Boring N Motivation Awake Your Power Dung Tu Giam Minh Trong Buc Tuong Tinh Cach

iSách
Nguồn. Mêđọcsách

Triết gia cổ đại Aristotle từng nói: "Chúng ta bản chất là những gì chúng ta thường xuyên làm". Thói quen tạo nên tính cách. Nếu thay đổi được thói quen, tính cách đương nhiên thay đổi.

Sự đổi thay là bất tận, điều kiện cần là sự bền bỉ. Chính vì vậy, thật uổng phí khi chúng ta tự giam hãm mình trong những bức tường mang tên tính cách.

Tôi là một kẻ khá thờ ơ và nhạt nhẽo với âm nhạc. Tôi thậm chí không phải là fan của bất kỳ dòng nhạc nào. Tôi hát karaoke toàn sai nhịp.

Điện thoại của tôi không có các bài hát. Lúc tập thể dục hay đi trên đường, tai nghe của tôi là các mẫu câu học ngoại ngữ. Vì vậy khi thấy tôi mua một cây ghita điện, bạn tôi cười ầm lên và nhận xét rằng âm nhạc không thuộc về bản ngã của tôi. Nguyên chất, gốc rễ tính cách và tâm hồn của tôi là cầm bút lên và viết.

Luyện trí não
Sống đúng với bản ngã
Đi tìm bản ngã của chính mình là điều mà hầu như ai trong chúng ta cũng từng nghe nói đến. Nó tự nhiên như thể đó là mục đích lớn nhất của cuộc đời.

Chúng ta tự vấn bản thân để tìm đến một sự thật nguyên gốc, con người thật nguyên gốc. Cái gốc của sống thật đó bao gồm tất cả mục đích phù hợp với bản chất của ta: môn học ta ưa thích, nghề nghiệp ta say mê, người tình hợp với ta như hai bàn tay khớp nối.

Chúng ta tin rằng khi tìm được cái tôi nguyên gốc ấy và sống thật, sống đúng với nó thì ta sẽ hoàn toàn tự do và cảm nhận được hạnh phúc. Mọi sự đau khổ, đấu tranh và gập ghềnh của cuộc sống là do ta đang không sống đúng với những gì thuộc về bản chất của mình.

Có đúng như vậy không?
Năm 2013, một trong những khóa học được nhiều sinh viên đăng ký nhất tại Harvard thu hút sự chú ý của báo chí vì lời hứa sẽ khiến người học thay đổi hoàn toàn cuộc sống của chính mình.

Giáo sư Puett tuyên bố trọng tâm của khóa học là "các bạn phải dừng ngay cuộc tìm kiếm bản ngã của chính mình, bởi vì nó không tồn tại".

Khái niệm bản ngã và sự kết nối của bản ngã với hạnh phúc thật sự trong cuộc sống bắt nguồn từ tôn giáo với niềm tin rằng Chúa đã định đoạt cho mỗi chúng ta một số phận riêng, một đường đi đặc biệt. Dù tôn giáo không còn là niềm tin mạnh mẽ nữa, nhưng những ảnh hưởng của nó vẫn còn rất sâu sắc.

Nếu ta tự miêu tả bản thân, ta dễ dàng vẽ lên chân dung mình với những tính cách cụ thể như "vui vẻ", "yêu hội họa", "hơi nóng tính", "rất ghét nấu nướng"...

Một cách gián tiếp, những miêu tả này trở thành "lời tiên tri tự ứng nghiệm" (self-fulfilling prophecy). Nghĩa là nếu ta tự miêu tả bản thân là một kẻ hơi nóng tính thì dần dần ta sẽ trở nên nóng tính và cuối cùng trở thành một kẻ thật sự nóng tính.

Khuyến đọc: Độc thân - Một kết quả bất ngờ của hiệu ứng lựa chọn
Nếu ta cho rằng đó là tính cách bản thân rồi, không thay đổi được, ta sẽ trở nên dễ dãi khi cơn nóng tính tràn đến, ta sẽ phẩy tay bỏ qua thay vì cố gắng tìm cách kìm nén hoặc đổi thay. Ta sẽ nhìn lại hậu quả của cơn nóng nảy và chẹp miệng tự thanh minh: non sông dễ đổi nhưng bản chất khó dời. Ai yêu tôi thì phải chấp nhận, con người tôi vốn thế rồi.

Giáo sư Puett đã chỉ ra rằng cái mà chúng ta lầm tưởng là bản ngã thật ra chỉ là một lát cắt nhất thời của cuộc sống. Vấn đề là khi lát cắt bị lặp đi lặp lại nhiều lần, nó sẽ trở thành thói quen. Một thói quen khi lặp lại nhiều lần sẽ trở thành tính cách.

Và tính cách góp phần hình thành nên số phận. Nói cách khác, số phận mà chúng ta đang có về bản chất là hệ quả của lời tiên tri tự ứng nghiệm. Bạn là một kẻ nóng tính và cuộc sống của bạn toàn là những cuộc cãi vã không phải vì bản chất của bạn là một kẻ nóng tính.

Bạn đã "trở nên" nóng tính sau rất nhiều lần cư xử như vậy. Nhưng đó nhất định không phải là toàn bộ bản ngã của bạn.

Bà Doris Self
Bà Doris Self nổi tiếng là người chơi game già nhất thế giới, giữ kỷ lục Guinness với Twin Galaxies ở hạng chơi khó nhất. Bộ óc khi được rèn luyện sẽ thách thức tuổi tác và định kiến.

Bộ não nilông
Khoa học nhân văn hiện đại nhìn bản ngã như một quá trình đa diện và tự biến đổi không ngừng. Quan điểm này khá giống với Phật giáo khi cho rằng bản ngã là một ảo ảnh (anattā/no-self).

Những nghiên cứu mới nhất của ngành thần kinh học thậm chí còn có thể đưa ra bằng chứng về sự linh hoạt không ngờ của bộ não con người. Ví dụ, bạn cho rằng giá trị sống của mình rất vị tha, nhưng bộ não của bạn có thể kích hoạt rất mạnh mẽ ở phần vị kỷ khi hoàn cảnh yêu cầu.

Khái niệm "bộ não nilông" (brain's plasticity) được đưa ra để chúng ta hiểu rằng bộ óc cũng giống như miếng nhựa nilông hay một cơ bắp trên cơ thể vậy. Nó biến hóa, phồng ra, co vào, tạo ra các xung điện mới để giúp chúng ta ứng phó với cuộc sống.

Người lái taxi ở London phải nhớ tới hơn hàng ngàn con phố nên phần sau vùng đồi hải mã (hippocampus) trong não họ to hơn... Mỗi ngành nghề lại khiến bộ não của chúng ta phát triển rất khác nhau.

Chính vì thế, các cuốn sách dựa vào sự khác biệt giữa bộ não đàn ông và đàn bà (Đàn ông sao Hỏa, đàn bà sao Kim là một ví dụ) thường bị giới khoa học lên án kịch liệt. Nó khiến chúng ta tưởng rằng bộ não từ khi sinh ra là đã có bản sắc giới như thế.

Sự thật là một phụ nữ giỏi làm nhiều việc cùng một lúc (multitasking) không phải vì cô ấy được trời phú cho khả năng ấy, mà là công việc và xã hội yêu cầu cô phải sống như vậy.

Khuyến đọc: Hiệu ứng Dunning-Kruger: Người kém thông minh không đủ thông minh để nhận ra điều đó
Dần dần, hai bán cầu não của cô tìm cách thích nghi bằng cách phóng nhiều hơn hẳn các luồng xung điện qua lại với nhau khiến cô ngày càng giỏi trong nhiều việc, như tiểu Phật bà mười chân mười tay việc nào cũng bay bay!

So sánh não của cô với não một người không sống trong môi trường tương tự (bất kể là đàn ông hay đàn bà), chúng ta sẽ thấy não của họ không có các luồng xung điện bắn qua hai bán cầu ở cường độ khủng khiếp như vậy.

Tương tự, các định kiến thường có về đàn ông lái xe giỏi hay phụ nữ khéo giao tiếp đều là hệ quả của việc bộ não thích nghi với các yêu cầu của cuộc sống.

Chính vì vậy, bất kỳ thứ gì trẻ em tiếp xúc (qua tivi, qua quan sát, qua trường học, qua đồ chơi, qua quần áo, qua sách vở, qua những lời nói bâng quơ của người lớn...) đều đóng vai trò điều chỉnh các xung điện của não và hình thành các con đường kết nối giữa các nơron tương ứng.

Nếu bé thường xuyên thấy mẹ nấu nướng và bố lái xe, các nơron và xung điện tương ứng với hình ảnh "phụ nữ - bếp núc" và "đàn ông - xe cộ" sẽ dần dần hình thành một cách vô thức.

Như một lối đi lâu thành đường, trong quá trình lớn lên, bất kỳ lúc nào trong cuộc sống xuất hiện hình ảnh "bếp núc", nơron này sẽ bắn xung điện sang nơron quen thuộc với nó nhất, tức là "phụ nữ". Đây chính là gốc rễ của định kiến.

Chính vì vậy, những quảng cáo có hình ảnh đàn ông vào bếp nấu nướng khiến người xem vô thức cảm thấy "bất thường", đơn giản vì nó không cùng tần số với xung điện đã bị in hằn trong trí óc của họ từ khi còn thơ bé.

Như một vòng xoáy không lối thoát, các nhà quảng cáo không muốn người xem cảm nhận sự bất thường nên lại tiếp tục sản xuất các hình ảnh làm đậm thêm sự phân biệt giới tính. Và phụ nữ sẽ lại là những nhân vật chính trong quảng cáo đồ nội trợ, đàn ông sẽ là nhân vật chính trong quảng cáo ôtô.

Sự thay đổi cơ học của não rõ ràng nhất khi chúng ta chủ động thách thức mình bằng những trải nghiệm và hành vi hoàn toàn mới. Tác giả bài viết vốn sợ độ cao và chưa từng leo dây, nhưng đã chiến thắng bản thân và chinh phục đường abseil leo núi cao nhất thế giới ở Lesotho.

Bản ngã không biên giới
Cuộc sống không phải là hành trình tìm kiếm bản ngã, mà là kiến tạo một bản ngã mới - Bernard Shaw
Như vậy, bộ óc nilông khiến chúng ta có thể thích nghi và thay đổi bằng cách bền bỉ luyện tập và hình thành các thói quen.

Tuy nhiên, mỗi chúng ta đều có nhiều thói quen tốt và cũng vô số thói quen dở tệ. Nếu ta để những thói quen đó biến thành "tính cách" và tin rằng bản chất con người thật của ta là vậy thì bộ não nilông, thay vì giúp chúng ta thay đổi, lại trở thành công cụ để ta ngày càng lao vào vòng xoáy bất tận của những lời tiên tri tự ứng nghiệm.

Khuyến đọc: Tâm lý học hài hước: Khoa học về những điều kỳ quặc
Bản ngã không cố định. Nó chỉ là những lát cắt nhất thời, những thói quen bị dán nhãn tính cách, những hệ quả của hành vi lặp đi lặp lại nhiều lần, những vết hằn của hình ảnh thường xuyên diễn ra trong cuộc sống. Bộ não nilông cho chúng ta thấy thói quen và tính cách hoàn toàn có khả năng thay đổi. Nhưng thay đổi thế nào?

Trong cuốn sách của mình - The Path (Đạo), GS Puett và Gross-Loh có một lời khuyên dành cho độc giả, đó là "chủ định phá vỡ thói quen và ứng xử như thể mình là một con người khác".

Ví dụ, bạn và bố vợ rất xung khắc nhau. Từ trước tới nay, bạn thường phẩy tay và cho rằng tính cách của hai nguời không tương hỗ, khắc khẩu. Nếu bạn ứng dụng kiến thức của bộ não nilông, bạn sẽ hiểu rằng bạn và bố vợ có thể vui vẻ với nhau, vì bản ngã của bạn không chỉ dừng lại ở một số tính cách tại thời điểm này, bố vợ bạn cũng vậy.

Có một con người khác trong bạn sẽ rất vui vẻ khi nói chuyện với một con người khác trong bản ngã của ông bố vợ. Sáng hôm sau, khi gặp ông, bạn chủ động mỉm cười, mua cho ông một bữa sáng, hỏi ông có cần bạn đưa đi thăm họ hàng không? Bạn sẽ cảm thấy khi nói và làm những điều này, bạn không sống "thật" với lòng mình.

Nhưng gượm đã, bạn có thể sẽ nhận ra rằng ông bố vợ ngạc nhiên, lời nói của bạn khiến ông suy nghĩ.

Trong đầu ông, những nơron thường xuyên nối "con rể" với "thằng tồi" bị đối chất. Nơron "con rể" bỗng cố gắng phóng luồng xung điện sang một nơron lạ hoắc tên là "hiếu thảo", đại loại thế.

Con đường xung điện mới này còn mong manh, nó sẽ không thể thắng con đường xung điện cũ một sớm một chiều. Với bạn cũng vậy, bạn thấy mình khó khăn lắm mới thốt ra được những lời ngọt ngào.

Nhưng đừng quên bộ não nilông, xung điện nào cũng khó khăn ban đầu, nhưng sau nhiều lần phóng điện, các nơron sẽ kết nối, dịch chuyển, sản sinh, đến một ngày hiệu ứng nhanh nhất sẽ được kết nối giữa các nơron mà tần số phóng điện là dễ dàng nhất: "con rể" - "hiếu thảo". Con người khác trong bạn đã trở thành một phần con nguời hiện tại. Ông bố vợ cũng vậy.

Quay trở lại câu chuyện của tôi ở đầu bài viết. Tôi đang bắt đầu tập đàn, từng tí một. Tôi muốn âm nhạc trở thành một phần mới trong bản ngã của mình. Các nơron sẽ phải rất vất vả để kết nối, nhưng có công mài sắt có ngày nên kim.

Nếu tôi bỏ cuộc, đó không phải vì âm nhạc và tôi không tương hợp, mà đơn giản vì tôi không đủ kiên nhẫn để đi nhiều thành đường.■

(*): PGS.TS Nguyễn Phương Mai là chuyên gia đào tạo về kỹ năng mềm, hiện nghiên cứu và giảng dạy môn đàn phán/giao tiếp đa văn hóa tại Đại học khoa học ứng dụng Amsterdam (Hà Lan).

loading...