thang. Nhìn vào thấy ngổn ngang những sọt cũ, chai lọ vỡ, bụi bặm và mạng nhện chăng đầy; ở giữa có một cái giường. Gọi là giường nhưng thật ra chỉ là một cái ổ rơm cũ thủng lòi cả rơm ra ngoài, lại có cả một cái chăn rách giơ cả lõi. Làm gì có khăn trải. Ổ rơm đặt ngay trên mặt đất. Giường ấy là giường của Côdét.

Khách đến gần nhìn con bé.

Côdét ngủ say. Nó để nguyên cả quần áo mà ngủ. Mùa rét, nó không dám cởi bớt áo, sợ lạnh.

Nó ôm chặt lấy con búp bê; hai mắt búp bê mở to, lóng lánh trong đêm tối. Chốc chốc nó lại thở dài như sắp tỉnh dậy rồi lại ôm ghì lấy con búp bê. Bên cạnh giường chỉ có một chiếc guốc.

Bên kia cái cửa cạnh giường Côdét là một cái buồng khá rộng tối om. Khách vào xem. Qua lần cửa kính, khách thấy ở cuối buồng hai cái giường nhỏ trắng tinh kê song song. Giường ấy là giường Adenma và Êpônin. Phía sau, có một cái nôi bằng mây không có màn: chính thằng bé kêu khóc suốt lúc tối ngủ đấy.

Khách đoán là buồng này thông sang buồng của vợ chồng Tênácđiê. Vừa định quay ra thì chợt thấy cái lò sưởi; một thứ lò sưởi nơi quán trọ vừa to vừa rộng lúc nào cũng có một ngọn lửa heo hắt về mùa đông, trông chỉ thấy lạnh. Nhưng lò này lại không thấy đốt lửa, tro tàn cũng không. Khách chú ý nhìn hình như có vật gì; thì ra hai chiếc giày trẻ con rất xinh, chiếc to chiếc nhỏ. Ông nhớ ra cái tục đáng mến lưu lại từ xưa là cứ ngày lễ Giáng sinh đến thì trẻ con lại để giày vào lò sưởi để chờ nàng tiên đêm đến sẽ cho một món quà sáng chói. Êpônin và Adenma không quên tục ấy, nên mỗi đứa đã đem một chiếc giày để trong lò sưởi.

Khách cúi xuống nhìn.

Nàng tiên, tức là người mẹ, đã qua thăm rồi, nên trong mỗi chiếc giày thấy một đồng mười xu lấp lánh.

Khách đứng dậy toan ra thì lại thấy ở phía trong, chỗ xó tối nhất trong lò, còn một vật gì. Nhìn kỹ thì ra một chiếc guốc, một chiếc guốc bằng gỗ xấu đã mòn vẹt cả, nhơ nhớp những tro cùng bùn đóng khô lại. Guốc ấy là guốc của Côdét. Thì ra mặc dù luôn luôn bị đánh lừa, lòng trẻ con vẫn luôn luôn tin tưởng, nên Côdét cũng để chiếc guốc của mình trong lò sưởi.

Thấy một đứa bé chỉ gặp điều thất vọng mà còn biết hy vọng thì thật phấn khởi và thú vị.

Guốc chẳng có gì.

Khách lục túi áo gi-lê, cúi xuống để vào guốc của Côdét một đồng lui vàng.

Rồi ông rón rén trở về buồng mình.

IX

TÊNÁCĐIÊ GIỞ THỦ ĐOẠN

Sáng hôm sau, còn đến ít ra là hai giờ đồng hồ nữa mới sáng rõ, đã thấy Tênácđiê ngồi ở bàn nơi phòng thấp dưới cửa hàng, bên ngọn nến, tay cầm bút; nó đang sáng chế cái đơn tiền trọ của ông khách áo vàng. Mụ vợ đứng cạnh khom khom cúi xuống nhìn chồng viết. Hai vợ chồng không nói với nhau một lời. Một đằng thì suy nghĩ trầm ngâm, một đằng thì chiêm ngưỡng một kỳ công của tài trí con người đang hình thành và ra ánh sáng. Trong nhà có tiếng động; Côdét đang quét cầu thang.

Sau mười lăm phút và mấy lần gạch xóa, Tênácđiê hoàn thành kiệt tác sau đây:

Đơn kê tiền trọ của ông khách buồng số 1:

Bữa ăn tối 3 phơrăng

Tiền buồng 10

Nến 5

Tiền củi sưởi 4

Hầu hạ 1

Cộng 23 phơrăng

Trong đơn, có nhiều lỗi chính tả.

Mụ vợ thấy thế thích chí reo lên, tuy còn ngài ngại:

- Hai mươi ba phơrăng!

Thằng chồng vẫn chưa được vừa ý, cũng như các bậc nghệ sĩ đại tài vậy. Nó "phừ" một tiếng.

Ấy, lúc ông Cátxtơnrít kê khoản đài thọ của nước Pháp ở hội nghị Viên,[98] ông cũng "phừ" như vậy.

[98] Hội nghị Viên, 1814-1815, sau cuộc bại trận của Napôlêông; Hội nghị này bắt nước Pháp phải bồi thường cho các nước liên minh.

Mụ vợ nghĩ đến con búp bê ông khách cho Côdét trước mặt hai đứa con gái mình. Mụ khẽ nói:

- Mình ạ, mình tính phải đấy, trả thế là phải. Đúng thì đúng nhưng sợ hơi nhiều. Chỉ sợ nó không chịu trả.

Tênácđiê lạnh lùng cười:

- Nó trả thôi!

Cái cười ấy là cái cười của kẻ cả, có uy thế tuyệt đối. Nó có ý nghĩa: cứ yên trí, đã nói sao thì được vậy. Mụ vợ không bàn thêm. Mụ đi thu dọn lại bàn ghế. Thằng chồng đi đi lại lại trong phòng. Một lát sau nó nói:

- Tao còn nợ một món nghìn rưỡi phơrăng kia mà.

Nó đến bên lò sưởi ngồi xuống, chân gác trên đống tro còn ấm, dáng nghĩ ngợi. Mụ vợ lại nói:

- À này, hôm nay là tôi tống cổ con Côdét đi đấy nhé. Con ôn! Nghĩ đến con búp bê là tôi lộn cả ruột. Thà rằng lấy vua Lui XVIII[99] còn hơn là phải chứa thêm nó một ngày trong nhà.

[99] Vua Lui XVIII béo, xấu, không được lòng dân.

Tênácđiê châm ống điếu hút, rồi phì cười mà bảo vợ:

- Chốc đưa cái giấy này cho người ta.

Xong, hắn đi ra.

Hắn vừa ra khỏi thì người khách bước vào.

Tênácđiê lập tức quay trở vào, theo sau lưng khách đứng yên chỗ ngoài cửa hé mở, chỉ có mụ vợ là trông thấy.

Người mặc áo vàng tay xách gậy và khăn gói. Mụ Tênácđiê nói:

- Ngài dậy sớm thế ạ? Ngài định đi ngay, không để chúng tôi hầu hạ nữa sao?

Vừa nói mụ vừa lúng túng mân mê cái đơn trả tiền, ngón tay gấp gấp tờ giấy. Nét mặt đanh đá của mụ có một vẻ khác thường, nửa như rụt rè, nửa như băn khoăn.

Hình như mụ thấy đưa một cái đơn tiền trọ như vậy cho một người có vẻ "kiết xác" thế kia, thì cũng khó chịu.

Khách hình như lơ đãng, óc còn bận nghĩ ngợi điều gì. Khách đáp:

- Thưa bà vâng, tôi đi bây giờ.

- Thế ngài không có việc gì ở Môngphécmây ạ?

- Không. Tôi chỉ qua đây. Thế thôi. Thưa bà, tôi phải trả bao nhiêu nhỉ?

Mụ Tênácđiê chìa tờ giấy ra, không nói gì.

Người kia mở giấy nhìn qua, tâm trí còn để tận đâu đâu.

- Thưa bà, nhà ta mở hàng ở đây có khá không?

Mụ Tênácđiê kinh ngạc thấy không bùng nổ ra chuyện gì cả, mụ đáp:

- Cũng nhì nhằng thôi ạ.

Rồi mụ đổi giọng nỉ non than vãn:

- Thưa ngài, thời buổi khó khăn quá! Vùng này lại ít nhà có của. Ngài xem, toàng hạng xuềnh xoàng cả. Giá một đôi khi không được những vị khách hào phóng, dư dật như ngài thì cũng... chúng tôi lại lắm gánh nặng. Đấy, như cái con bé ấy, thật đến róc tủy róc xương với nó.

- Con bé nào?

- Kìa, cái con ấy, con Côdét ấy ạ, con Sơn ca ấy mà, vùng này cứ quen gọi nó là con Sơn ca.

- À, à!

Mụ lại tiếp:

- Người nhà quê kể ngốc thật, không biết sao lại đặt nó là Sơn ca; trông nó như con dơi thì có. Thưa ngài, chúng tôi chẳng muốn ăn xin ai, nhưng chẳng có của đâu mà làm phúc cho ai được. Lời lãi chẳng có gì, mà đóng góp thì vô số. Nào môn bài, nào thuế nọ, thuế kia, thuế cửa lớn, thuế cửa sổ, thuế phụ thu. Chắc ngài cũng thừa biết nhà nước đang thu tiền khiếp lắm. Chúng tôi lại còn con cái nữa chứ. Hoài công mà nuôi con người.

Khách cố lấy giọng tự nhiên, nhưng vẫn có vẻ cảm động:

- Thế ngộ có ai rước nó đi thì bà nghĩ sao?

- Rước ai? Con Côdét ấy à?

- Vâng.

Cái mặt đỏ gay dữ tợn của mụ chủ quán bỗng rạng hẳn lên, trông ghê tởm:

- Trời ơi, thưa ngài, ngài phúc đức quá! Ngài vào mà nhận nó đi, ngài giữ lấy nó, dắt nó đi, mang nó theo, đem nó đi mà nâng niu, mà chiều chuộng nó. Đức mẹ Đồng trinh và thần thánh trên thiên đường phù hộ cho ngài!

- Được rồi.

- Thật ư? Ngài đem nó đi thật ư?

- Tôi đem nó đi.

- Đem ngay?

- Ngay bây giờ. Bà gọi con bé ra đây.

Mụ Tênácđiê gọi:

- Côdét!

- Bây giờ tôi hãy trả tiền bà đã. Hết bao nhiêu nhỉ!

Khách liếc qua tờ giấy, không khỏi lộ vẻ ngạc nhiên:

- Hai mươi ba phơrăng!

Ông ta nhìn mụ chủ quán, nhắc lại:

- Hai mươi ba phơrăng kia à?

Cùng một câu nói, nhưng câu trước thì tỏ vẻ ngạc nhiên, câu sau là một câu hỏi.

Mụ Tênácđiê đã có thời gian chuẩn bị đối phó. Mụ trả lời chắc nịch:

- Thưa ngài, vâng, đúng hai mươi ba phơrăng.

Khách đặt năm đồng năm phơrăng xuống bàn, nói:

- Tìm con bé cho tôi.

Vừa lúc ấy, Tênácđiê tiến vào giữa phòng, bảo:

- Thưa ngài, ngài chỉ phải trả hai mươi sáu xu thôi.

Mụ vợ kêu lên:

- Sao lại hai mươi sáu xu!

Tênácđiê lạnh lùng đáp:

- Tiền buồng hai mươi xu, bữa ăn tối sáu xu. Còn chuyện con bé thì tôi cần thưa với ông đây vài lời. Mình để mặc ông với tôi.

Mụ Tênácđiê lóa mắt vì thiên tài đã xuất hiện. Mụ biết là người diễn viên ưu tú đang lên sân khấu. Mụ đi ra, không cãi nửa lời.

Còn lại hai người, Tênácđiê đưa ghế mời khách ngồi. Khách ngồi xuống, còn nó, nó vẫn đứng, bộ mặt làm ra vẻ hiền lành, ngay thật. Nó nói:

- Thưa ngài, để tôi xin thưa chuyện. Tôi thì tôi quý con bé ấy lắm.

Khách nhìn nó chằm chằm:

- Con bé nào kia?

Nó vẫn nói:

- Cũng lạ thật. Hai bố con mến nhau đáo để. Tiền gì thế này? Ngài cất những đồng năm phơrăng này đi. Con bé, tôi quý nó lắm.

Khách lại hỏi:

- Ai cơ chứ?

- Kìa, con bé cháu Côdét ấy mà! Ngài chả định đem nó đi là gì? Đây, tôi xin nói thật. Ngài là người đứng đắn thế nào thì tôi nói cũng thật như thế; tôi không thuận để cho nó đi. Thiếu nó tôi không chịu được, tôi nuôi nó từ tấm bé. Đành rằng nuôi nó thì tốn kém thật. Đành rằng nó lắm tật xấu, đành rằng chúng tôi chẳng dư dật gì, đành rằng nó chỉ ốm một trận cũng đủ thuốc thang đến bốn trăm phơrăng. Nhưng ăn ở cũng phải cho phúc đức. Nó bồ côi, bồ cút, tôi đã nuôi nó. Tôi còn đủ cơm nuôi miệng tôi, nuôi miệng nó. Thật thế, tôi mến nó lắm. Ngài hiểu cho, bấy nhiêu lâu làm gì không quyến luyến nhau. Tôi quê mùa cứ nói thật, không lý luận gì cả. Con bé ấy, tôi quý nó lắm. Vợ tôi phải cái nóng nảy nhưng cũng thương cháu lắm. Ngài xem đấy hai vợ chồng chúng tôi coi cháu như con đẻ. Có nó thì vui cửa vui nhà.

Khách vẫn nhìn nó chằm chằm. Nó lại tiếp:

- Ngài thứ lỗi, nói thế này thì cũng có phần không phải. Ai lại đem con mà cho khách qua đường như thế. Nói thế có phải không ạ? Nhưng nghĩ lại, ngài thì giàu có, lại ra người phúc hậu, thôi cũng là hạnh phúc của cháu, có phải không ạ? Nhưng phải xem thế nào. Giả dụ tôi hy sinh mà cho cháu theo ngài, thì tôi cũng phải biết là cháu đi đâu chứ, tôi không thể để cho cháu biệt tăm biệt tích; tôi còn muốn biết cháu nó ở nhà ai để thỉnh thoảng còn đi lại thăm nom; cháu cũng cần biết bố nuôi cháu vẫn ở đây, lúc nào cũng chú ý đến cháu. Tóm lại không thể như thế được ạ. Ngay quý danh, tôi cũng chưa tường. Ngài mang nó đi rồi, tôi chỉ còn biết kêu: Con ơi, Sơn ca ơi, con đi đâu rồi? Ít ra cũng phải xem một mẩu giấy tờ lăng nhăng gì, một mẩu giấy thông hành chẳng hạn!

Khách vẫn giương mắt nhìn, cái nhìn như thấy suốt tận tâm can nó, rồi trả lời, giọng nghiêm nghị và dõng dạc:

- Ông Tênácđiê ạ, từ Pari đến đây có năm dặm, thì ai mà lấy giấy thông hành. Tôi có đem con Côdét đi là tôi cứ đem, thế thôi. Ông không được biết tên tôi, ông không được biết nơi tôi ở, ông không được biết nó sẽ ở đâu và ý tôi thì tôi muốn từ nay, suốt đời nó, nó sẽ đi khỏi cái nhà này. Ông có ưng thế không? Ưng hay không thì ông nói.

Ma quỷ, thần thánh chỉ cần thấy một vài dấu hiệu là nhận ngay ra được một bậc thượng đẳng thần; Tênácđiê cũng vậy, nó biết ngay là gặp một tay ghê gớm. Giống như một thứ trực giác vậy; vốn nó tinh nhạy, sắc sảo nên nó hiểu ngay. Hôm trước, lúc ngồi uống rượu với bọn phu xe, lúc hút thuốc, lúc hát nhảm nhí, nó không rời mắt nhìn người khách lạ suốt một buổi tối, rình người kia như mèo rình, nghiên cứu người kia như một nhà toán học. Nó vừa rình như thế vì quyền lợi riêng, vì nó ham thích như vậy và bản năng nó như vậy; nó vừa dò xét tuồng như được ăn tiền để mà dò xét. Nó không bỏ qua một cử chỉ, một dáng điệu nào của người khách mặc áo vàng. Ngay trước khi khách tỏ vẻ rõ rệt là đặc biệt chú ý đến con Côdét, nó đã đoán biết rồi. Nhiều lần nó bắt gặp con mắt sâu sắc của ông già nhìn con bé. Sao lại có cái cảm tình đặc biệt như vậy? Người này là ai? Tại sao trong bọc lắm của như vậy, lại ăn mặc bẩn thỉu thế kia? Biết bao nhiêu câu hỏi nó tự đặt ra, mà không tài nào trả lời được, nó càng thêm tức tối. Nó nghĩ ngợi suốt đêm. Tất không phải là bố con Côdét. Hay là ông nội, ông ngoại? Thế thì sao không xưng ra ngay có được không? Bao giờ người ta có quyền thì người ta cũng nói ngay chứ. Hẳn là người này không có quyền gì về con Côdét cả. Thế thì nó là ai? Tênácđiê nghĩ mãi đâm quẩn. Càng đoán càng mờ mịt. Mặc dù vậy, lúc mới nói câu chuyện, nó biết chắc là có sự gì bí ẩn, mà biết chắc là người kia muốn giữ kín tiếng, nó thấy nó ở thế mạnh. Nhưng nghe câu trả lời dứt khoát, cứng cỏi của khách, nó thấy người khách này bí mật chỉ là vì bí mật, thế thôi, lúc ấy, nó lại thấy nó ở thế yếu. Nó không ngờ câu chuyện lại xoay ra thế. Bao nhiêu điều ước đoán đều vứt đi cả. Nó bèn tập trung ý nghĩ lại. Nó cân nhắc chỉ trong nháy mắt. Tênácđiê là đứa chỉ cần liếc mắt đã nhận định được tình thế. Nó biết lúc này cần đi thẳng vào vấn đề và quyết định ngay. Cũng như những vị danh tướng cầm quân biết giờ phút nào quyết định vận mệnh của trận đánh. Tênácđiê liền nổ súng. Nó nói:

- Thưa ngài, phải đúng nghìn rưởi quan.

Khách móc cái túi bên, lấy ra một chiếc ví da đen đã cũ, mở ví rút ra ba tờ giấy bạc đặt lên bàn. Khách lấy ngón tay cái chặn lên mấy tờ giấy bạc, bảo tên chủ quán:

- Cho gọi con Côdét ra đây.

Lúc ấy, Côdét làm gì?

Côdét vừa dậy đã vội chạy ra tìm chiếc guốc. Nó thấy có đồng tiền vàng. Đây không phải là đồng vàng Napôlêông. Đây là một đồng vàng hai mươi phơrăng mới toanh, thời quân chủ phục hưng mà trên mặt khắc nổi một hình khác đã thay hình vòng nguyệt quế. Con bé hoa cả mắt. Nó như bắt đầu say sưa với thời vận. Nó chưa hề biết đồng tiền vàng ra thế nào, có bao giờ nó thấy đâu. Nó vội vàng giấu ngay vào túi như vừa đánh cắp ở đâu vậy. Song, nó cảm thấy đồng tiền này là của nó, nó đoán biết ai đã cho nó. Tuy nhiên nó mừng mà vẫn sợ. Nó sung sướng lắm. Nhưng nó kinh ngạc nhiều hơn.

Nó không dám tin là những cái tươi đẹp như thế lại có thật được. Thấy con búp bê, nó sợ: thấy đồng tiền vàng, nó cũng sợ. Thấy những vật mỹ lệ như thế, bụng nó run run thấp thỏm. Duy có ông khách là nó không sợ. Trái lại, nó thấy vững tâm. Từ tối hôm qua, qua bao chuyện lạ lùng, rồi cả trong giấc ngủ, lúc nào hình ảnh người kia cũng vẩn vơ trong khối óc bé nhỏ của nó; người ấy ra vẻ già nua, nghèo khổ, rầu rĩ, thế mà nhiều tiền, nhân đức đến thế. Từ lúc gặp ông già ấy ở trong rừng, nó thấy cuộc đời nó như biến đổi.

Côdét không được như con chim én bé nhỏ trên trời, nó chưa hề biết cái hạnh phúc được ẩn nấp dưới bóng mẹ, được ủ trong cánh mẹ. Từ năm năm nay, nghĩa là từ ngày nó bắt đầu nhớ được, khốn nạn, con bé chỉ rặt một màu những run cùng sợ. Đời nó như thể trần trụi trong cơn gió bấc cắt da của cảnh khổ ải; bây giờ thì nó như được tấm áo che thân. Xưa, tâm hồn nó giá lạnh, bây giờ, tâm hồn nó ấm áp. Nó không khiếp sợ mụ Tênácđiê như trước nữa. Nó không cô độc nữa; đã có ai ở bên mình.

Hôm ấy, vừa thức dậy nó đã tất tả làm mọi việc như mọi sáng. Đồng tiền vàng nằm trong cái túi áo tối hôm qua có đồng hào mười lăm xu rơi ra. Đồng vàng ấy đã cho nó nhiều phút lý thú. Nó không dám mó tới, nhưng cứ chốc chốc nó lại ngắm nghía, lưỡi thì cứ thè dài. Nó quét cầu thang, thỉnh thoảng lại ngừng tay, ngây người nhìn ngôi sao lấp lánh trong đáy túi, quên cả chổi và vũ trụ bên ngoài.

Đương lúc nó mải mê ngắm đồng tiền thì mụ Tênácđiê chợt vào. Có điều lạ lùng là mụ không phát nó cái nào mà cũng không chửi. Mụ lại có vẻ ngọt ngào bảo:

- Côdét, ra ngay đây nhé.

Một lát sau, Côdét ra cái phòng thấp bên ngoài.

Người khách cầm cái gói mở ra. Trong gói có một cái áo len dài trẻ con, một cái tạp dề, một cái áo vải bông, một cái váy, một cái khăn quàng, một đôi tất len, một đôi giày, đủ một bộ phận áo con gái lên tám. Toàn quần áo đen cả. Khách bảo con bé:

- Con mang quần áo này vào trong nhà mặc nhanh lên.

Lúc trời sáng rõ, các nhà ở Môngphécmây mở cửa sớm đều trông thấy ở phố Pari một ông già ăn mặc tồi tàn dắt một đứa bé gái mặc toàn đồ tang, tay ôm một con búp bê to màu hồng. Hai ông cháu đi về phía Livơry.

Hai người ấy là người khách trọ và Côdét.

Không ai quen biết người ấy cả; mà con Côdét không ăn mặc rách rưới nữa, nên nhiều người không nhận được nó.

Côdét ra đi. Với ai? Nó không biết! Đi đâu? Nó cũng chẳng hay. Chỉ biết một điều là nó đã thoát khỏi cái hàng ăn nhà Tênácđiê. Chẳng ai hơi đâu mà từ biệt nó mà nó cũng chẳng thiết từ biệt ai. Nó bước ra đi, rời khỏi cái nhà nó thù oán và cũng oán thù nó.

Đứa trẻ nhỏ đáng thương, lòng vẫn bị dồn ép từ trước tới giờ.

Nó đi nghiêm chỉnh lắm, hai mắt mở to nhìn trời. Nó đã bỏ đồng tiền vàng vào túi chiếc tạp dề mới. Thỉnh thoảng nó cúi nhìn đồng tiền rồi lại ngẩng nhìn ông già. Nó tưởng như nó ở bên cạnh Chúa Trời phúc hậu.

X

THAM THÌ THÂM

Mụ Tênácđiê vẫn theo thường lệ để mặc chồng giải quyết mọi việc. Mụ hy vọng sẽ có những biến cố lớn lao. Lúc người khách với Côdét đi khỏi, Tênácđiê ngồi yên đến mười lăm phút không nói gì, rồi mới gọi vợ ra một chỗ và chìa cho xem số tiền nghìn rưỡi phơrăng. Mụ bảo:

- Có thế thôi à?

Từ thuở lấy nhau, lần này là lần đầu mụ dám chê ông gia trưởng.

Quả là có hiệu lực. Thằng chồng nói:

- Ừ, mình nói phải. Thật ngốc quá. Đưa mũ đây...

Nó gấp ba tờ giấy bạc lại, nhét vào túi rồi vội vàng chạy đi. Nhưng lại đi lầm đường; thoạt đầu nó rẽ tay phải. Sau, hỏi thăm mấy người hàng phố mới biết con Sơn ca và người kia đi về phía Livơry. Nó theo lối ấy, vừa rảo cẳng vừa nói một mình:

- Người ấy chắc phải là một tay triệu phú, giả khoác cái áo vàng còn mình thì như một con lợn. Lúc đầu bỏ ra hai mươi xu, sau năm phơrăng, rồi năm mươi phơrăng, rồi đến nghìn rưởi mà lúc nào cũng dễ như bỡn. Nó có thể trả đến vạn rưởi phơrăng cũng nên. Nhưng thế nào cũng đuổi kịp.

Lại còn cái gói quần áo may sẵn cho con bé! Toàn là chuyện lạ lùng. Chắc là có chuyện gì bí mật lắm. Nắm được điều bí mật, ai lại thả ra bao giờ. Mà điều bí mật của bọn có của lại là những nắm bọt rong biển thấm đầy vàng; phải khôn khéo mà vắt. Những ý nghĩ ấy cứ quay cuồng trong đầu óc Tênácđiê. Nó nói một mình:

- Mình là con lợn.

Ra khỏi Môngphécmây, đến chỗ ngoặt sang con đường đi Livơry, ta thấy con đường chạy dài tăm tắp trước mặt trên cao nguyên. Đến đây, nó đinh ninh là sẽ trông thấy người kia và con bé. Nó phóng tầm mắt rõ xa, nhưng chẳng thấy gì. Nó lại phải hỏi thăm. Thành ra lại mất thêm thời giờ. Mấy người đi đường mách cho nó biết người khách và con bé đã đi vào khu rừng phía Ganhi. Nó chạy về nẻo ấy.

Tuy hai người có đi trước nó, nhưng đứa bé ắt đi chậm, còn nó thì đi nhanh. Và nó thuộc hết đường đất vùng này.

Chợt nó đứng dừng lại, tay đập vào trán như người quên một cái gì cần thiết và sẵn sàng quay trở lại. Nó tự bảo:

- Đáng lẽ mang súng!

Tênácđiê thuộc loại người lưỡng diện, lắm khi đi qua giữa chúng ta mà chúng ta không biết rõ, rồi biến mất đi chúng ta cũng không tường, bởi vì cuộc đời run rủi nó chỉ hiện ra trước mắt ta ở một phía. Số kiếp của nhiều người là như vậy đấy, là sống chìm ngập hết nửa người. Ở cảnh ngộ bình an, ổn định, Tênácđiê có đủ điều kiện để làm - chúng tôi không nói để là - một nhà buôn lương thiện, một anh tư sản đủ đỗi, theo quan niệm của người đời. Trong lúc ấy, khi có những sự kiện nào đó, khi xảy ra những biến động làm dậy bản chất của hắn thì hắn lại có đủ khả năng, để là một tay vô lại. Đó là một tay chủ quán có nuôi trọ trong người mình một con quỷ. Chắc Chúa quỷ Xa tăng đã nhiều lúc ngồi xổm ở một xó nào đó trong cái nhà hát của tên Tênácđiê và mơ màng nghĩ về cái công trình kiệt tác đó của mình.

Lưỡng lự một lát, nó nghĩ thầm:

- Chà! Thế thì chúng nó có đủ thì giờ thoát chết.

Thế là nó lại đi, rảo cẳng tiến lên phía trước, có vẻ chắc ăn; trông nó tinh ranh như con cáo đánh hơi thấy một đàn gà gô.

Quả nhiên, lúc nó vượt khỏi khu ao đầm và tắt ngang qua quãng rừng thưa ở bên phải con đường Benvuy và đến cái lối đi đầy cỏ mọc lượn quan đồi rồi vượt qua vòm con sông đào cũ gần nhà tu Senlơ, thì nó chợt nhìn thấy một cái mũ nhô lên khỏi một bụi rậm. Cái mũ ấy đã làm nó tốn công phu xây dựng bao nhiêu ước đoán. Mũ ấy là mũ của người khách. Bụi cây không cao lắm. Tênácđiê nhận ra người khách và Côdét đang ngồi nghỉ. Không nhìn thấy con bé vì nó bé quá, nhưng nhìn thấy cái đầu búp bê.

Tênácđiê không lầm. Người khách đã ngồi lại để cho Côdét nghỉ chân.

Tênácđiê đi vòng qua bụi rậm, đột nhiên xuất hiện trước mặt hai người. Nó vừa thở vừa nói:

- Thưa ngài, ngài tha lỗi cho, xin trả lại ngài nghìn rưởi quan của ngài.

Vừa nói thế, nó vừa chìa ra ba tờ giấy bạc. Người khách ngước mắt nhìn lên:

- Thế này là thế nào?

Tênácđiê lễ phép đáp:

- Là thế này, tôi xin bắt con Côdét lại, thưa ngài.

Côdét rùng mình, nép vào người ông già.

Ông ta nhìn thẳng vào mắt Tênácđiê, nói dằn từng tiếng:

- Ông - bắt - con - Côdét - lại?

- Thưa ngài, vâng, tôi bắt nó lại. Tôi xin nói rõ. Tôi đã nghĩ kỹ. Thực ra, tôi không có quyền giao nó cho ngài. Tôi là người đứng đắn, ngài xem. Con bé này có phải là con tôi đâu; nó còn mẹ nó. Mẹ nó gửi nó cho tôi, tôi chỉ được quyền trả lại cho mẹ nó mà thôi. Chắc ngài bảo: Mẹ nó chết rồi. Được. Thế thì tôi chỉ có thể giao nó cho người nào có giấy tờ của mẹ nó ký và bảo là phải giao nó cho người ấy. Rõ ràng là như thế.

Người khách chẳng nói chẳng rằng, lục tìm trong túi; Tênácđiê thấy ông ta lấy ra cái ví đựng tiền lúc nãy. Tên chủ quán mừng run lên. Nó nghĩ thầm:

- Được, phải vững vàng. Mình sắp được mua chuộc đây.

Trước khi mở ví, người khách còn đưa mắt nhìn chung quanh, nơi này vắng tanh vắng ngắt. Trong rừng, dưới lũng không một bóng người. Ông ta mở ví, lấy ra một mảnh giấy con, - chứ nào đâu có phải là nắm giấy bạc như Tênácđiê đang mong chờ! Ông ta mở to tờ giấy, đưa cho Tênácđiê rồi bảo:

- Ông nói phải. Đọc đi.

Tênácđiê cầm lấy đọc:

"Môngtơrơi Xuya Me, ngày 25 tháng 3, 1823.

Gửi ông Tênácđiê,

Ông giao Côdét cho người này. Bao nhiêu khoản chi phí lặt vặt, người này sẽ trả đủ cho ông.

Kính chào ông.

Phăngtin"

Người kia nói tiếp:

- Ông biết chữ ký này chứ?

Đích thực là chữ ký của Phăngtin. Tênácđiê nhận ra ngay.

Chẳng còn cãi vào đâu được nữa. Nó bị hai cái bẽ bàng: một là tưởng được đấm mõm lại hóa suông, hai là bị đuối lý. Người khách lại bảo:

- Ông cứ giữ lấy giấy này làm bằng.

Tênácđiê ngoan ngoãn thu quân. Nó lẩm bẩm:

- Chữ ký bắt chước kể cũng khéo. Thôi, được!

Nó đã tuyệt vọng, nhưng còn cố vớt vát:

- Thưa ngài, thế cũng được. Ngài là người ấy. Nhưng phải trả cho tôi các khoản chi phí lặt vặt. Khoản ấy cũng to.

Ông già đứng phắt dậy, lấy tay phủi bụi trên cái ống tay áo đã sờn, miệng nói:

- Ông Tênácđiê này, ngày tháng giêng, mẹ con bé tính còn thiếu ông một trăm hai mươi phơrăng, thế mà tháng hai, ông gửi giấy đòi năm trăm phơrăng; hồi cuối tháng hai ông đã nhận ba trăm phơrăng, đầu tháng ba lại ba trăm phơrăng nữa. Từ dạo ấy đến nay được chín tháng, mỗi tháng đã thỏa thuận là mười lăm phơrăng, vị chi là một trăm ba mươi phơrăng. Trước ông nhận dôi ra một trăm. Tính thế, còn phải trả ông ba mươi lăm phơrăng thôi. Thì vừa đây tôi đưa ông nghìn rưởi quan.

Tênácđiê có cảm giác như một con sói mắc cạm bị cái hàm thiếc cắn vào chân. Nó nghĩ bụng:

- Thằng quỷ này là thằng nào?

Rồi, làm như con chó sói, nó giãy một cái. Đã một lần nó liều mà hóa được. Nó vứt bỏ cái giọng lễ độ đi, sừng sộ nói:

- Này ông cha căng chú kiết kia ơi, một là tôi bắt lại con Côdét, hai là đưa ngay một nghìn ê quy đây.

Ông già bình tĩnh nói:

- Côdét, đi, con.

Rồi tay trái ông dắt đứa bé, tay phải ông nhặt cái gậy ở dưới đất.

Tênácđiê nhận thấy cái gậy quá to và quãng rừng vắng ngắt.

Ông già đi thẳng vào rừng sâu với con bé, để mặc tên chủ quán đứng ngây chỗ cũ.

Trong khi họ đi xa dần. Tênácđiê nhìn theo hai vai rộng còng còng và hai nắm tay to tướng của ông già.

Nó nhìn lại nó, hai cánh tay khẳng khiu, hai bàn tay còm nhom. Nó nghĩ bụng: - Đã đi săn lại quên mẹ nó cả súng. Quả ta là một thằng ngốc.

Song tên chủ quán vẫn chưa chịu buông mồi. Nó nói:

- Để xem nó đi đâu.

Rồi nó theo hút đằng sau, cách xa xa. Trong tay chỉ còn hai thứ, một trò chơi: tức là cái mảnh giấy nát có chữ ký Phăngtin và một niềm an ủi tức là nghìn rưởi quan.

Người khách dắt Côdét đi về nẻo Livơry vad Bôngdy. Ông ta đi thong thả, đầu cúi gằm, ra vẻ nghĩ ngợi, buồn rầu. Về mùa đông rừng thưa lá, nên tuy Tênácđiê đã cách khá xa mà vẫn nhìn thấy hút hai người. Thỉnh thoảng người khách lại quay lại nhìn xem có ai theo sau không. Chợt ông thấy Tênácđiê. Ông vội lôi Côdét đi vào một khu rừng rậm hơn, trong đó Tênácđiê dễ mất dấu họ.

- Chó quá!

Nói xong, Tênácđiê rảo cẳng tiến lên.

Rừng chỗ này rậm nên nó phải theo gần sát. Đến quãng rừng rậm nhất, ông già quay đầu lại. Nó cố núp vào chỗ cành cây nhưng vô hiệu, ông già đã trông thấy nó. Ông lo ngại nhìn nó rồi hất đầu một cái, lại đi. Tên chủ quán lại đi theo. Đi như thế, được độ hai ba trăm bước. Bỗng ông già quay lại lượt nữa. Vẫn thấy tên chủ quán. Lần này ông trừng mắt nhìn nó, nên nó thấy có theo nữa cũng "vô ích". Tênácđiê bèn quay trở về.

XI

CON SỐ 9.430 LẠI XUẤT HIỆN, CÔDÉT TRÚNG SỐ ẤY

Giăng Vangiăng chưa chết.

Lúc ngã xuống biển, nói cho đúng, lúc nhảy xuống, thì như ta đã biết, Giăng Vangiăng không còn xiềng xích trên người nữa. Ông bơi giữa hai con nước, đến tận dưới lườn một cái tàu đậu bến; một chiếc thuyền con buộc bên cạnh tàu. Ông tìm cách núp trong thuyền đến tận tối. Vào đêm, ông lại nhảy xuống nước bơi vào bờ, chỗ gần mỏm Bơroong. Đến đây, tiền sẵn nên cũng dễ kiếm được quần áo. Quanh vùng Balaghiê có một cửa hàng chuyên bán quần áo cho bọn tù vượt ngục, nghề này kể cũng tươm. Giăng Vangiăng cũng như mọi kẻ đi trốn tránh đáng thương khác, phải tìm cách mà thoát khỏi con mắt cú vọ của luật pháp, thoát khỏi cái xã hội ác nghiệt, Giăng Vangiăng lần theo một hành trình tối tăm và lắt léo. Chặng thứ nhất thì nghỉ lại ở Pơrađô, gần Bốtxê. Rồi đi về phía Gơrăng Vila, gần Briăngxông, thuộc quân thương Anpơ. Thật là một cuộc trốn tránh mò mẫm, đầy lo âu; đường thì rặt những đường nhánh tối om, không biết đâu mà mò. Sau này, có tìm được một vài vết tích của Giăng Vangiăng ở vùng xứ Anh, thuộc địa phận Xivơriô, ở Accông, một nơi gọi là Grănggiơ đơ Đuméc, trong dãy núi Pirênê, gần thôn Savay. Rồi ở vùng lân cận xứ Pêrigơ, làng Bruyni tổng Sapen Gônaghe. Ông lên Pari. Vừa rồi ta gặp ông ở Môngphécmây.

Chúng ta vẫn nhớ rằng lần vượt ngục trước, ông ta đã bí mật đến đấy hay vùng chung quanh đấy và tòa án cũng đã có chút ít ánh sáng về hành trình đó.

Ai cũng tưởng ông chết rồi, vì thế hành tung càng thêm tối tăm, mù mịt. Ở Pari, có lần ông được xem tờ báo tường thuật việc ông ngã xuống biển. Ông cảm thấy bớt lo, gần như yên ổn, như là đã chết rồi thực.

Ông trở về đến Pari ngay tối hôm giành được Côdét khỏi nanh vuốt vợ chồng Tênácđiê. Ông cùng con bé đi lối cửa ô Môngxô mà vào Pari, lúc chập tối. Rồi lên xe độc mã, vào chỗ sân Thiên văn đài. Ông xuống trả tiền xe rồi lại dắt Côdét cứ thế mò mẫm trong đêm tối qua các phố vắng gần Uốcxin và La Glaxie rồi đến đường Nhà thương.

Ngày hôm ấy là ngày Côdét cảm thấy rất lạ và đầy những xúc động. Đến bữa thì ông già mua bánh và phó mát ở những quán hàng khuất nẻo rồi mang ra sau bụi cây hàng rào mà ăn; đi đường thì đổi xe luôn; chốc lại đi bộ một quãng. Nó mệt lắm nhưng không kêu ca gì. Ông già thấy tay nó cứ co trĩu xuống, biết là nó mệt, ông liền cõng nó. Côdét tay vẫn không rời Catơrin, ngả đầu trên vai Giăng Vangiăng, ngủ thiếp.

loading...