Nhat Niem Chi Tu Chuong 60 Anh Nhot Em Lai Di

Edit: OhHarry

Beta: Táo

***

Chúng tôi lái xe của Trịnh Giải Nguyên về thành Ruồi. Dọc suốt đường đi, chẳng ai hé miệng nói nửa lời.

Tôi có thể cảm nhận được thần kinh mình đang ngày càng căng ra, cứ mỗi giây trôi qua là lại tiến gần đến điểm cực hạn. Vai phập phồng theo từng nhịp thở, mang theo cơn đau lan ra khắp toàn thân, máy điều hòa phả gió vào quần áo ẩm khiến cơ thể ngày càng lạnh lẽo, vừa về đến nhà Kỷ Thần Phong một cái là tôi đã vội vàng lao vọt vào phòng tắm ngay.

Tôi cởi quần áo, hình ảnh dấu sắt nung dữ tợn trên cơ thể phản chiếu trong gương.

Có lẽ do bị ngâm nước nên vết thương đã trở nên tấy đỏ hơn so với lúc mới bị bỏng. Phần da bình thường dán sít vào chỗ da bị tổn thương khiến cho hình ngôi sao sáu cánh trông không còn rõ ràng.

Xấu quá.

Bình thường, tôi khó mà nhìn thấy được những vết sẹo nằm phía sau lưng mình, miễn sao người ta không nhắc đến thì không phải lúc nào tôi cũng nhớ ra sự tồn tại của chúng. Nhưng dấu sắt nung này thì khác, nó quá dễ thấy.

Có lẽ đây chính là mục đích của Thi Hạo, để mỗi khi tôi nhìn thấy nó, gã muốn tôi phải nhớ tới sự sỉ nhục mà hôm nay bản thân phải chịu đựng.

Móng tay găm sâu vào da, cào rách vết thương sưng đỏ. Vì không tìm thấy công cụ có sẵn nên tôi chỉ đành sử dụng cách thức giản tiện và thô bạo này để phá hủy hình dạng của vết bỏng mới vừa được đóng xuống.

Phải đến khi vết thương tóe máu đầm đìa thì tôi mới dừng lại, đầu tóc ướt đẫm mồ hôi.

Dù sao cũng không còn xấu xí như ban nãy nữa. Dõi mắt vào vết thương đang càng lúc càng trở nên thê thảm trong gương, tôi nghĩ với tinh thần đậm chất AQ.

Vì vết thương sẽ đau nhói lên khi tiếp xúc với nước nóng nên hầu như tôi chỉ tắm bằng nước lạnh. Thế nên sau khi tắm xong, cơ thể tôi chẳng những không ấm lên mà còn lạnh run cầm cập.

Sau từng đợt xối nước lạnh liên tục, vết thương nhanh chóng bợt bạt hẳn đi. Tôi không lau khô người mà mặc thẳng quần áo vào trong khi mình mẩy hẵng còn ướt sũng. Sau khi rời khỏi phòng tắm, tôi lử lả bò vào ổ chăn của mình rồi trùm kín cơ thể lại bằng tấm mền, thậm chí còn không để hở đầu ra.

Tiếng bật lò vi sóng vang ra từ trong phòng bếp, chẳng mấy chốc sau, mùi thức ăn đã lan ra khắp căn hộ nhỏ, nghe như mùi của mì ăn liền.

Kỷ Thần Phong vốn không có thói quen ăn khuya nên đây chính là bữa ăn đầu tiên của anh trong đêm nay.

Thằng cha Trịnh Giải Nguyên đối xử với bạn bè nồng hậu thật đấy nhưng lắm lúc cậu ta lại chẳng tâm lí tí nào. Buổi chiều cả hai cùng ở phòng khám thú y, Kỷ Thần Phong đã ăn cơm hay chưa cậu ta là người rõ nhất, chẳng lẽ suốt dọc đường đi mà không mua giúp được cái gì cho anh ấy ăn lót dạ?

Bất kể là cơn đau trên người hay là những chuyện gặp phải hồi ban tối, vốn dĩ đêm nay đã được định sẵn là một đêm khó ngủ. Tôi che đầu, nằm nghiêng, trông qua thì như đang ngủ nhưng thực chất vẫn luôn chú tâm đến từng cử động của Kỷ Thần Phong ở phía sau.

Từ phòng bếp vào phòng ngủ, sau đó lại từ phòng ngủ vào phòng tắm. Nửa tiếng sau, anh bước ra ngoài, cơ thể tỏa ra hơi nóng, phảng phất hương xà phòng.

Tôi tưởng anh sẽ quay về phòng để đi ngủ, nhưng anh lại dừng bước ở vị trí phía sau tôi.

Anh đang quan sát tôi.

"Tôi biết cậu chưa ngủ."

Tôi mở mắt ra, vệt sáng tờ mờ xuyên qua các khe hở trên tấm chăn, không gian tù mù, ngột ngạt như một cái kén.

"Tang Niệm, tôi không muốn tiếp tục thế này nữa. Mai cậu dọn đi đi."

Tôi kéo chăn xuống, trợn trừng mắt nhìn bức tường trước mặt mà sững sờ, mất một lúc lâu sau mới tìm lại được giọng nói của mình.

"... Nhưng, em vẫn chưa tìm được nhà."

"Trước mắt cậu có thể ở tạm khách sạn, hoặc là ở nhờ nhà Trịnh Giải Nguyên."

Anh ấy không muốn cho tôi thêm một cơ hội nào nữa.

Kể từ lúc anh bắt đầu cho tôi vào sống trong nhà mình, tôi đã biết anh đang dần buông bỏ. Dù đã thỏa thuận rõ ràng rằng chỉ ở lại một đêm, nhưng sang đến ngày hôm sau, khi thấy tôi chưa đi, anh cũng không đuổi tôi ra khỏi nhà, thậm chí còn nói rằng có thể cho tôi ở lại cho đến khi tìm được nhà mới.

Không cho tôi chìa khóa, không cho tôi ra ngoài thì làm sao tôi tìm được nhà đây?

Khi Mạnh Tuyết Yên nói rằng cô ấy có thể giới thiệu cho tôi một căn hộ giá rẻ, anh ấy nghe nhưng chẳng hề tỏ ra bất kì một thái độ nào như thể đã hoàn toàn quên mất "người bạn" đang cho tôi ở nhờ kia chính là bản thân mình. Lúc gặp Trịnh Giải Nguyên, anh thậm chí còn chẳng nhớ ra lời nói dối "không còn bạn bè nữa" mà tôi từng nói.

Cứ như vậy, anh ngầm đồng ý cho tôi sống chung dưới một mái nhà với mình, một mặt căm giận tôi sâu sắc, mặt khác lại không kìm được mà mềm lòng với tôi.

Tất cả những điều này tôi đều hiểu hết.

Nhưng bây giờ anh lại nói rằng mình không muốn tiếp tục thế này nữa.

Anh không muốn thuyết phục bản thân tha thứ cho tôi, không muốn phân biệt xem lời nói của tôi có đáng tin cậy hay không, cũng không muốn có bất cứ một mối liên hệ nào với tôi nữa.

Vì tôi nổi giận với anh ư?

Vì tôi làm anh bực tức ư?

"... Được rồi." Tôi đáp lại một cách bình tĩnh, "Mai em sẽ dọn đi."

Sau khi nhận được câu trả lời rõ ràng của tôi, Kỷ Thần Phong không nói gì nữa, một chốc sau, phòng khách tối đèn, cửa phòng ngủ nhẹ nhàng khép lại.

Nhìn vào khoảng không đen kịt trước mắt, tôi chỉ thấy bóng tối sâu tựa không đáy, trông nó giống như một cái miệng vô hình sẽ nuốt chửng lấy tôi trong một giây tới.

Tôi co gối, cuộn chặt mình vào trong chăn hơn, rõ ràng đang sống giữa ngày hè nóng bức nhất nhưng cơ thể lại cảm thấy lạnh lẽo một cách vô cớ.

Tôi cứ ngỡ rằng mình sẽ không ngủ được, thế nhưng sau đó, cơ thể cứ nóng dần lên, ý thức cũng theo đó mà mê man đi dần.

Bản edit này chỉ có ở wordpress của Hải Đường Lê Hoa và wattpad của Táo.

Tôi bất cẩn làm đổ thức ăn xuống đất.

"Chậc." Người phụ nữ không thấy rõ mặt bước đến từ phía ngược sáng, kéo tôi xuống khỏi ghế.

Bà ta phát mạnh vào người tôi, bắt tôi quỳ xuống trước đống thức ăn bị đánh đổ.

"Ăn bằng hết đống thức ăn rơi dưới đất cho tao, không tao cho mày đẹp mặt!"

Tôi cắn môi, nhặt một miếng bí ngô cho lên miệng thì lại bị người phụ nữ này tát vào gáy, người tôi đổ xuống sàn theo quán tính.

"Ai cho mày dùng tay? Lấy mồm liếm như con chó ấy!"

Nước mắt dâng lên ầng ậng, chực trào khỏi khóe mắt. Có lẽ do quá sợ hãi, lo rằng chỉ một hành động ngẫu nhiên của mình thôi cũng dẫn đến việc bị đánh chửi nhiều hơn nên ngay đến chuyện khóc thút thít tôi cũng run rẩy sợ hãi, không dám lớn tiếng.

Tôi cúi xuống, liếm thức ăn trên mặt đất như một con chó con, cho dù không ăn nổi nữa cũng không dám dừng lại.

Người phụ nữ đó tạm thời rời đi, tôi thở phào nhẹ nhõm, nhưng chuyện này còn lâu mới kết thúc.

Có thể là do khả năng kiểm soát cơ của trẻ con còn kém, hoặc cũng có thể vì tôi đã ăn quá no nên chỉ vừa khóc nấc lên thôi là dạ dày đã co bóp dữ dội, khiến tôi ộc hết những thứ vừa ăn ra ngoài.

Ngay khi dạ dày còn đang co thắt, một nỗi khiếp đảm hãi hùng hơn đã ập vào tâm trí tôi.

Tôi cuống quýt bước qua để xem người phụ nữ thì thấy bà ta đang lao phăm phăm về phía này trong cơn tam bành.

"Con sai rồi ạ..." Tôi nức nở van xin, nhặt thức ăn dưới đất lên nhét vào miệng như một phương thức cứu vãn tình hình, "Mẹ đừng giận mà... mẹ đừng giận mà..."

"Ai là mẹ mày? Ngày nào thằng ranh con chết tiệt mày cũng vẽ việc cho tao làm."

Bà ta văng tục, nắm tay tôi lôi đi xềnh xệch rồi ấn tôi nằm sấp xuống ghế.

Linh cảm được về điều sắp xảy ra, tôi vùng vẫy kịch liệt, miệng rối rít van xin: "Con sai rồi... Tất cả là lỗi của con... Con xin lỗi... Con sẽ không làm thế nữa đâu mà..."

Lưng áo bị xốc lên, hơi nóng bén nhọn dí vào thắt lưng, tôi rít thé lên, nước mắt chảy giàn giụa xuống sàn.

Ngoài bảo mẫu, ở nhà còn có đầu bếp và người làm vườn, nhưng người phụ nữ này rất thông minh, chưa bao giờ bà ta ra tay với tôi khi có người.

Nài xin vô tác dụng, cầu cứu thì chẳng ai nghe.

Tôi biết đau, biết sợ, nhưng chỉ không biết đây là hành vi "ngược đãi". Suy cho cùng thì cuộc sống của tôi đã diễn ra như vậy kể từ khi có ý thức tới giờ.

Hứa Tịch phát giác ra sự tình cũng vì vết bỏng ở mông lần đó quá nặng, dì tới thăm tôi, thấy dáng đi của tôi vô cùng kì lạ, thậm chí còn không muốn ngồi. Người phụ nữ kia nói với dì rằng đó là do tôi nghịch ngợm quá, vì nhảy từ trên cầu thang xuống nên mới bất cẩn bị thương ở chân. Ngày ấy Hứa Tịch mới chỉ là một cô bé mười lăm tuổi, nghe vậy, dì cũng tin là thật và không truy cứu gì thêm.

Lúc đó đúng vào quãng xuân, hoa trong vườn nở rộ. Hứa Tịch tự mình dắt tôi ra vườn ngắm hoa, người phụ nữ kia không đi cùng.

Khi đang chiêm ngưỡng một cây hoa đào trổ bông rực rỡ, Hứa Tịch muốn bế tôi lên để tôi có thể nhìn rõ hơn, nhưng chỉ mới vừa ôm tôi một cái, dì ấy đã bị tôi tránh đi.

"Đau."

Hứa Tịch nhìn chân tôi với vẻ hơi lo lắng, hỏi: "Cháu bị ngã ở đâu, đã đi khám chưa?"

Tôi lắc đầu, chỉ vào mông mình: "Đau ở đây này."

Tuy vẫn còn nhỏ nhưng Hứa Tịch đã có ý thức tự giác của người lớn, vừa nghe tôi nói vậy, dì liền đưa tay tụt quần tôi xuống, không cần biết bây giờ có đang là giữa ban ngày hay không.

Khi vết thương dữ tợn lộ ra trước mắt dì, tội ác được giấu kín suốt mấy năm nay của người phụ nữ kia đã hoàn toàn bị phanh phui.

Hứa Tịch khen tôi ngoan ngoãn và dũng cảm là vì tôi không gây ồn ào, không khóc lóc, không tủi thân khi phải đối mặt với cơn đau. Nhưng dì đâu biết rằng tôi cũng đã khóc, đã kêu la ầm ĩ, đã hờn tủi biết bao, chẳng qua là... không có ai quan tâm.

Nước mắt là thứ vô dụng nhất. Ngay từ khi mới chỉ là một đứa trẻ tôi đã hiểu rõ điều này. Nó không thể trở thành vũ khí của tôi, cũng không thể trở thành lá chắn của tôi, càng không được bất kỳ ai coi trọng.

Đau quá, đau đến nỗi không ngủ được...

Bao giờ thì trời mới sáng? Mai bố có về không? Bố mà ở nhà thì "mẹ" sẽ không đánh tôi nữa.

"Tang Niệm... Tang Niệm..."

Chẳng biết trên người dính nước hay mồ hôi chưa khô mà tôi cứ thấy cơ thể mình ẩm ướt nóng hập, dường như ngay cả lông mi cũng lấm tấm nước.

Tôi chớp mắt, hình ảnh mơ hồ phía trước dần tan vỡ, chỉ nhìn ra được một bóng dáng nhạt nhòa.

"Em đau lắm..."

Cứ như là Déjà vu ấy... Hình như lần trước cũng giống thế này, tôi được người ấy tìm thấy, được người ấy ôm vào lòng.

Chỉ cần được ôm anh, mọi nỗi đau đớn rồi sẽ đều biến mất, giọt nước mắt nào cũng sẽ được hồi đáp.

Đó là lần đầu tiên có người nghe thấy tiếng kêu cứu của tôi.

"Đau ở đâu?"

Bàn tay anh mơn trớn trên đôi gò má và vùng cổ ướt đẫm mồ hôi của tôi, anh toan kéo tấm chăn đang quấn chặt lấy tôi xuống để kiểm tra cẩn thận hơn nhưng lại bị tôi chộp lấy tay, ấn lên má mình.

"Chỗ nào cũng đau hết..." Tôi ịn một nửa môi mình lên lòng bàn tay Kỷ Thần Phong, phà ra từng hơi nóng rực, dòng chất lỏng tràn ra liên tục từ khóe mắt, "Em đau chết mất."

Cảnh vật trước mắt như đang quay cuồng, đầu óc trở nên mụ mị, tôi chỉ biết nhắm nghiền mắt lại và siết chặt tay anh hơn.

Tiếng thở dài vang lên bên tai: "Em thế này làm tôi không cử động được, em buông tôi ra đã nhé." Có lẽ do thấy tôi không chịu hợp tác nên càng lúc giọng anh càng dịu dàng hơn, "Ngoan nào, đừng khóc, tôi không đi đâu mà."

Mặc dù ý thức vẫn còn mơ hồ nhưng niềm tin vào anh đã ăn sâu vào tận trái tim. Tôi lơ mơ kêu "ừm" một tiếng rồi buông lỏng tay ra một chút, đặt xuống cạnh gối, sau đó ngoan ngoãn, không còn phản kháng gì nữa.

Tấm chăn đắp trên người được vén lên một cách nhẹ nhàng, người kia chợt khựng lại, đến cả tiếng hít thở tôi cũng không nghe thấy. Mấy giây sau, anh nhanh chóng cởi cúc áo của tôi ra như thể đang sốt ruột vì muốn tìm đến câu trả lời nào đó, nhưng tới khi mở vạt áo trước, anh lại tỏ ra vô cùng cẩn trọng. Cẩn trọng như thể có một con ong bắp cày nguy hiểm đang đậu ngay trên vạt áo của tôi.

Vết thương dính sát vào vải — chỉ cần chạm nhẹ vào đã đau đớn không thôi, khiến anh bóc ra đến là vất vả. Vì anh hơi dùng lực nên tôi không kìm nổi mà run rẩy, tiếng nghẹn ngào kiềm nén bật ra từ trong cuống họng.

"Sao em không nói với tôi là em bị thương?" Cuối cùng Kỷ Thần Phong cũng thấy rõ vết thương của tôi, anh lấy ngón tay cái lau đi giọt nước mắt đọng nơi khóe mắt tôi, giọng điệu nhẹ nhàng như một bông hoa tuyết rơi trên lồng ngực, sẽ có khoảnh khắc ta thấy nó mát mẻ, dễ chịu, nhưng đến khi ngoảnh lại để nâng niu e ấp, ta lại chẳng bao giờ tìm thấy dấu vết của sự dịu dàng ấy nữa.

Lần gần đây nhất tôi được nghe anh nói chuyện thế này với mình là từ khi nào?

Cảm giác được Kỷ Thần Phong đang đứng dậy và rời khỏi mình, tôi mở choàng mắt ra, cố níu lấy quần áo anh nhưng không với tới.

Anh quay lưng về phía tôi, sục sạo khắp các ngăn tủ trong phòng khách, cuối cùng cũng tìm được cái túi sơ cứu y tế màu đỏ.

"Có lẽ sẽ hơi đau."

Anh tách lấy một chiếc tăm bông khử trùng i-ốt, chờ cho một đầu tăm bông hút đẫm thứ chất lỏng màu nâu đỏ mới chặm nhẹ lên vết thương của tôi.

Đúng là rất đau, đau tới nỗi tôi bắt đầu trốn rụt đi theo bản năng.

Kỷ Thần Phong vội vàng đặt bàn tay còn lại lên vai tôi, động viên: "Sắp xong rồi, em kiên trì chút nữa thôi..."

Vừa thổi, anh vừa xử lý vết thương cho tôi bằng phương thức vô cùng chuyên nghiệp và nhanh chóng.

Dán miếng gạc vô trùng lên, anh thử sờ trán tôi rồi quay người đi rót một cốc nước. Anh cho tôi ngồi dựa vào lòng mình, đầu tiên đưa cho tôi một viên thuốc con nhộng, kêu tôi uống: "Đây là thuốc hạ sốt, kháng viêm, em sốt cao quá." Sau khi tôi cho thuốc vào miệng, anh liền vội vàng đút cho tôi mấy ngụm nước để uống.

Quần áo trên người đã ướt sũng, chăn cũng không đắp được nữa, anh ấy bế ngang tôi dậy một cách dứt khoát rồi đưa thẳng vào trong phòng ngủ của mình.

Sau một khoảng thời gian dài nằm ngủ dưới sàn nhà, vừa chạm lưng xuống tấm nệm êm ái, cơn đau nhức xương cốt như thể được xoa dịu mà bớt khó chịu hẳn.

Anh cởi hết quần áo của tôi ra, sau đó nhét tôi vào trong chiếc chăn mỏng rồi quấn lại thật chặt.

Xong xuôi mọi thứ, Kỷ Thần Phong quay người tính rời đi, nhưng cuối cùng lần này cũng bị tôi bắt được.

"Đừng đuổi em đi mà..." Tôi riết chặt tay anh, hoàn toàn tỏ ra yếu thế, "Em sẽ không bao giờ cãi vã với anh nữa... Anh nhốt em lại đi, cùm em lại đi, anh làm gì em cũng được... Em chỉ cần anh thôi... Em chỉ cần mỗi mình anh thôi..."

Nếu không được ai nâng niu, ta sẽ chẳng biết được cuộc sống mà mình trải qua từng tồi tệ thế nào; nếu chưa được ai sưởi ấm, ta đã không quyến luyến độ ấm của đối phương.

Tôi không muốn kéo dài tình trạng này nữa, tôi đã không chịu đựng nổi nữa rồi. Sao người này có thể nhẫn tâm chặt đứt liên hệ giữa cả hai sau khi đối xử dịu dàng với tôi như vậy chứ?

27/7/2022

loading...