Dich Phan Quan Moc To Ly Chuong 117

Chương 117: Tạm biệt

Thật ra bạn đã nói lời tạm biệt với người phải rời đi trong một đêm dài nào đó rồi.

Dịch:

Mùa đông năm nay đột ngột kéo tới, nhiệt độ không khí đùng cái giảm mạnh, dường như khắp chốn lạnh cóng chỉ trong vòng một đêm.

Khu vực Thường Dương nhiều sông nước. Vào sáng sớm, khi tiết trời đang là lúc lạnh giá nhất, trên mặt nước đã kết một tầng băng cực mỏng.

Ven sông lác đác vài người đi ngang qua, há miệng là có thể thở ra một làn khói trắng, lồng hấp của sạp hàng bán đồ ăn sáng bốc hơi nghi ngút, rải rác vài ánh đèn le lói.

Lúc này vẫn còn quá sớm, cả thành phố còn chưa tỉnh giấc, khu dân cư cực kỳ yên bình.

Thỉnh thoảng có người vừa kết thúc ca đêm, đỗ xe điện gọn gàng trong nhà để xe, hà hơi vào tay vội vã rời đi, khi đi qua tòa nhà số 9 sẽ quay đầu liếc mắt một cái.

Trước tòa nhà đó bắc một rạp đám ma, lại có người không sống qua được mùa đông lạnh giá này.

Khu phố này đa số là người già, chuyện như vậy thường xảy ra vào những ngày nóng nhất hoặc lạnh nhất. Có người do mắc bệnh cấp tính, có người hết thọ chết già.

Cho dù là loại nào thì cũng không tránh được việc có người đau buồn có người ngậm ngùi khóc thương.

Người trong rạp còn chưa tới, trên vách rạp treo áo tang và mũ tang trắng được cất gọn đêm qua, chúng được buộc thành từng túi với tên họ được viết vội vàng, có gia quyến, có hàng xóm láng giềng, còn có một tờ giấy trắng như đang đợi ai đến điền vào.

Đám tang này kéo dài rất nhiều ngày mới kết thúc vào đêm qua.

Hôm nay sẽ dỡ bỏ cổng rạp còn sót lại, sau này chẳng còn bất cứ dấu vết nào nữa. Tờ giấy trắng kia hứng gió lạnh nửa buổi rồi sẽ bị quăng vào trong chậu lửa cùng với cái túi.

Nếu hỏi người quen biết gia đình này rằng tờ giấy trắng ấy đáng lẽ phải là ai. Bọn họ sẽ trả lời là một người tên "Lan Lan" không tới kịp đám tang này, là cháu ngoại do bà cụ tự tay nuôi lớn. Lý do gọi tên mụ này là vì bà cụ thích hoa tóc tiên trắng nhất.[1]

[1] tóc tiên trắng /葱兰/: Trong chữ có 兰, phiên âm tiếng việt là Lan.

Khóm hoa lớn trong bồn hoa trước tòa nhà số 9 đều do bà cụ trồng khi còn sống. Tiếc là vừa khéo lỡ mất thời kỳ ra hoa nên không nở bông nào.

Giống như cô gái tên "Lan Lan" không thể về kịp tang lễ vậy...

Không phải vì có mâu thuẫn gì, chỉ là trời xui đất khiến chậm trễ, bỏ lỡ lần gặp mặt cuối cùng giữa hai người, không thể nói một lời tạm biệt đàng hoàng.

Tương tự với rất nhiều chuyện trên cõi đời này.... sẽ luôn có nỗi tiếc nuối như vậy.

Nhưng người ngoài không hề biết Lan Lan thật ra quay về rồi. Rạng sáng về tới nhà, thấy dải vải đen viết chữ "Cúng" ở cửa, cô khóc gọi "Bà ngoại ơi mở cửa cho con" sau đó chìm vào trong cơn mơ.

------ Cô vào lồng rồi.

Không rõ là do cõi lòng cô tan nát không buông bỏ được hay là vì bà ngoại vẫn luôn đợi cô nữa.

Có lẽ là cả hai chăng.

Dẫu sao vui buồn tan hợp bao giờ cũng từ hai phía cả.

Đây là cái lồng thứ 9 bọn Văn Thời vào tháng này, không đặc biệt mà cũng không rắc rối lắm, y hệt những cái lồng họ từng vào ngày trước mà thôi.

Ngay cả lý do hình thành lồng cũng hết sức đơn giản, những người không biết rõ thậm chí còn chẳng hiểu tại sao nó lại trở thành lồng. Nhưng Văn Thời và Trần Bất Đáo thì hiểu.

Vì đây mới là trạng thái bình thường của thế giới.

Vui vẻ hay đau buồn vì một điều cực kỳ nhỏ bé, không thể buông bỏ ai đó hay bịn rịn không nỡ vì một chuyện cỏn con nào đó.

Tựa như rạng sáng nay khi trời còn chưa hửng sáng, trong chiếc lồng mà người bình thường không thể nhìn thấy. Trần Bất Đáo buông thõng tay, Văn Thời thu dây rối lẳng lặng đứng cách một khoảng xa, đợi bà cụ nắm chặt tay Lan Lan, vừa vuốt ve bàn tay vừa nói lời chào tạm biệt.

Bà nhìn cô gái trẻ khóc thút thít, định rút khăn tay từ trong túi ra lại phát hiện quần áo trên người đã đổi thành áo liệm rồi, không có túi áo cũng chẳng có khăn tay.

Thế là bà đành dùng tay lau nước mắt cho cô, dỗ dành: "Ơ kìa đừng khóc, đừng khóc nữa."

"Bà ngoại vẫn luôn đợi con mà, không gặp được con thì bà nỡ lòng nào bỏ đi chứ?"

"Con do bà một tay nuôi nấng, từ khi bé xíu đến lúc lớn chừng này, thoắt cái đã thành một nàng thiếu nữ rồi. Năm nay lạnh thế này, một mình con ở nơi phương xa, bà lo lắng lắm."

"Là bà dặn ba mẹ con đừng nói với con, không phải dạo gần đây con đang tìm việc làm à, con còn bảo sẽ dùng tháng lương đầu tiên dẫn bà đi ăn một bữa ngon, bà nghĩ....gắng gượng thêm chút nữa biết đâu lại có sức khỏe, có thể ra ngoài với con."

Chóp mũi cô gái ửng đỏ, nắm chặt lấy tay bà ngoại, nghẹn ngào nói không nên lời. Cuối cùng vừa khóc vừa nói: "Vậy bà đợi con với."

"Con tìm được việc rồi, mấy ngày nữa là nhận được tháng lương đầu tiên, sao bà không đợi con chứ..."

"Bà chẳng phải đang đợi con đấy sao." Bà cụ nói, "Thật ra bà đâu thể dạo chơi được nữa, chỉ muốn nhìn thấy con nhiều hơn thôi. Đêm đó bọn họ tề tựu trong phòng bà khóc than, thật ra bà biết nhưng không mở mắt ra nổi...."

"Lúc đó bà bèn nghĩ phải làm sao bây giờ, Lan Lan còn chưa ổn định cuộc sống, bà còn chẳng biết cục cưng của bà sau này sẽ sống ở đâu nữa cơ mà."

Bà cụ ôm mặt cô gái nói: "Căn nhà sau này của con, bà nội không nhận ra được rồi."

"Bên Quảng Viên...." Cô gái nghe vậy khóc không thành tiếng, thút thít báo địa chỉ: "Số 504.... tầng 3 cao ốc số 2, con....vừa thuê xong, con không đổi nữa. Trong bồn hoa dưới tòa nhà có khóm....có một cây ngọc lan giống dưới tầng nhà mình, to lắm."

"Ừ." Bà cụ gật nhẹ đầu.

"Con còn mua rất nhiều chậu hoa, khi nào về con sẽ đi mua hoa tóc tiên trắng." Cô gái nói, "Con sẽ....xếp một hàng đặt ở trên ban công, bà nhìn cái là nhận ra ngay."

"Ừ." Bà cụ cười: "Hoa tóc tiên trắng, bà ngoại nhớ rồi."

Cô gái tên "Lan Lan" kia khóc rất lâu, khóc đến mức mệt lả, lảo đảo sắp ngã. Còn bà cụ nọ vẫn ôm gương mặt cô, nắm tay cô, ôm cô vào lòng như những cụ già khác thích làm.

Tới giây phút cuối cùng, bà cụ xoa đầu cô, từ tốn bảo: "Bà ngoại chờ được con thế là đủ rồi, đến lúc phải đi thôi..."

Bà ngẩng đầu nhìn về phía Văn Thời và Trần Bất Đáo, hiền hậu gật đầu nói: "Cảm ơn."

Văn Thời cũng gật nhẹ đầu với bà, sau đó đưa mắt nhìn sang Hạ Tiều đang ngồi xổm bên cạnh. Có lẽ cậu cũng nhớ tới một ông cụ nào đó, bật khóc theo không biết bao lâu.

Văn Thời im lặng giây lát rồi duỗi tay ủi nhẹ lưng cậu: "Lần này cậu làm đi."

Lúc hắn quay lại, đối diện với ánh mắt ấm áp của Trần Bất Đáo.

Đây là chiếc lồng đầu tiên Hạ Tiều tự tay giải.

Khi cậu đặt ngón tay lên vai bà cụ, từng làn sương đen tràn vào trong cơ thể dọc theo đầu ngón tay, y như những lần Văn Thời và Trần Bất Đáo từng làm.

Nhiều người không hiểu đều cho rằng loại sương đen nồng đậm này rất "Bẩn", nhưng ở chỗ bọn họ thì nó được gọi là "Trần duyên", là mối bận tâm của người trần.

Cậu có thể nếm được đủ mọi cảm xúc từ đó.

Đó là trọn một đời của ai đó, cũng là khoảnh khắc lồng tan rã.

Giây phút ấy, không biết nơi nào vang lên tiếng kèn bầu. Trên bức danh phả phán quan vẫn luôn im ắng bấy lâu rốt cuộc xuất hiện cái tên mới ngay phía sau Thẩm Kiều.

***

Khi Hạ Tiều phát hiện ra sự thay đổi của danh phả thì đã là hai ngày sau.

Hôm đó bọn họ thu dọn hành lý chuẩn bị rời Tây An về Ninh Châu. Trước khi đi Văn Thời dẫn cậu đi xem nơi Thẩm Kiều đã từng sinh sống ở Tây An.

Nơi đó đã sớm thay hình đổi dạng, khu vực từng là vùng giải phóng cũ biến thành một cửa hàng tổng hợp, dù vào trời đông giá rét nhưng vẫn rất đông đúc, không còn thấy được dáng vẻ trong quá khứ nữa.

Nhưng Hạ Tiều vẫn bịn rịn bên đó rất lâu.

Lâu đến nỗi bọn họ gặp được một người.

------ Cô gái tên "Lan Lan" ấy mặc một chiếc áo lông trắng, đội mũ len đỏ, đồng bộ với chiếc khăn quàng cổ che kín qua cằm. Vì trời gió rét nên chóp mũi hơi ửng đỏ.

Nói ra khá dở khóc dở cười, Lan Lan trong lồng khóc nức nở lại còn luôn cúi đầu nên bọn họ không mấy ấn tượng với gương mặt của cô, thế nên khi cô cúi đầu cụp mắt thì mới thấy quen quen.

Mắt cô vẫn hơi sưng, không biết ba ngày qua đã khóc thêm bao nhiêu lần, nhìn có vẻ mỏi mệt và mất tập trung.

Cho đến khi thoáng trông thấy Văn Thời, cô mới sực tỉnh rồi nhìn chằm chằm bọn Văn Thời một lúc lâu, suýt nữa va phải đám người đang đi tới trước mặt.

Thật ra cô cũng không nhớ rõ mọi chuyện trong lồng như bao người khác, chỉ có ấn tượng mang máng mà thôi.

Trong ấn tượng, cô mơ một giấc mơ, trong mơ gặp được bà ngoại, hình như còn có mấy người tiễn đưa bà cùng cô nữa.

Nhưng cô không nhớ rõ mặt mũi mấy người đi cùng trong mơ ra sao, thỉnh thoảng nhìn thấy ai đó trên đường sẽ cảm thấy quen mặt như đã từng quen biết.

Cuối cùng Lan Lan cũng không mở miệng gọi ai.

Cô chỉ thoáng tỏ vẻ nghi ngờ, đứng đờ tại chỗ trong chốc lát, sau đó lắc đầu quay người nhanh chóng hòa vào đám đông.

Đây là một khoảnh khắc hết sức tình cờ với cô ấy, nhưng với Văn Thời và Trần Bất Đáo thì lại là trạng thái bình thường, dù sao bọn họ cũng từng tiễn đưa nhiều người nên chẳng mấy kinh ngạc.

Đó chỉ là một ngày nào đó trong cuộc sống yên bình, chẳng có gì hiếm lạ.

Không biết Trần Bất Đáo có âm mưu gì, anh chọn một cửa hàng bánh ngọt có khách xếp hàng dài trong các cửa hàng gần đó rồi nắm tay Văn Thời đi mua ít bánh. Anh vừa cười vừa thưởng thức nét mặt viết rõ "Có ngu mới đi xếp vào cái hàng dài thế này, nhưng ai đó muốn ăn mà tôi lại không thể phản đối" của lão tổ thuật rối.

Sau đó anh nhanh chóng bị trả thù------

Lão tổ thuật rối bày mánh khóe lừa gạt chẳng ra làm sao của mình, dùng lời nói dối mà vừa nghe đã thấy không giống hắn tẹo nào bảo "Tây An có cửa tiệm lâu đời hắn thường hay tới, hương vị món ăn vô cùng hấp dẫn, hắn rất thèm" để lừa Trần Bất Đáo gật đầu đồng ý.

Sau đó hắn men theo ký ức của hơn hai mươi năm trước tìm được cửa tiệm lâu đời nổi tiếng ngon (cay) kia, cho vị tổ sư gia không ăn tí tẹo đồ cay nào ăn với mình một bữa.

Cả một bàn ăn chỉ có thể hình dung bằng hai chữ: Đỏ au.

Và đánh giá của Trần Bất Đáo về bữa ăn này chỉ có một câu: Giết địch một ngàn tổn hại tám trăm.

....

Bởi vì ai đó thật ra cũng không ăn được cay.

Hôm đó bọn họ định về thẳng núi Tùng Vân, vì cách kỳ mai trắng nở cũng không còn bao lâu, họ phải trông coi trận dưỡng linh. Nhưng cuối cùng cửa trận lại mở ra tại phòng khách biệt thự nhà họ Thẩm, đối diện với tủ lạnh.

Khoảnh khắc đáp đất, Hạ Tiều ngơ ngác.

Cậu đối mặt với chiếc tủ lạnh cao cỡ một người, sau đó quay đầu nghiêm túc hỏi Văn Thời: "Ủa anh, anh nóng hay là đói bụng thế?"

Anh cậu còn chưa trả lời, tổ sư gia đã bảo: "Em ấy bị cay xé lưỡi rồi, muốn trộm nước uống của cậu để giải cay."

Văn Thời: "...."

Đồ của nhà mình thì trộm cái đếch gì.

Văn Thời quay đầu lườm Trần Bất Đáo.

Đúng là hắn đang bực bội ghê, rõ ràng đều là người không ăn cay. Theo lý thì đừng nói cay, đến đồ ăn Trần Bất Đáo cũng chẳng hay ăn, đáng lẽ phản ứng của anh phải rõ hơn chứ? Sao chỉ có mỗi hắn sưng môi vậy?

Ánh nhìn chòng chọc này chỉ vỏn vẹn mấy giây.

Nhưng đợi Văn Thời quay người mở tủ lạnh, hắn lập tức phát hiện toàn bộ ngăn mát trong tủ lạnh trống trơn, chả có một lon đồ uống nào.

Chẳng biết mất đi đằng nào rồi.

Lão tổ không tin ma quỷ, hắn lại cau mày kéo ngăn đông lạnh ra, phát hiện ngay cả kem que kem cốc cũng mất tích, cứ như bốc hơi khỏi thế giới này rồi ấy.

Lão tổ: "....."

"Cái lùm mía, đồ uống đồ ăn vặt của em đâu mất rồi?!" Hạ Tiều trợn mắt há hốc mồm, tạm thời chưa nảy số chuyện gì đang xảy ra.

Chỉ có Văn Thời là người hiểu rõ, dù sao từ bé đến lớn hắn cũng bị chọc ghẹo không biết bao nhiêu lần, trừ Trần Bất Đáo ra thì còn ai làm được chuyện này nữa?

Hắn khẽ liếm khóe miệng cay nóng, mặt không cảm xúc bám cửa tủ lạnh đứng im như phỗng, cảm thấy cuộc sống này hết thật rồi.

Thế là hắn quẳng cho Hạ Tiều một câu "Đi đây", sau đó quay đầu lặn mất tăm.

Khi Trần Bất Đáo mở cửa trận về tới núi Tùng Vân, lão Mao và đại Triệu tiểu Triệu đang đứng gác trên con đường núi. Trông thấy chủ rối còn chẳng thèm chào hỏi, đứng nghiêm mặt như ba cây tùng đón gió.

"Người đâu, về chưa?" Trần Bất Đáo.

Khóe miệng đại Triệu giật giật, hình như định khai báo nhưng lại nhịn xuống: "Dạ....chưa về."

Tiểu Triệu trả lời theo: "Thật đấy ạ. ....chưa về."

Lão Mao lẳng lặng trợn trắng mắt, phục sát đất hai con nhóc này luôn. Dáng vẻ không biết nói dối thật chẳng biết giống ai nữa.

Trần Bất Đáo liếc qua cửa phòng đóng chặt cách đó không xa, cố nén cười nói: "Giận ghê lắm à? Đang trong phòng tôi hay trong phòng em ấy?"

Đại Triệu giật khóe miệng nói: "Vâng....trong phòng anh ấy."

Tiểu Triệu yên lặng cho cái miệng của mình nghỉ ngơi một phút.

Lão Mao từ bỏ, nhẫn nhịn lần trợn trắng mắt thứ hai bảo: "Trong phòng ngài."

Rõ ràng dựa vào năng lực của hai thầy trò nhà này, trên núi có con chim trốn ở chỗ nào bọn họ cũng biết tỏng rồi còn gì. Thế mà lần nào cũng một người không cho nói, một người còn cứ hỏi.

Làm như thật ấy, đây là kiểu chơi đùa mới lạ gì vậy trời.

"Ừ." Trần Bất Đáo gật đầu như thật, nhấc chân bước về phía căn phòng.

Lúc anh mới về núi còn là dáng vẻ tao nhã lịch sự thời hiện đại, tóc ngắn, áo sơ mi. Trong khoảng thời gian bước về phía cửa phòng, mái tóc ngắn nhanh chóng dài ra, áo khoác đỏ thắm và áo trong trắng tinh quét qua đá núi cỏ dại, giống như dần dần cởi bỏ hư ảnh che mắt dưới ánh trăng ngập tràn.

Anh tựa bên cửa, thò tay "thành khẩn" gõ mấy lần.

Lúc đó Văn Thời đang ngồi trước bàn xụ mặt cầm chiếc chén nhỏ trong khay trúc, hắn đặt xuống trước mặt, tay áo rộng màu trắng vương trên mặt bàn rồi nhanh chóng rơi xuống.

Bên cạnh tay hắn có một bếp lò nhỏ, trên bếp đun nước sôi ùng ục, hương trà thoang thoảng tản ra theo làn khói.

Khi tiếng gõ cửa vang lên, hắn thầm trả lời trong lòng rằng "Điếc rồi, không nghe thấy."

Nhưng chẳng mấy chốc hắn lại ngẩng đầu lên.

Người ngoài cửa dường như cảm ứng được động tác của hắn, cánh cửa vang lên tiếng mở "kẽo kẹt" ngay khi hắn ngẩng đầu. Mỗi tội người bước vào không phải Trần Bất Đáo mà là một đám lùn tịt.

"...."

Cái khỉ gì đây?

Nhờ ánh trăng sáng bên ngoài cửa, Văn Thời rốt cuộc thấy rõ "vị khách ghé thăm".

Đó là bảy tám con thỏ tròn vo như một quả cầu tuyết được nặn từ thuật rối. Bọn chúng dùng tư thế mà những con thỏ bình thường không thể nào làm được, giơ cao hai chân, đầu đội lon Cola lạnh, xếp thành một hàng ngay ngắn lăn....à đi về phía Văn Thời.

Con thỏ dẫn đầu thì không đồng bộ lắm, nó giơ cao lon Cola có dán một tờ giấy, bên trên là một hàng chữ hết sức rắn rỏi: Tới xin lỗi nè, cười một cái coi.

Văn Thời: "......"

Đây chính là chuyện mà tổ sư gia phán quan làm ra đấy.

Văn Thời ngồi thờ ơ chốc lát, sau đó đám cầu tuyết kia bắt đầu níu áo hắn trèo lên trên.

Mấy giây tiếp theo, hắn giữ cổ áo để tránh bị con thỏ lôi tuột xuống. Sau đó thò tay cầm một lon Cola lạnh, bật "tách" nắp lon uống một ngụm rồi mới ngước mắt lên.

Hắn trông Trần Bất Đáo dựa bên cửa, phía sau là ánh trăng soi tỏ, ánh mắt anh liếc qua mặt bàn và bếp lò đỏ rừng rực, nói với hắn rằng: "Tôi đến xin một chén trà."

***

Khoảnh khắc ấy, Hạ Tiều đang đứng đối diện với bức tường trong phòng khách ở biệt thự nhà họ Thẩm, rụt tay khỏi phần đuôi bức danh phả. Cậu đã lau nhẹ tên mình trên bức tranh nhưng ngón tay không còn dính vệt mực nữa rồi.

Bởi vì lần này, hai chữ "Hạ Tiều" không còn bị cậu ép thêm vào nữa.

Cậu nhìn rất lâu sau đó quay về phòng ngủ.

Cậu ngồi xuống trước chiếc bàn gần cửa sổ trong phòng ngủ, lấy từ trong ngăn kéo ra một quyển sổ, giở tới một trang giấy trắng nào đó thì cầm bút viết lên trên.

Khi còn bé trông thấy Thẩm Kiều cúi đầu bên bàn viết nhật ký, kiểu gì cậu cũng sẽ không nhịn được hỏi một câu: 'Ông ơi, ông viết cái này để làm gì ạ?"

Thẩm Kiều nói: "Ông muốn nhớ kỹ một vài chuyện."

"Thế sao không dùng đầu để nhớ ạ?"

"Nhiều lắm, kiểu gì cũng sẽ quên một vài chỗ."

"Quên mất thì nghiêm trọng lắm ạ?"

"Không nghiêm trọng." Thẩm Kiều nói, "Nhưng mà sẽ tiếc nuối."

"Vì sao ạ?"

Thẩm Kiều cân nhắc rồi nói: "Vì có vài chuyện rất quan trọng nhưng khi người trong câu chuyện tỉnh dậy thì lại quên mất, nếu ai đó có thể nhớ kỹ thay bọn họ thì tốt hơn nhỉ."

Ngày bé Hạ Tiều nghe không hiểu, cho nên sau khi Thẩm Kiều qua đời thì cuốn nhật ký kia cũng bị bỏ không.

May mà giờ cậu hiểu rồi nên lại tiếp tục ghi chép những câu chuyện ấy.

Cậu viết rất lâu, ghi về những người mình đã gặp ở Tây An trong vài ngày giải lồng, ghi lại cô gái tên "Lan Lan" và cả người bà đã rời đi của cô.

Cho đến khi vầng trăng tròn chậm rãi chuyển từ góc ô cửa sổ vào chính giữa, ánh sáng bạc phủ kín mặt bàn, cậu ngửi thấy một mùi hương thoang thoảng qua ô cửa sổ.

Cậu ngơ ngác hồi lâu rồi ngẩng đầu nhìn thấy gốc mai trắng trong sân, nó đứng lặng lẽ giữa màn đêm, trên đầu cành gồ ghề chẳng biết nở một bông hoa từ bao giờ.

.... Ông nội?

Ngón tay cậu run rẩy, vội gác bút chạy ào ra sân.

Bút trên bàn lăn một vòng, một giọt mực loang lổ trên trang giấy.

Phía trên vệt mực là mấy dòng cuối cùng cậu vừa viết.

.....

Ngày trước từng đọc được một cuốn sách có nhắc: Vạn vật luôn luôn thay đổi, bất kể cảm xúc nào cũng là khổ đau, chúng sinh đấu đá lẫn nhau, người trong sạch trên đời này quá ít. Còn sự tồn tại của phán quan chính là giúp con người trừ bỏ vướng ngại, hóa giải sát khí.

Khi đó tôi chưa vào lồng hay giải lồng bao giờ, người từng gặp lác đác được vài mống, thành ra hiểu lầm ý những lời này. Tôi cứ tưởng đó là mong mọi người đừng vấn vương lo nghĩ nữa.

Về sau mới biết mình đã nhầm rồi.

Phán quan không phải đến giải quyết những nỗi băn khoăn ấy mà là giúp chúng có chốn yên nghỉ.

Ông nội bảo, đây là một chặng đường dài không thấy điểm cuối, có người đã đi suốt hơn nghìn năm, không biết ông sẽ đi được bao lâu.

Bất kể bao lâu, tôi cũng sẽ ghi chép lại giống như ông nội, vì đây là minh chứng cho thấy những câu chuyện đó đã từng xảy ra.

Hôm kia là tiết Tiểu Hàn, một cô gái tên "Lan Lan" đã gặp được bà ngoại mình lần cuối, mặc dù cô ấy đã quên mất chuyện trong lồng, nhưng người bà đã biết được nơi cô sống nên không còn gì tiếc nuối nữa, lúc rời đi còn nở nụ cười mãn nguyện.

Đây chính là ý nghĩa tồn tại của dòng Phán quan chúng ta.

Ngày mùng 7 tháng 1 năm 2021, mai trắng trổ hoa rồi.

Hạ Tiều ở Ninh Châu

***

Có lẽ bạn đã chẳng còn nhớ.....

Thật ra bạn đã nói lời tạm biệt với người phải rời đi trong một đêm dài nào đó rồi.

-------------------Hết---------------

Bơ: Truyện hoàn từ 12/6. Còn hôm nay là 29/6/2021. Tôi quay lại đây viết vài dòng tâm sự của chính bản thân vì t cần nơi bấu víu lúc này.

Cuộc sống êm ấm của gia đình tôi kết thúc vào hôm qua, kể từ khi nhận được tin bố tôi mắc bệnh ung thư phổi giai đoạn cuối.

Chỉ trong khoảng 1 tháng, người bố tôi gầy rộc đi, cổ họng khấm khứ, ăn bát cơm uống tí canh còn bị sặc. Vì phát hiện bệnh quá muộn nên giờ chẳng còn cơ hội chạy chữa nữa, khối u đã ăn mất 1/3 phổi của bố, di căn vào khu tâm thất. Mọi phương pháp giờ đều vô dụng. Không thể phẫu thuật vì khối u quá lớn, nếu xạ trị thì sẽ vỡ động mạch chủ vì nó ăn cả vào máu rồi. Còn truyền hoá chất ấy à, sức khoẻ bố tôi không chịu được, có khi chưa chết vì bệnh thì đã chết vì hoá chất.

Tôi căm ghét căn bệnh này, vì nó từng cướp đi mạng sống của ông nội và bác tôi.

Tôi giờ đây như kẻ chới với giữa biển khơi, bà ngoại và mẹ đau đớn thương bố tôi, tôi chẳng dám tâm sự với ai sợ mọi người càng lo lắng. Tôi trốn trong phòng, nhớ về quãng thời gian ngày bé được bố dìu dắt bế đi mẫu giáo, nhớ đến khi ốm đau nửa đêm rét buốt bố mặc áo cộc quần đùi vội vàng bế tôi sang viện.....

Khi bé tôi rất yếu, dăm bữa nửa tháng lại sốt cao co giật phải vào viện, chắc vì thế nên đầu óc tôi cũng đơ đơ chẳng được nhanh nhạy như con nhà người ta. Rồi bố nghe người mách nước, lên tận vùng cao trèo đèo lội suối với chú bạn của bố bắt kỳ đà lấy mật và đuôi về pha nước cho tôi uống mỗi khi sốt co giật. Dường như sự vất vả của bố đã được đền đáp, tôi lớn lên khoẻ mạnh, đầu óc ghi nhớ cũng tốt hơn rất nhiều. Nhưng bố vẫn không để tôi phải làm việc nặng nhọc bao giờ.

Đêm qua bố không ngủ nổi, bố nằm khóc nói với mẹ tôi rằng: "Anh thương các con anh quá, cả hai còn nhỏ dại, giờ anh đi thì chúng nó biết phải làm sao." Năm nay tôi mới tròn 25, em trai mới lên lớp 8, hai chị em còn chưa kịp báo hiếu bố.

Giờ cả gia đình chỉ mong bố ở với mấy mẹ con thêm được 1,2 năm, nhưng có vẻ điều này quá xa xỉ. Tôi hoảng loạn sợ hãi, sợ một ngày tỉnh dậy chẳng thấy bố đâu. Tôi liên tục nhìn trộm bố, nhưng khi bố nhìn tôi, tôi vội quay đi vì sợ không kìm nổi nước mắt.

Không gì đau đớn bằng việc nhìn người thân của mình chết dần mà bản thân lại chẳng thể làm gì.

Rồi xuân tới hoa đào nở, không biết trong căn nhà còn bóng dáng bố hay không.

Bố tôi khổ cực cả cuộc đời, đến cái cách ông trời mang bố tôi đi cũng bắt bố phải đau đớn.....

loading...