Chương 46

★ Hư Danh Kiếp Trước ★

Cố Liệt nhẹ nhàng phẩy tờ giấy một chút, đánh giá như đang ghét bỏ: "Không học vấn không nghề nghiệp, còn dùng thơ lung tung."

Bài thơ 《 hành hành trọng hành hành 》 này nói về nỗi sầu hận biệt ly của người phụ nhân khi nhớ mong trượng phu đi xa nhà, trước không nói tới việc nó không thích hợp để dùng giữa quân thần, chỉ nói về chuyện ai là người đi xa, thì cũng nên là Cố Liệt đang an toạ ở đại doanh viết cho Địch Kỳ Dã đang xuất chinh ở bên ngoài.

Khương Dương xấu hổ mà thanh giọng, cắt đứt dòng suy nghĩ tự mình quơ cả mình vào của Chủ Công, chắp tay tạ tội, nói: "Cái này, ước chừng là Địch tiểu ca bị Khương Thông lừa gạt. Khương Thông từ nhỏ đã thích dùng mười chín bài cổ thi để trêu chọc cô nương, bị tộc lão phạt quỳ từ đường bao nhiêu lần, xem ra vẫn chưa biết sửa. Mạt tướng thân là đường huynh, có lỗi thiếu sót trong dạy dỗ, xin thỉnh tội thay cho Khương Thông."

Truyền thuyết ít ai biết đến này rất thú vị, Cố Liệt cười khẽ tỏ vẻ lý giải: "Hẳn chỉ là vô tình mắc lỗi. Vẫn luôn có câu người không phong lưu uổng thiếu niên, cũng không cần trách móc hắn nặng nề quá."

Khương Dương suýt nữa lập tức thuận miệng tiếp một câu, thế sao chẳng thấy ngài phong lưu gì hết vậy, bọn ta đều ngóng trông ngài phong lưu lấy một lần đây.

Nhưng rốt cuộc Khương Dương thận trọng, vẫn nhịn xuống, nghĩ tới nghị luận trong tộc, thuận thế thử: "Vốn dĩ trong quân chỉ có Chủ Công và tướng quân còn chưa thành gia, nhưng chớp mắt Bệ hạ cũng đã có con nối dõi rồi, Địch tiểu ca lại vẫn lẻ loi một mình. Cũng không có trưởng bối thu xếp cho hắn......"

Cố Liệt hoàn toàn không nghĩ tới vấn đề này.

Dù sao từ kiếp trước Địch Kỳ Dã đã không vợ không con, ngoại trừ đánh trận cái gì hắn cũng lười đi làm, còn đeo cái thanh danh phong lưu, càng đến giai đoạn về sau càng bị đẩy lên cao, dù có người nhớ nhung hắn cũng bị các loại nhân tố khiến cho nghỉ hết nhớ nhung.

Hiện tại Cố Liệt đã hiểu, kiếp trước Địch Kỳ Dã căn bản không muốn có bất cứ quan hệ gì với người khác, chuyện này cố nhiên có duyên cớ đã từng bị phản bội ở thế giới khác, nhưng bản tính kiêu ngạo, quá sạch sẽ của Địch Kỳ Dã và những khác biệt trong quan niệm giữa hai thế giới cũng là một nguyên nhân quan trọng.

Điều này đã giúp Cố Liệt vạch trần toàn bộ cái tiếng phong lưu giống như một câu đố của Địch Kỳ Dã.

Tin đồn về tính phong lưu của Địch Kỳ Dã ở kiếp trước, loại trừ những thứ bắt bóng bắt gió vô căn cứ, có ba sự kiện mà mọi người truyền có bài bản hẳn hoi: Một là vừa vào Sở quân đã đòi có tỳ nữ; hai là thu xướng kỹ của Thiên Hương Lâu làm thị nữ Hầu phủ; ba là hoài nghi có sở thích Long Dương.

Chuyện thứ nhất, đời này Cố Liệt đã biết là do Ngao Qua gây khó dễ, xoá bỏ nó ngay từ lúc ban đầu.

Chuyện thứ hai, phát sinh vào thời điểm trong kiếp trước khi Cố Liệt vừa mới đăng cơ.

Lúc đó thiên hạ mới ổn định, do Bạo Yến loạn thế và mấy năm liên tục chinh chiến, trăm nghiệp khó khăn, chờ phục hưng. Ba giáo Nho Đạo Thích (1) đều nhắm vào vị trí quốc sư còn trống. Mà ý muốn ban đầu của Cố Liệt là hy vọng trăm nhà đua tiếng, nên không tính toán thành lập riêng Quốc Học. (2)

Hắn không có mấy thiện cảm với thế lực văn nhân sĩ tộc, Tạ gia lớn nhất trong số đó là tàn tộc của tứ đại danh phiệt, Cố Liệt không muốn cho Tạ gia tro tàn lại cháy.

Phật học là bị chèn ép, năm đó tiên đế Bạo Yến cực kỳ tin tưởng Phật học, khiến cho Sở Cố lưu lạc bốn phương, việc điều Cố gia Trung Châu lấp vào Sở, chính là ý tưởng của vị cao tăng nào đó cấp cho tiên đế Yến Triều, mục đích để cắt đứt số mệnh của Sở Cố. Cố Liệt không trả thù rùm beng đã là minh quân, sao có thể đi lễ Phật.

Mà Đạo gia, có Nhan Pháp Cổ là nguyên nhân, tuy Cố Liệt không trọng dụng, nhưng chưa tới mức chèn ép như Phật học.

Kiếp trước giai đoạn tranh bá cuối cùng, Sở quân tấn công Lôi Châu, Nhan Pháp Cổ một lòng đi tìm Vương gia để báo thù cho ái nữ, giết dòng chính của Vương gia đến vấy đỏ khắp sảnh đường, gột sạch một lần hận ý đã chất chứa nhiều năm, lúc ấy hắn có chút như điên như cuồng, sơ ý không phòng bị, đã chết trong tay quân Yến.

Cố Liệt thật sự tự trách, tu sửa đạo quan để tưởng niệm Nhan Pháp Cổ.

Nhưng việc này liền bị kẻ có tâm coi là tín hiệu bày tỏ thiện ý của đế vương với Đạo gia. Từ trước đến nay Đạo gia luôn thích nhập thế, lập tức có đạo sĩ nhảy ra làm con chim đầu đàn, muốn kiếm tám ngày phú quý. (3)

Ngày ấy Địch Kỳ Dã lên phố đi dạo, vừa vặn đụng phải một tên đạo sĩ, đang kêu đánh kêu giết hiên ngang lẫm liệt trước cửa Thiên Hương Lâu.

Thiên Hương Lâu là hoa lâu đệ nhất tại kinh thành, chưởng quầy là một nhân vật lợi hại, trải qua chiến loạn đổi triều, toàn bộ kinh thành đều thay đổi diện mạo bao lần, nhưng Thiên Hương Lâu vẫn sừng sững không đổ.

Tên đạo sĩ đó đẩy đẩy đánh đánh những cô nương kéo khách ở cửa Thiên Hương Lâu, mắng các nàng không biết liêm sỉ, mang theo cái nghề buôn bán da thịt từ Yến Triều tới Sở Triều, là vận số của kẻ xấu, sẽ làm hỏng số mệnh của Đại Sở.

Miệng gã đầy số mệnh, đại nghĩa, lại dám la lối khóc lóc ở cửa Thiên Hương Lâu, nên thủ vệ nhất thời không biết tên đạo sĩ này có lai lịch gì, không dám hành động thiếu suy nghĩ. Các nam nhân tới lui trên hoa phố cùng đám ăn chơi trác táng nhậu nhẹt trên lầu đều nhìn cảnh rối loạn này như vở kịch vui.

Mong muốn ban đầu của gã đạo sĩ đó chính là thu hút sự chú ý của mọi người, thấy vậy gã càng đắc ý, tay chân miệng lưỡi lại càng làm càn, mượn danh đại nghĩa tuỳ ý khinh nhục những cô gái yếu đuối ấy.

Cô nương kéo khách đều là xướng kỹ bị đào thải xuống dưới, không phải lớn tuổi sắc suy thì là mắc phải bệnh kín, vì vẫn còn vài phần xinh đẹp, nên bị quán các đặt ở cửa để kéo khách, tính vật tẫn kỳ dụng.

Lại qua thêm nửa năm một năm nữa, không kéo được khách, họ sẽ bị đưa tới hẻm tối, loại khách nào cũng phải tiếp, không quá một năm, đa số đều chẳng còn mệnh, bọc một cái chiếu chôn qua loa.

Trong những cô nương ấy, không ít người đã từng là danh kỹ xinh đẹp nổi tiếng gần xa, hôm nay rớt xuống ngàn trượng, mỗi ngày chịu đủ mọi lạnh nhạt, trong lòng lại lo lắng hãi hùng. Hiện tại bị nhục nhã quá quắt như vậy trước mặt mọi người, có người luẩn quẩn trong lòng, rốt cuộc đẩy tên đạo sĩ đó ra, đâm đầu vào tường mà chết.

Cảnh tượng ấy thực thảm thiết, trên lầu còn có đám ăn chơi trác táng khen hay, trong lòng những cô gái khác bi ai, cùng nhau khóc.

Đạo sĩ đắc ý dào dạt, hô to: "Nàng đã chịu sự dạy bảo của bần đạo, sinh ra giác ngộ, lấy cái chết để chứng minh! Các ngươi vẫn u mê không tỉnh ngộ sao!"

Lời này chính là ép các nàng đi tìm cái chết.

Nhưng chết như vậy, vô duyên vô cớ làm đá kê chân cho tên đạo sĩ đó, ai có thể cam tâm?

Tên đạo sĩ đó thấy các nàng không cử động, lại bắt đầu xô xô đẩy đẩy các nàng, nhân cơ hội sờ soạng, bỗng nhiên gã gào lên thảm thiết, bị người đá bay đi thật xa.

Mọi người theo tiếng nhìn lại, uây, Định Quốc Hầu.

Tên đạo sĩ đó tức giận đến thất khiếu bốc khói, bò dậy muốn tìm đầu sỏ để tính sổ, lao tới trước mặt mới phát hiện ra đó là Định Quốc Hầu Địch Kỳ Dã, chân gã tức thì mềm nhũn, quỳ xuống tại chỗ, cung cung kính kính mà dập đầu cho Địch Kỳ Dã, tự xưng lòng gã quan tâm số mệnh của Đại Sở, đến giáo hoá đám nữ nhân không biết liêm sỉ này.

"Chân tay ngươi đầy đủ, không thấy ngươi canh tác giăng lưới, không thấy ngươi lên chiến trường giết địch, không thấy ngươi đi thi đi cử, nhưng lại thấy ngươi kêu đánh gọi giết với nữ tử của Đại Sở ta."

"Không biết liêm sỉ? Ngươi đúng thật là không biết liêm sỉ."

Địch Kỳ Dã rút bội đao ra khỏi vỏ, giơ tay chém xuống, không ai ngờ hắn lại chém đầu tên đạo sĩ giữa phố phường nhộn nhịp.

"Lấy mạng đền mạng."

Hoa phố vốn đang náo nhiệt ồn ảo chợt lặng ngắt như tờ, người xung quanh đều quỳ lạy dưới đất, sợ tới mức không dám thở ra.

Địch Kỳ Dã cười lạnh nhìn đám nam tử quỳ đầy trên mặt đường hoa phố, châm chọc nói: "Các ngươi mà cũng được coi là nam nhân."

Mọi người không dám nói.

Địch Kỳ Dã quay đầu, nói với những cô nương kéo khách đã trắng bệch mặt, rằng: "Nếu các ngươi chịu làm việc nặng, có thể theo ta về phủ Định Quốc Hầu."

Nói xong, Địch Kỳ Dã không ở lại chờ, xoay người đi luôn.

Những cô nương kéo khách đó đầu tiên là sững sờ tại chỗ, sau đó từng người đứng lên đi theo phía sau Địch Kỳ Dã, nơm nớp lo sợ hướng về phủ Định Quốc Hầu.

Địch Kỳ Dã không có nuốt lời, thu các nàng làm thị nữ, thanh toán cho Thiên Hương Các một khoản phí chuộc thân.

Vì chuyện nhỏ nhặt này, đám văn thần dâng sổ con mắng Địch Kỳ Dã suốt một năm, nhưng Cố Liệt cũng không cho ý kiến, trực tiếp chôn vùi, còn ra tay chỉnh đốn Đạo gia một phen.

Từ kiếp trước Cố Liệt đã không cảm thấy Địch Kỳ Dã làm sai chuyện này, chỉ là thủ đoạn hơi quá khích, cách xử lý sau đó cũng có chỗ không ổn thoả. Nhưng suy cho cùng vẫn là tên đạo sĩ đó cố ý làm loạn, gây sự trước.

Có Cố Liệt chống ở phía trước, Địch Kỳ Dã căn bản không thèm phản ứng lời đồn đãi tương quan với chuyện này. Dưới sự thúc đẩy của những kẻ có tâm, lời đồn đãi càng truyền càng kinh khủng, chờ tới khi truyền đến tai Cố Liệt, đã bị thêm mắm thêm muối thay đổi không biết bao nhiêu, kết hợp với những sự tích khác, trở thành một việc dù muốn quản cũng không còn kịp nữa rồi.

Chuyện thứ ba, yêu thích Long Dương...... nói tới còn có liên quan đến người của Khương gia.

Trong chi thứ của Khương gia, có một công tử cùng thế hệ với Khương Thông, tên là Khương Duyên. Hắn nhỏ hơn Khương Thông hai tuổi, thiên tư trác tuyệt, cũng là một trong những hậu bối rất được Khương gia coi trọng, nhưng hắn không đi theo con đường trong tộc sắp đặt, cùng tòng quân với Khương Thông, mà là vô thanh vô tức gia nhập ám viện chuyên huấn luyện mật thám.

Thời kỳ tranh bá, Khương Duyên thân là mật thám lập được công lao không nhỏ, Cố Liệt xem ở mặt mũi của Khương Dương và Khương gia, vốn định điều hắn đến địa phương rèn luyện mấy năm, sau đó thu hồi về rồi phân cho chức vị quan trọng. Kết quả Khương Dương âm thầm tìm tới, thở dài bất đắc dĩ, thỉnh cầu Cố Liệt giữ Khương Duyên lại trong kinh, làm một chức quan nhỏ.

Cái này kỳ lạ quá rồi, nào có đạo lý cho hậu bối nhà mình xuống thấp mà không phải lên cao? Lấy năng lực của Khương Duyên, làm quan nhỏ ở kinh thành rõ ràng là lãng phí, hơn nữa không có hi vọng được thăng chức, tương đương cả đời cứ như vậy bị huỷ hoại.

Khương Dương cũng có khổ mà không nói nên lời, Khương Duyên vì từ chối hôn ước, nói thật với trong nhà rằng mình là đoạn tụ, đời này thề tuyệt đối không cưới vợ. Lúc ấy thọc tổ ong vò vẽ, tộc lão trong tộc bị Khương Duyên chọc giận cuồng nộ, nhất định phải giữ hắn ở kinh thành để trông coi nghiêm ngặt, "Miễn cho hắn đi ra ngoài mất mặt."

Khương Dương cũng không có cách nào lý giải chuyện này, thậm chí là tức giận, nhưng trong lòng vẫn thương tình đứa nhỏ này bị huỷ toàn bộ tiền đồ. Thế nhưng dù hắn đã là thừa tướng cao quý, cũng không thể chống đối lại quyết định của tộc lão.

Cố Liệt là lần đầu tiên nghe thấy loại chuyện này, nghĩ tới nghĩ lui, nói cho Khương Dương, ngươi cũng đừng sầu, cứ nói là ý chỉ của ta, trước điều Khương Duyên đến cận vệ doanh đi.

Tin đồn nhảm nhí là thứ truyền đi nhanh nhất, không đến hai ngày đã truyền vào lỗ tai Địch Kỳ Dã, hắn còn trêu chọc Cố Liệt, nói không ngờ Bệ hạ còn rất khai sáng.

Kết quả nói lời này chưa được nửa tháng, Địch Kỳ Dã vì trốn Khương Duyên, đã phải ở nhờ trong cung không đi.

Nam tử Khương Duyên này, năng lực mạnh, tướng mạo đẹp, cái gì cũng tốt, chỉ có một điều không tốt, đó là mắt hắn không tốt.

Người hắn thích, đều là mỹ nam ngàn dặm mới tìm được một, nhưng rất tà môn là, người không có ý với hắn, phẩm chất tính cách tất cả đều xuất chúng ngàn dặm mới tìm được một, quá nửa không ngại cùng hắn làm bằng hữu bình thường. Nhưng có ý với hắn, đều là cặn bã ngàn dặm mới tìm được một.

Khương Duyên theo đuôi Địch Kỳ Dã không có kết quả, cũng liền từ bỏ, đoạn phong lưu khác lạ này một thời còn từng được truyền là một câu chuyện đẹp, mọi người đều khen diện mạo Định Quốc Hầu tuấn mỹ, khiến nam tử cũng phải động lòng.

Khương Dương tự mình tới xin lỗi Địch Kỳ Dã. Địch Kỳ Dã không để bụng chút nào, ngược lại còn khuyên Khương Dương xem thoáng một chút, đừng ép buộc Khương Duyên.

Sau đó Khương Dương cảm thán với Cố Liệt, nói tuy Địch tiểu ca bị Bệ hạ dung túng tuỳ hứng quá mức, nhưng lòng dạ vẫn tốt.

Hai năm sau, thế cục trong triều đã sửa, đối với đông đảo công thần đánh thiên hạ, Cố Liệt luận công khen thưởng, đồng thời đã sớm đề phòng cảnh giác.

Công thần nhìn được minh bạch đều đã tiếp thu hiện thực, thoải mái hưởng thụ vinh hoa phú quý, không nghĩ chuyện khác. Nhìn không rõ hoặc lòng tham không đáy, lúc này vẫn đang tranh đấu gay gắt, dự trữ nuôi dưỡng cường hào, muốn tranh làm vương tước một lần.

Địch Kỳ Dã và Khương Dương kiên định đứng về phía Cố Liệt, bởi vậy chịu đủ mọi công kích, đặc biệt là Địch Kỳ Dã, công thần duy nhất được phong Hầu.

Khi đó rất nhiều công thần lén gọi Địch Kỳ Dã là "Công cẩu", mắng hắn là con chó trung thành của Cố Liệt.

Địch Kỳ Dã không để bụng.

Bấy giờ đã là năm Sở Sở thứ ba, Khương Duyên xảy ra chuyện. Người yêu của hắn phản bội hắn, không chỉ hạ nhục hắn, còn gióng trống khua chiêng chuẩn bị thành thân, Khương Duyên lấy ra bản lĩnh giữ nhà thời làm mật thám, phá hôn lễ rối tinh rối mù, náo loạn tới trên dưới cả nhà người yêu hắn mang tai mang tiếng, dọn khỏi kinh thành ngay trong đêm.

Chuyện này vốn là việc tư của Khương Duyên, nhưng hai phương hôn lễ đều không phải nhà dân thường, tuy rằng không thành thông gia, nhưng bắt tay nhau dư sức hành hạ Khương Duyên.

Khương Duyên bị tố, từ đạo đức cá nhân đến công chức đều bị chỉ trích, thậm chí vu hãm nói hắn từng vì yêu nam tử dị tộc mà phản bội Đại Sở trong thời kỳ tranh bá.

Bởi vì Khương Duyên đã bị Khương gia từ bỏ, lại có tiếng yêu thích nam tử, nên không có ai muốn dính phải hiềm nghi, bỗng chốc hắn trở nên tứ cố vô thân. Cho dù Cố Liệt có ý thả cho Khương Duyên một con ngựa, nhưng nếu không ai giải thích giúp Khương Duyên, Cố Liệt cũng không có cách nào cố tình thả người.

Đến cuối cùng, vẫn là Địch Kỳ Dã đứng lên.

Hắn cũng không nói Khương Duyên vô tội, mà chỉ mắng đám văn thần tố Khương Duyên tới máu chó lâm đầu, nói bọn họ ăn không ngồi rồi, không quan tâm hạn hán ở Tần Châu, lại quan tâm một vị quan nhỏ nhỏ tối đến về nhà ngủ với nam hay với nữ, đứng ở trong triều cũng là đám phế vật, không bằng về nhà trồng trọt đi.

Cố Liệt cũng không dám hồi tưởng sau lúc ấy hắn thu được bao nhiêu sổ con tố Địch Kỳ Dã.

Nhưng vô luận thế nào, Khương Duyên đã được cứu, mà Địch Kỳ Dã cũng quấn lên cái tiếng tăm đoạn tụ.

Sau này, Cố Liệt từng trêu Địch Kỳ Dã, hỏi hắn: "Ra mặt giúp Khương Duyên như vậy, phải chăng Định Quốc Hầu thật sự có sở thích đoạn tụ?"

Địch Kỳ Dã đảo trắng mắt, "Đoạn tụ thì làm sao, ngài cũng từng phân đào còn gì."

Cố Liệt bị một câu của Địch Kỳ Dã nghẹn quá trời, rồi lại nghe Địch Kỳ Dã nói tiếp: "Ta không có hứng thú với cả nam lẫn nữ, nhưng kể cả ta có thích nam nhân thì đã sao? Ta thích nam nhân thì ta sẽ không đánh trận được nữa à? Ban đêm ta ngủ một mình hay ngủ hai người, ngủ nam hay ngủ nữ, trên đời này không ai có thể quản được hết."

Địch Kỳ Dã nói xong, còn cười lắc đầu thở dài, giống như đang nói đạo lý đơn giản như thế mà còn cần hắn phải nói ra.

Cố Liệt nghe đến sửng sốt. Nhưng đặt tay lên ngực tự hỏi, vậy mà hắn lại cảm thấy những lời nói vi phạm nhân luân lẽ thường này của Địch Kỳ Dã không phải không có lý.

Thế nên, danh tiếng phong lưu của Địch Kỳ Dã kiếp trước, thật đúng là vô cùng oan uổng.

Có điều, tuy rằng đại bộ phận là do có kẻ cố ý thúc đẩy, nhưng không thể không tính cả công lao của bản thân Địch Kỳ Dã khi cố tình mặc kệ những lời đồn ấy.

Nghĩ đến đây, Cố Liệt tìm bừa một cái cớ thay cho Địch Kỳ Dã, "Tuỳ hắn đi. Tiêu chuẩn của hắn cao lắm, nữ tử bình thường hắn còn chướng mắt ấy."

Trên đời này, có nữ tử nhà ai có thể thiệt tình lý giải con người đến từ thế giới khác, lời nói lẫn hành động đều vượt xa người thường này? Chỉ sợ không tìm thấy.

Khương Dương đoán ý của Chủ Công là không muốn Địch tiểu ca liên hôn với gia thần, trong lòng thở ra nhẹ nhàng, tính lúc về sẽ truyền đạt lại cho tộc lão như thế.

Hắn hỏi sang chuyện khác: "Vì sao lần này Chủ Công không phái phó tướng giám quân cho Địch tiểu ca?"

Cố Liệt bất đắc dĩ nói: "Tự hắn có thể xử lý được, Bắc Hà lại không có ở đây, những người khác sớm hay muộn cũng bị hắn tức chết, thà rằng không phái cho xong."

Đây là lời nói đúc kết từ kinh nghiệm của Cố Liệt, kiếp trước cứ tới một cái phó tướng là Địch Kỳ Dã chọc chạy một cái, cuối cùng chỉ có con người thành thật như Chúc Bắc Hà chịu xuất binh cùng hắn. Hơn nữa Cố Liệt cũng cố ý cho Địch Kỳ Dã thể hiện năng lực chính trị, vậy nên Địch Kỳ Dã vừa nói không muốn có phó tướng, Cố Liệt liền đồng ý.

"Chủ Công, ngài quá dung túng Địch tiểu ca rồi," Khương Dương rầu thúi ruột, nhớ tới lời đồn chợt cảm thấy buồn cười, "Khó trách bọn họ đều đoán Địch tiểu ca và thân mẫu của tiểu vương tử là tỷ đệ, ngài là tỷ phu ruột của Địch tiểu ca."

"Gì?"

Hắn nghe thấy cái gì cơ?

Khương Dương lặp lại một lần nữa, giải thích tỉ mỉ kỹ càng, nói: "Bọn họ đoán Địch tiểu ca cũng là hậu nhân của Công Tử Lịch, là tỷ đệ ruột thịt với thân mẫu của tiểu vương tử, nên từ ban đầu ngài đã rất dung túng hắn. Bởi vì Địch tiểu ca dụng binh như thần, trí kế trác tuyệt, hơn nữa tướng mạo tuấn mỹ, nếu là nữ tử, sẽ rất là xứng đôi với Chủ Công ngài."

Cố Liệt tức cười: "...... Cả đám các ngươi có phải đều nhàn rỗi sinh nông nổi không?"

—————————————————-

Chú thích:

(1) Thích: trong Thích Ca Mâu Ni, chỉ đạo Phật

(2) Quốc Học: tương đương Quốc Tử Giám

(3) Tám ngày phú quý: một cách nói, 'bát thiên' dùng để hình dung cực đại, cực nhiều, ở đây nghĩa là tài phú cực đại

—————————————————-

Bỗng phát hiện Cố thần cũng rất có tiềm năng bị vả mặt =))))

loading...

Danh sách chương: