Nam Do Giap Sat Dong De Vuong Chuong 86

★ Có Được Không ★
(Một)

Địch Kỳ Dã đến gần, Cố Liệt mới thấy rõ vẻ đặc biệt nghiêm túc trên mặt hắn.

Loại vẻ mặt này, Cố Liệt đã từng thấy một lần.

Kiếp trước, một lần nọ triều đình luận chiến, Địch Kỳ Dã không tình nguyện đứng ở vị trí đầu tiên trong hàng bách quan, không nói lời nào, Cố Liệt cố ý hỏi hắn một câu: "Định Quốc Hầu thấy thế nào?"

Địch Kỳ Dã cười cười lạnh lẽo: "Thần không có cái nhìn."

Dáng vẻ đó của hắn, không có cái nhìn mới có quỷ, Cố Liệt có là pho tượng Phật, cũng bị hắn ép ra nộ khí, nén giận nói: "Định Quốc Hầu có chuyện không ngại nói thẳng."

"Bệ hạ," Địch Kỳ Dã trực tiếp vén vương bào, vô cùng tiêu sái quỳ xuống đất, "Vậy thỉnh Bệ hạ trước khoan thứ cho tội bất kính của thần."

Văn thần ngôn quan lập tức lên tinh thần, bọn họ dự cảm tấu chương của ba tháng tiếp theo không cần lo phải viết gì nữa rồi.

Lòng Cố Liệt đương trường lạnh luôn nửa khúc.

"Ngươi nói đi," Cố Liệt cắn răng nói.

Địch Kỳ Dã còn nhìn như rất cung kính mà bái Cố Liệt một cái trước, sau đó mới thẳng thắn không khách khí nói: "Thần đây liền nói."

"Thần cho rằng, triều đình là ổ giặc cướp đoạt tiền tài của dân, Bệ hạ là cầm đầu giặc trong thiên hạ!"

"Làm càn!"

......

Kim giai là cầu thang thông hướng long ỷ, phẳng rộng thấp bé, hai sườn có bình phong lùn vẽ rồng mạ vàng. Ba bước kim giai hướng lên trên, chính là kim đài nơi đặt long ỷ.

Địch Kỳ Dã vừa mới ngồi xuống kim giai, bỗng nhiên nghe thấy Cố Liệt thấp giọng cười.

Hắn dựa vào bình phong ngồi nghiêng người, Thanh Long Đao bị hắn đặt trong tầm tay, vừa nhấc mắt đã dối diện với tầm mắt của Cố Liệt, tức giận nói: "Ngươi cười cái gì?"

"Không cười gì," Cố Liệt cúi đầu nhìn hắn, "Sao lại ngồi đó?"

Địch Kỳ Dã duỗi ra chân dài, ủng mềm chỉa chỉa mặt đất dưới kim giai: "Dương Bình chết ở chỗ đó, bẩn."

Cố Liệt lắc đầu cười cười.

"Cố Liệt." Địch Kỳ Dã nghiêm túc nhìn hắn.

Cố Liệt đáp tiếng ừ.

Địch Kỳ Dã trịnh trọng nói: "Ngươi muốn ta thượng triều tham chính, ngươi có nghĩ tới việc quan niệm của ta và thời đại này không hợp nhau không, có nghĩ tới những khác biệt nhất định sẽ xuất hiện giữa ta và ngươi không, có nghĩ tới...... một ngày kia quan hệ giữa chúng ta hoàn toàn biến chất, phải làm thế nào đây?"

Cố Liệt đương nhiên đều nghĩ tới, hơn nữa đã nghĩ suốt hai đời.

Nhưng Cố Liệt vẫn muốn nghe Địch Kỳ Dã nói nhiều hơn nữa, muốn Địch Kỳ Dã kể hết ra cho mình nghe những điều kiếp trước hắn yên lặng không nói.

Vì thế Cố Liệt hỏi ngược lại: "Ngươi đã chắc chắn như vậy, rằng chúng ta, nhất định sẽ hoàn toàn trở mặt?"

Địch Kỳ Dã thở dài bất đắc dĩ.

Hắn thật sự không muốn nói mấy lời sáo rỗng không có bao ý nghĩa với thời đại này, nhưng việc đã đến nước này, không nói rõ ngọn ngành với Cố Liệt cũng không được. Cố Liệt đã phủng hắn tới một hoàn cảnh không có cách nào lảng tránh nữa, hắn còn tiếp tục lảng tránh, sẽ không chỉ ảnh hưởng đến mình hắn, mà còn bao gồm cả Cố Liệt, bao gồm thủ hạ đi theo hắn, bao gồm toàn bộ Đại Sở.

Địch Kỳ Dã thói quen khống chế vận mệnh trong tay mình, trước nay hắn luôn là kẻ mạnh trong vận mệnh, mà Cố Liệt lại yêu cầu hắn thần phục trước vương quyền, làm một thần tử cổ đại chân chính.

Nếu muốn phản kháng, chỉ có một con đường, đó chính là cố ý làm mọi người xa lánh, làm mình hoàn toàn biến thành một cái đích cho người người chỉ trích trong triều đình Đại Sở, hướng tới kết cục dành cho số mệnh của các danh tướng xưa nay.

Nhưng, giờ này khắc này, Địch Kỳ Dã không thể không tiếp thu một hiện thực, đó là Cố Liệt đã xông vào vận mệnh của hắn, trở thành một bộ phận hắn không thể không suy xét đến.

Muốn cùng Cố Liệt đi tiếp, có nghĩa hắn sẽ phải từ bỏ nguyên tắc của mình, thoả hiệp trước vương quyền ở một mức độ nhất định.

Mà Địch Kỳ Dã cũng không chắc chắn mình có thể chấp nhận thoả hiệp đến đâu, điều này khảo nghiệm mức độ tín nhiệm và giao lưu trọn vẹn mà hắn và Cố Liệt có thể dành cho nhau.

Vậy nên, vào buổi tối ngày Cố Liệt đăng cơ xưng đế này, hắn không thể không tới nói một số điều Cố Liệt tuyệt đối sẽ không thích nghe.

"Những lời tiếp theo của ta, ngươi nghe xong nhất định sẽ tức giận," Địch Kỳ Dã cảnh báo trước, "Nhưng nếu tối nay ta không nói, về sau ngươi sẽ càng tức giận."

Địch Kỳ Dã hạ chiến trường, rất ít khi có dáng vẻ nghiêm túc như vậy, đặc biệt là ở kiếp trước trong trí nhớ, sau khi Đại Sở khai triều, Địch Kỳ Dã vẫn luôn lấy hình tượng lười nhác tuỳ hứng để gặp người, lo ngôn quan không đi tố hắn.

Ánh trăng thanh lãnh, càng tôn nước da trắng nõn của người này lên như ngọc.

Kiếp trước mặc dù Địch Kỳ Dã có thanh danh binh thần Đại Sở, nhưng vì nguyên nhân chết kỳ lạ, rất ít được tế điện cung phụng, trong lòng Cố Liệt không phải không có thương tiếc.

Sau này hắn mới nghe nói, các thiếu nữ dân gian Đại Sở đã sớm hình thành ước định, Thất Tịch hàng năm, đều phải cung phụng trái cây cho tiểu tượng Địch Kỳ Dã vào ban đêm, thứ cầu còn không phải nhân duyên, mà là cầu Địch Kỳ Dã phù hộ các nàng càng lớn càng đẹp, làm Cố Liệt còn thành dở khóc dở cười.

Có lẽ, những cô gái khuê các này cũng biết rõ, học theo phong cách của Địch Kỳ Dã tuyệt đối sẽ không gả được cho lang quân như ý.

Nhớ tới câu chuyện cười không biết nên đánh giá như thế nào ấy, Cố Liệt gật đầu đáp: "Ngươi nói đi."

Địch Kỳ Dã không biết vì sao tâm tình của Cố Liệt tốt như vậy, còn liếc mắt nhìn Cố Liệt một cái đầy kỳ quái, rồi hắn nghĩ tới chuyện tối nay Cố Liệt đăng cơ xưng đế trong hoàng cung của kẻ thù, tâm tình tốt cũng là chuyện đương nhiên, vì thế hắn ném ý nghĩ này qua một bên, châm chước một lát, cuối cùng mới mở miệng.

"Không có chế độ nào là hoàn mỹ, văn minh tiến bộ cũng có một quá trình phát triển biến hoá, ta cũng không phải muốn leo cây tìm cá ở thời đại này, mà là muốn giải thích cho ngươi, vì sao ta và ngươi chung quy sẽ đối lập lẫn nhau."

"Nói đối lập, cũng không phải nói ta nhất định sẽ gây chuyện cho ngươi, nhưng điều này có lẽ còn tệ hơn cả gây chuyện cho ngươi nữa."

"Cố Liệt, ta có thể làm thần tử của ngươi, nhưng vĩnh viễn không có khả năng thật lòng thần phục trước vương quyền."

Lời còn chưa dứt, Địch Kỳ Dã đã nhìn ánh mắt của Cố Liệt, phát hiện trong đôi mắt nồng đậm như đêm đen đó tràn đầy tối tăm mịt mùng, nhưng không có tức giận.

Địch Kỳ Dã rũ mắt, tiếp tục nói: "Có lẽ ta là một người may mắn, thời đại của ta cũng không phải một thời đại hoà bình, nên ta có thể ganh đua được một vị trí nho nhỏ trong Tiên Phong Doanh."

"Nhưng, cho dù là ở thời kỳ chiến tranh, điểm khác biệt hoàn toàn giữa thời đại của ta và thời đại này là ở chỗ, mặc dù ta là thượng tướng, nhưng về mặt con người, ta và các binh lính của ta, cùng những người dân bình thường, đều bình đẳng."

"Điều này có nghĩa, ta có sự không ủng hộ từ căn bản đối với sự chuyên chế của vương quyền."

Địch Kỳ Dã tạm dừng một lát, dường như đang tự hỏi nên giải thích như thế nào, sau đó mới nói tiếp: "Nếu ngươi không hiểu được, thì có lẽ nó giống như học thuyết cổ nho thời Tiên Tần, nó coi trọng dân làm gốc, coi trọng nhân văn và lý tính, mà đối với sự chuyên chế của đế vương, có chứa đựng bài xích và hoài nghi."

"Đó quả thật cũng không phải tư tưởng hoàn chỉnh, thành thục, nhưng có chứa sự tôn trọng tự nhiên đối với con người đối với nhân tính."

"Nhưng nho học đời sau vì mưu cầu sự sủng ái của đế vương, bợ đỡ kinh học, vương triều đại nhất thống lại là ngoại nho nội pháp, có cái gọi là 'dục vi kỳ quốc, tất phạt kỳ tụ', vương quyền tập trung hơn bao giờ hết, đối với sự khống chế con người thậm chí còn không thể chịu đựng hình thức tụ tập như gia tộc, cường điệu phải làm trung thần của đế vương." (1)

"Mà thời đại của ta không có đế vương cao cao tại thượng, trên lý thuyết, mỗi người trong bọn ta đều có được quyền lợi và nghĩa vụ ngang nhau."

"Ngươi muốn thành lập một Sở Triều cường đại, ngươi là minh quân, tất nhiên sẽ đi theo con đường vương quyền độc tôn."

Địch Kỳ Dã cười cười bất đắc dĩ: "Có lẽ nói như vậy vẫn quá sáo rỗng. Ta cũng không phải muốn dùng một tư tưởng không thích hợp với thời đại này để thuyết phục ngươi. Ta chỉ muốn nói cho ngươi, ta sẽ không đương nhiên cho rằng ngươi là đúng."

"Ta sẽ không vì ngươi là đế vương, mà tán đồng với quan điểm, cách làm của ngươi. Một sự kiện đúng hay sai, ta vĩnh viễn sẽ không suy xét từ phe phái và ích lợi, với ta mà nói, đúng chính là đúng, sai chính là sai. Nếu ngươi muốn ta làm một thần tử, muốn ta đứng trên triều đình, ngươi sẽ phải chuẩn bị sẵn sàng."

"Có lẽ ta không có cách nào can thiệp vào quyết định của ngươi, ta cũng không định cưỡng cầu điểm này. Nhưng ngươi phải hiểu rằng, ta vĩnh viễn sẽ không thay đổi nguyên tắc của ta. Ta có thể thoả hiệp vì ngươi, nhưng chính bản thân ta cũng không thể bảo đảm, rốt cuộc ta có thể thoả hiệp bao nhiêu vì ngươi......"

"Ở trong mắt người khác, ta không phải thuận thần, không xem như thuần thần, đại khái, chính là một sủng thần bị ngươi phủng đến không biết trời cao đất dày, chốc chốc lại nói mấy câu kinh người." (2)

Địch Kỳ Dã mờ mịt ngắm nhìn bầu trời đêm ngoài điện.

Sau đó, hắn mới quay đầu nhìn về phía Cố Liệt: "Cho dù là như vậy, ngươi vẫn muốn ta đứng trên triều đình ư?"

—————————————————-

Chú thích:

(1) Đoạn này khá nhiều lý thuyết về tư tưởng, chính trị và nho giáo:

– Kinh học: kinh điển của Nho gia, thông thường là chỉ Nho gia Thập tam kinh, gồm Chu Dịch, Thượng thư, Kinh Thi, Chu lễ, Nghi lễ, Lễ Ký, Xuân thu Tả Truyện, Xuân thu công dương truyền, Xuân thu cốc lương truyền, Luận ngữ, Hiếu kinh, Nhĩ nhã, Mạnh Tử. Nhưng không phải kinh điển nguyên thuỷ của Nho gia do Khổng Tử biên soạn và hiệu đính (chỉ gồm Lục kinh)

– Đại nhất thống: là tư tưởng, trong một quốc gia phải thực hiện tập trung thống nhất cao độ về chính trị, kinh tế, tư tưởng, văn hóa, không cho phép có ý kiến khác với chủ trương đường lối của chính quyền trung ương. Xuất hiện lần đầu trong "Công Dương Truyện – Ẩn Công nguyên niên", tác giả là Công Dương Cao. Quan niệm thống trị nhà nước khởi nguồn từ thời Tam Đại (Hạ-Thương-Chu), các thế hệ vương triều hình thành từ sự ngưng tụ mối quan hệ huyết thống thị tộc; tức trong một thời kỳ nào đó, thế hệ đế vương dựa vào chế độ kế thừa dòng chính nối tiếp cha con. Khi quyền lực tối cao nằm trong tay một thành viên hoàng gia thì xã hội mới có thể cho rằng quyền lực tối cao ấy là hợp pháp; ngược lại là bất hợp pháp

– Ngoại nho nội pháp: tư tưởng thuộc Hán nho, nhà Hán chủ trương "dương đức", "âm pháp", hay còn gọi là "ngoại Nho, nội pháp", tức là chủ trương nhân trị (của Khổng Tử) chỉ còn là hình thức, vỏ bọc, mà thực chất là pháp trị. Hán Vũ đế giao cho nhóm người do Lưu Hâm cầm đầu, cải tạo và biến đổi Nho giáo để phục vụ vương triều. Nhóm của Lưu Hâm làm ba việc: Hạ thấp nhân trị, đề cao lễ trị; Loại bỏ tính dân chủ của Nho giáo nguyên thủy; Hạn chế vai trò của văn hóa sao cho có lợi cho chế độ phong kiến, như giới hạn quan hệ nam nữ, trọng nam khinh nữ

– Dục vi kỳ quốc, tất phạt kỳ tụ: xuất phát từ 《 Hàn Phi Tử · Dương quyền 》, một bài văn do nhà tư tưởng Hán Phi sáng tác thời Chiến Quốc. Ý câu này là, 'muốn thống trị quốc gia, cần phải diệt trừ bè phái'. Vế sau còn có, 'không diệt trừ bè phái, bọn chúng sẽ càng tụ càng nhiều'

(Nguồn: google, baidu,...)

(2) Thuận thần: thần tử vâng theo, an phận thủ thường, khuất thân với cường quyền, không dám nói thật, không có sự cương trực của phần tử trí thức thời xưa

– Thuần thần: thần tử chỉ theo và hướng về lợi ích của đế vương, không kết bè kéo phái, hay còn gọi là thuộc đế đảng ấy

—————————————————-

Chú thích dài bằng nửa chương truyện luôn...

loading...